Bài học rút ra từ công tác quản lý phát triển quy hoạch?
Cập nhật lúc: 20/06/2019, 20:00
Cập nhật lúc: 20/06/2019, 20:00
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Phạm Tất Thắng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long) đã đặt ra câu hỏi cho Bộ Xây dựng: “Các khu đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt là ùn tắc cục bộ tại các khu đô thị mới, do công tác quy hoạch.
Đơn cử như đường Lê Văn Lương - Hà Nội, 2km đường phải gánh 40 tòa cao ốc; đường Nguyễn Hữu Cảnh - TP.HCM chưa đến 3km phải gánh 17 tòa nhà chung cư. Xin hỏi Bộ trưởng trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này ở đâu? Bài học gì cần rút ra trong công tác quản lý phát triển quy hoạch, phát triển đô thị trong tương lai?”
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Trong thời gian qua, tại các thành phố lớn đặc biệt là hai TP. Hà Nội và TP.HCM, do sự gia tăng dân số cơ học lớn (từ 2 - 4%/năm) các địa phương có nhu cầu phát triển các khu đô thị, khu chung cư cao tầng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên tại một số khu vực, việc kiểm soát xây dựng nhà cao tầng (trong đó có chung cư) còn thiếu chặt chẽ, chưa tuân thủ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc (nhất là vi phạm về khu vực hạn chế phát triển nhà cao tầng, chỉ tiêu dân số của khu vực).
Đồng thời, trên một số trục đường chính đô thị, công trình cao tầng được xây dựng không đồng bộ với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực dự án và kết nối với các khu vực khác.
"Những hạn chế này đã dẫn tới việc gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng, gây ùn tắc giao thông, ngập úng đô thị, ô nhiễm môi trường", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.
Để dẫn đến những hậu quả ấy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã nêu ra một số nguyên nhân chủ yếu.
Trước hết là do một số quy hoạch chi tiết làm căn cứ cấp phép xây dựng đã bị điều chỉnh không phù hợp với quy hoạch phân khu được duyệt và điều chỉnh theo hướng tăng chiều cao công trình, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất; giảm diện tích dành cho công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh.
Chưa dừng lại ở đó, việc một số giấy phép quy hoạch hoặc chấp thuận tổng mặt bằng không phù hợp với quy hoạch phân khu, thường là tăng chiều cao công trình, tăng diện tích sàn, chia nhỏ căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất đã dẫn tới phá vỡ quy hoạch phân khu.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ có kế hoạch phối hợp với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác quy hoạch, phát triển đô thị; trực tiếp thanh tra một số vụ về điều chỉnh quy hoạch đô thị…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà
Thêm một nguyên nhân là việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về lập, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng công trình theo quy định pháp luật còn hình thức, chưa đúng đối tượng, chưa cung cấp đủ thông tin cho người dân, chưa tổng hợp giải trình thấu đáo ý kiến của nhân dân.
Hơn thế, việc lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chậm, thiếu gắn kết với quy hoạch xây dựng và kế hoạch phát triển nhà ở. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiếu kế hoạch và không bố trí đủ nguồn lực cho xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Và những quy chuẩn về quy hoạch còn thiếu các nội dung kiểm soát dân số, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và chỉ tiêu hạ tầng.
Thêm vào đó, một số chủ đầu tư đã xây dựng công trình sai giấy phép xây dựng, trong khi đó, các cơ quan quản lý, thanh tra lại chưa làm tốt công tác quản lý trật tự xây dựng, không kịp thời xử lý kiên quyết đối với các công trình sai phép.
Bộ trưởng thừa nhận rằng những tồn tại, bất cập trong quản lý quy hoạch, phát triển đô thị hiện nay có trách nhiệm của Bộ Xây dựng.Việc đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung bất cập trong quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng chưa kịp thời; Chưa thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh để nâng cao chất lượng lập quy hoạch và đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng theo quy hoạch; Việc hướng dẫn công tác lập điều chỉnh quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm chưa thường xuyên, còn ít kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc trách nhiệm được giao trong công tác quản lý các hoạt động xây dựng, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm.
Từ thực tế đó, Bộ trưởng cho biết những bài học rút ra được là phải hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật liên quan để đủ sức điều chỉnh các hoạt động thực tiễn.
"Hiện nay, Bộ Xây dựng đang thực hiện đề án đổi mới lý luận, phương pháp về quy hoạch, phát triển đô thị; sửa đổi quy chuẩn về quy hoạch xây dựng, quy chuẩn về nhà chung cư, quy chuẩn về hạ tầng kỹ thuật; hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 trình Quốc hội xem xét, quyết định…", ông Phạm Hồng Hà cho biết.
Bài học kinh nghiệm thứ hai mà vị này nêu ra là các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đồng bộ các quy định pháp luật, trong đó có một số nội dung như: thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng quy hoạch, ngăn chặn có hiệu quả việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện; thực hiện nghiêm túc và thực chất việc xin ý kiến nhân dân, cộng đồng trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch và đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, cần xử lý kịp thời, triệt để các sai phạm theo quy định pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nâng cao năng lực, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm các quy định trong thực hiện nhiệm vụ…
Phải đầu tư đồng bộ giữa phát triển nhà ở, công trình thương mại dịch vụ và các công trình khác với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong toàn thành phố, trong từng khu vực và từng dự án.
"Các địa phương khi lập kế hoạch đầu tư (trong đó có đầu tư công) hằng năm và 5 năm cần gắn kết chặt chẽ, huy động các nguồn lực và bố trí đủ vốn cho công tác đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề nghị.
Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/bai-hoc-rut-ra-tu-cong-tac-quan-ly-phat-trien-quy-hoach-36853.html
06:00, 18/06/2019
10:00, 11/06/2019
07:00, 09/06/2019