22/11/2024 | 13:41 GMT+7, Hà Nội

Bài toán vay vốn phát triển nông nghiệp: Khó ở chỗ nào?

Cập nhật lúc: 15/06/2021, 06:15

Vay vốn đầu tư mở rộng và phát triển nông nghiệp là câu chuyện được bàn đi bàn lại rất nhiều năm qua. Thế nhưng, nút thắt ấy đến nay vẫn chưa được gỡ, các đơn vị sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này.

Nhằm cải thiện tình hình sản xuất nông nghiệp, thời gian qua đã có nhiều dự án nông nghiệp với quy mô lớn được xây dựng và đưa vào vận hành. Trong đó, nhiều nhà đầu tư đang chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, quy mô lớn, hình thành các chuỗi liên kết giá trị sản xuất - tiêu dùng. Tuy nhiên, các mô hình này mới chỉ ở dạng thức phác hoạ và khó triển khai bởi nguyên nhân cơ bản là thiếu vốn đầu tư, khó vay vốn tín dụng. Vậy đâu là giải pháp cho bài toán khó gỡ này?

Để làm rõ hơn vấn đề cũng như tìm ra các giải pháp phát triển bền vững và hiệu quả cho nông nghiệp, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn và là chuyên gia hàng đầu về chính sách nông nghiệp.

Đặng Kim Sơn
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn

Nhu cầu lệch pha với thực tiễn

PV: Thưa Tiến sĩ, ông đánh giá thế nào về việc áp dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp của các doanh nghiệp hiện nay?

TS. Đặng Kim Sơn: Thời gian qua, các nguyên cứu đánh giá của chúng ta đã cho thấy, ngành nông nghiệp áp dụng khoa học công nghệ nói chung còn rất thấp. Cụ thể như: Công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, không gây biến đổi khí hậu,… gần như chưa được áp dụng nhiều và khai thác tối đa hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng các công nghệ này vào sản xuất nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng còn nhiều hạn chế. Điều này mang tới những bất lợi cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào các Hiệp định thương mại giai đoạn thứ 3 như hiện nay.

Hầu hết, việc áp dụng công nghệ, nhất là công nghệ cao chỉ mới tập trung ở các doanh nghiệp lớn, gồm một số doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp Nhà nước. Còn với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là khối hợp tác xã thì chỉ mới áp dụng được máy móc, công nghệ từ các nước thay thế. Vì vậy, hầu hết các công nghệ, máy móc này phải sử dụng rất nhiều nguyên nhiên liệu, tốn kém tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả công việc rất kém.

Ngoài ra, chưa bàn tới khoa học công nghệ cao thì câu chuyện cơ giới hoá, điện khí hoá áp dụng tại các khâu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ hải sản vẫn còn chưa đáp ứng. Từ đó, tạo ra nhiều rào cản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh nhỏ.

PV: Vậy lý do nào khiến cho việc áp dụng công nghệ cao trở thành “bài toán khó” đối với doanh nghiệp, thưa ông?

TS. Đặng Kim Sơn: Có 1 thực tế rằng các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp có nhu cầu rất lớn về ứng dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã, kinh tế hộ, kinh tế hợp tác thì những công nghệ khoa học, tiêu chuẩn hoá toàn bộ dây chuyền sản xuất là những nhu cầu hết sức to lớn trong sản xuất và kinh doanh hiện nay. Tuy nhiên, nhu cầu lớn là vậy nhưng vấn đề mà các đơn vị này gặp phải là thiếu vốn đầu tư. Do đó mà việc triển khai áp dụng gần như không thực hiện được. 

Nhu cầu lớn, bản thân các ngân hàng cũng dư giả vốn đầu tư, khoa học công nghệ lại luôn sẵn sàng, máy móc thiết bị cũng không hề thiếu, nhưng do cung - cầu không gặp nhau nên nhu cầu dù nhiều, các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã vẫn khó khăn trong việc vay vốn và thiếu vốn. Về phía các ngân hàng cũng không mấy hứng thú trong việc cho vay đầu tư.

Cung - cầu không “gặp nhau” khiến việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn

PV: Nguyên nhân nào khiến các ngân hàng không hứng thú cho doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp vay vốn đầu tư? 

TS. Đặng Kim Sơn: Các ngân hàng có rất nhiều kinh phí, cụ thể là có rất nhiều tiền và lãi suất cho vay thấp nhưng các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã có nhu cầu lớn vẫn không thể vay được. Nguyên nhân ở đây là do cung - cầu không gặp nhau.
Đầu tiên, chúng ta phải nói đến là cách thức làm việc của các ngân hàng. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đang hành xử giống như những “tiệm cầm đồ”. Song song với mục tiêu phát triển lợi nhuận, các ngân hàng luôn tập trung đảm bảo an toàn vốn, thậm chí coi việc bảo toàn vốn hơn cả vấn đề phát triển. Chính vì vậy, các ngân hàng luôn đề cao, đảm bảo thế chấp khi cho vay. Thế chấp ở đây là những gì nhìn thấy được, sử dụng được như đất đai, nhà cửa hơn là những giá trị vô hình từ các tài sản trí tuệ, mô hình, thương hiệu, hợp đồng,…Khoảng cách giữa ngân hàng và các doanh nghiệp còn quá lớn, chưa thực sự cùng ngồi lại với nhau để hợp tác, xây dựng các đề án, phương án đầu tư. 

Nói đi cũng phải nói lại, về phía các doanh nghiệp, cụ thể là các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã thì năng lực vẫn còn yếu, xây dựng các đề án cho vay chưa thực sự thuyết phục, không có căn cứ khoa học bài bản.

Bên cạnh đó, theo Luật định, các doanh nghiệp, hợp tác xã không có đất đai, nhà cửa để thế chấp thì rất khó trong việc vay vốn tín dụng phát triển nông nghiệp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển kinh tế hộ hay những nhà start-up (khởi nghiệp) mới còn non trẻ, chưa có các tài sản đủ lớn để tạo niềm tin đối với các ngân hàng cho vay. Vì vậy, doanh nghiệp nhỏ hay các hợp tác xã hiện đang rơi vào thế yếu. Cùng lắm nếu được cho vay cũng chỉ áp dụng đối với kinh tế hộ khi đã có sổ đỏ và vốn vay ở đây cũng chỉ ở dạng vốn vay sản xuất, vốn lưu động chứ không phải là vốn vay đầu tư xây dựng cơ bản, lượng vốn lớn, dài hạn. 

NN công nghệ cao
Ngành nông nghiệp Việt Nam áp dụng khoa học công nghệ còn rất thấp (Ảnh minh hoạ)

PV: Như ông nói, các doanh nghiệp, hợp tác xã không có đất đai thế chấp nên ngân hàng khó khăn trong việc cho vay, vậy các tài sản trên đất như trang trại, nhà kính có thể dùng làm tài sản thế chấp được hay không? 

TS. Đặng Kim Sơn: Hiện nay, chúng ta cũng đã có rất nhiều đề xuất, tranh cãi về vấn đề này. Cụ thể là những tài sản trên đất như vật tư, thiết bị được mua sắm trong hợp đồng hay bản thân các sản phẩm nằm trong các kho bãi trong quá trình buôn bán có thể trở thành vật thế chấp được hay không?

Tuy nhiên, ngay bản thân vấn đề cũng đang được xử lý ở nhiều mức độ khác nhau. Trước hết là do sự minh bạch, mức độ đáng tin cậy của các văn bản pháp lý, các cơ chế cũng chưa thực sự rõ ràng. Việc định giá các tài sản trên đất như máy móc thiết bị, nhà xưởng hay một vườn cây,… còn rất mù mờ. Vì vậy, không tạo được sự chắc chắn, độ tin cậy đối với các ngân hàng cho vay. Trong khí đó, đối với những tài sản vốn dĩ đã được định giá là tài sản thế chấp, các ngân hàng cũng chỉ định ước ở mức 70%.

Thứ hai, năng lực các ngân hàng đầu tư vào tài sản mới còn rất hạn chế, cho nên các ngân hàng thường không cư xử như một “nhà đầu tư”. Các công nghệ, khả năng kinh doanh, cơ hội buôn bán có mức độ tin cậy như thế nào, giá trị là bao nhiêu, thì ngân hàng cũng hầu như không định giá được hoặc định giá rất kém. Vì vậy, hoàn toàn các ngân hàng không chấp nhận các rủi ro khi cho vay vốn.

Thứ ba, khi có tài sản chung như hệ thống điện, hệ thống kênh mương, nhà xưởng tại các hợp tác xã hay doanh nghiệp thì việc quản lý cũng là một nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng còn e dè khi cho vay vốn. Bởi, vấn đề quản lý của các đơn vị này còn nhiều bất cập. 

Hợp tác xã là tập hợp nhiều hộ gia đình còn doanh nghiệp thường gồm nhiều cổ đông. Vì vậy, việc quản lý tài sản thường rời rạc, không đảm bảo, không có sự thống nhất.

Như vậy, có cả vấn đề về pháp lý, tổ chức thể chế, vấn đề về kỹ năng quản lý nhằm tạo ra những khó khăn trong việc biến những tài sản, giá trị vô hình trở thành giá trị thế chấp và hấp dẫn các ngân hàng cho vay.

PV: Ngoài những lý do trên, theo ông còn có lý do nào khiến việc tiếp cận vốn vay khó khăn?

TS. Đặng Kim Sơn: Nói một cách đúng hơn thì khó khăn căng thẳng nhất không phải là khó khăn từ phía thị trường. Mà cái khó khăn ở đây là từ phía các doanh nghiệp, các hợp tác xã. Chưa bàn đến năng lực thì việc tổ chức thể chế của chúng ta đang khiến các mô hình kinh doanh trở nên quá yếu, quá manh mún, nhỏ lẻ. Anh nào biết anh ấy, chưa có sự liên kết. 

Hầu như các hợp tác xã, Hiệp hội doanh nghiệp chưa đảm bảo thực hiện đúng, đủ vai trò của mình. Vì vậy, việc tiếp cận bên ngân hàng cho vay đến bên vay là hàng vạn các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, doanh nghiệp manh mún là một khoản chi phí rất lớn và rủi ro quá cao. 

Nhưng nếu các hộ nông dân ấy biết liên kết với nhau trong hợp tác xã, hợp tác xã liên kết với nhau trong Liên hiệp hợp tác xã; các doanh nghiệp liên kết với nhau trong Hiệp hội doanh nghiệp thì chi phí giao dịch sẽ được giảm đi rất nhiều, độ rủi ro sẽ thấp hơn. Từ đó, chưa nói đến việc vay vốn ngân hàng tín dụng mà cả những vấn đề về tiếp cận cộng nghệ, đào tạo, tiếp cận về thị trường cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

NN công nghệ cao
Thiếu vốn là một trong những nguyên nhân khiến ngành nông nghiệp Việt Nam kém phát triển (Ảnh minh hoạ)

Thiếu vốn đầu tư, chuỗi giá trị dễ dàng “đứt gãy”

PV: Khi một doanh nghiệp, hợp tác xã không phát huy được tác dụng vì thiếu vốn, phải chăng sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội, cũng như những tiềm năng vốn có?

TS. Đặng Kim Sơn: Ở các vấn đề cơ bản nhất như cơ giới hoá, điện khí hoá hay như hiện nay là tự động hoá, số hoá đang được tập trung phát triển quyết liệt, trở thành nền tảng sản xuất của thế giới. Nếu các đơn vị sản xuất kinh doanh của chúng ta không tiếp cận những nền tảng sản xuất đó do thiếu vốn thì khả năng cạnh tranh của chúng ta sẽ rất yếu. Như vậy, khi thế giới càng hội nhập thì chúng ta càng tụt hậu. 

Trong chuỗi giá trị, chúng ta sẽ bị đẩy lùi xuống giai đoạn gia công, lắp ráp, có giá trị gia tăng thấp nhất trong khi đó mức độ gánh chịu những thiệt hại về vấn đề môi trường lại lớn nhất. Nếu chúng ta kém phát triển do thiếu vốn thì chúng ta có thể mất ngay thị trường trên sân nhà chứ chưa nói đến xuất khẩu.

Hơn hết, trong thời kỳ các tài nguyên của chúng ta đang đi đến giới hạn như đất, nước, rừng, biển thì yếu tố đầu vào để giữ cho tăng trưởng kinh tế mà vẫn đảm bảo tài nguyên chỉ có yếu tố khoa học công nghệ. Nếu không có tài nguyên, con người và khoa học công nghệ thì chắc chắn tăng trưởng của chúng ta sẽ giảm.

Cho nên đổi mới khoa học công nghệ là yêu cầu sống còn mà muốn đổi mới được thì cần hai yếu tố đảm bảo. Thứ nhất là vốn đầu tư và thứ hai là trí tuệ con người. Và cả hai điều này lại đều cần vốn.

PV: Trong chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ thì khâu chế biến rất quan trọng. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy hầu hết các doanh nghiệp hay hợp tác xã đang bị đứt gãy ở chính khâu này do thiếu vốn. Từ đó khiến chất lượng sản phẩm không đa dạng hay được bảo quản lâu dài, ảnh hưởng đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

TS. Đặng Kim Sơn: Rõ ràng trong chuỗi giá trị, ngay những khâu đầu như cơ giới hoá, điện khí hoá đã không được đảm bảo do thiếu vốn thì ở những khâu sau - khâu có giá trị gia tăng cao hơn sẽ càng yếu hơn. Tỷ lệ bến bãi, kho bảo quản không đáp ứng được sẽ khiến tỷ lệ hao hụt giá trị cũng như số lượng sản phẩm là rất cao đối với các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản. Thời gian giao hàng chậm, giá thành lại cao khiến sức cạnh tranh sản phẩm của chúng ta gần như không còn. Dù người nông dân của chúng ta có cố gắng đến mấy thì chuyển sang giai đoạn sau sản xuất sẽ bị triệt tiêu hết tất cả.

Từ đó khiến khâu chế biến - khâu quyết định nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm cũng ảnh hưởng sâu sắc. Đơn cử như mùa vải hiện nay. Nó chỉ có thời gian trong vòng hai tuần để thu hoạch và tiêu thụ sau thu hoạch. Nếu như không có các kho bãi để cất giữ hay có các dây chuyền chế biến thì tình hình sẽ khác hẳn.  Đặc biệt, được mệnh danh là cường quốc nông nghiệp nhưng nước ta lại không đảm bảo được khâu chế biến thì sẽ là điều “không bình thường”.

Vì vậy, nếu chúng ta không tập trung vốn đầu tư vào các khâu sau thu hoạch cụ thể là chế biến thì chúng ta sẽ dễ làm đứt gãy chuỗi giá trị và cùng lắm cũng chỉ đạt mức chuỗi cung ứng. Từ đó, chúng ta sẽ không bao giờ trở thành được cường quốc nông nghiệp chứ đừng nói là công nghiệp.

NN công nghệ cao
Thiếu vốn đầu tư, chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ dễ dàng "đứt gãy" (Ảnh minh hoạ)

Gỡ “nút thắt” cho bài toán vay vốn

PV: Vậy thưa ông, để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn nông nghiệp, chúng ta nên tháo gỡ từ nút thắt nào?

TS. Đặng Kim Sơn: Về giải pháp ngắn hạn, cần có sự hỗ trợ, cải tiến chính sách, các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã được vay vốn. Cụ thể ở đây là dễ dàng trong vấn đề thế chấp tài sản, định giá được tài sản, cũng như những rủi  ro, tiềm năng lợi nhuận của các giá trị mềm.

Ngoài ra, Nhà nước nên tạo điều kiện hơn nữa trong việc cấp các giấy tờ chứng nhận nhằm đảm bảo cho công tác định giá các tài sản như đất đai, thiết bị, máy móc, cây trồng, vật nuôi trên mảnh đất, tài sản tạo thành trong quá trình đầu tư hay các hàng hoá dịch vụ trong quá trình giao dịch. Hỗ trợ các dịch vụ nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng được những đề án cho vay đáng tin cậy.

Về phía ngân hàng, Nhà nước cần có chính sách giúp đỡ nhằm rút ngắn chi phí giao dịch để các ngân hàng phòng chống rủi ro, hành xử giống như một đối tác đầu tư với các doanh nghiệp.

Đối với giải pháp dài hạn, chúng ta cần phải thoát khỏi tình trạng các doanh nghiệp nhỏ lẻ, các kinh tế hộ rời rạc như hiện nay. Cách tốt nhất để phát triển là cần liên kết kinh tế hộ lại với nhau trong hợp tác xã. Hợp tác xã ở đây không phải là con số cộng về mặt số học còn toàn bộ kinh tế, thiết bị, máy móc đều thuộc về hộ gia đình. Hợp tác xã là phải được xây dựng trên cơ sở bán chung nông sản, mua chung vật tư, đặc biệt là phải cung cấp được các dịch vụ khoa học, công nghệ. Muốn làm được điều này, đòi hỏi Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất, tài sản chung như kho bãi, trụ sở, kênh mương, hệ thống điện nước,…

Về phía các doanh nghiệp, cần tham gia các Hiệp hội doanh nghiệp và những Hiệp hội này phải trở thành các tổ chức thực sự, phục vụ được cho các đối tượng thành viên của mình. Phải xây dựng được các Hiệp hội có tiềm lực, bản thân cũng có tài sản thì các doanh nghiệp mới có thể gắn bó được chặt chẽ trong Hiệp hội. Từ đó mới làm đối tác đáng tin cậy, an toàn với các ngân hàng.

PV: Nhà nước  đóng vai trò như thế nào trong vấn đề vốn vay nói riêng và hiệu quả ngành nông nghiệp nói chung, thưa ông?

TS. Đặng Kim Sơn: Đầu Đổi Mới, chúng ta đã thực hiện chính sách phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường. Theo đó, Nhà nước sẽ dần tách rời, không còn nắm tất cả mọi việc, quản lý các hợp tác xã để thông qua đó điều phối sản xuất. Nhà nước cũng không còn lãnh đạo các doanh nghiệp để điều phối kinh doanh. Chuyện sản xuất là chuyện của các gia đình, doanh nghiệp, chuyện đầu tư là thuộc phạm vi các ngân hàng.

Tuy nhiên, theo tôi, để trở thành một Nhà nước kiến tạo thì như thế là chưa thực sự đủ. Nhà nước cần phải đi xa hơn nữa trong việc liên kết các doanh nghiệp, liên kết các kinh tế hộ. Đặc biệt là hỗ trợ cho các đơn vị này có năng lực, chức năng để cung cấp các dịch vụ. Một trong những dịch vụ quan trọng đó là dịch vụ công cho vay đầu tư.

Ngoài ra, Nhà nước cũng có thể đưa ra các cơ chế chính sách giúp các ngân hàng yên tâm tiếp cận các dự án đầu tư từ những đơn vị này.

Vẫn sử dụng cơ chế thị trường để điều hành nhưng nên tạo điều kiện cho cả hai phía cung - cầu  lớn lên và liên kết lại với nhau. Nếu làm được như vậy, không chỉ vấn đề vốn đầu tư khoa học công nghệ mà vốn đầu tư phát triển con người, vốn đầu tư bảo vệ môi trường sẽ phát triển và được đảm bảo.

- Xin cảm ơn ông về cuộc chia sẻ!

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/bai-toan-vay-von-phat-trien-nong-nghiep-kho-o-cho-nao-20201231000002724.html