19/01/2025 | 10:15 GMT+7, Hà Nội

Bác sỹ bật mí bí quyết lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn

Cập nhật lúc: 01/11/2018, 08:00

Thời gian trở lại đây, những cảnh báo về an toàn thực phẩm (ATTP) liên tục đã phần nào tác động tới xã hội. Chưa bao giờ như bây giờ, công cuộc phòng chống thực phẩm bẩn, đảm bảo ATTP, vì một nguồn thực phẩm sạch được quan tâm và đẩy mạnh thực hiện như lúc này.

Theo thống kê, trong số gần 5.000 ca ngộ độc thực phẩm mỗi năm, phần lớn là do ăn phải rau, củ tồn dư lượng hóa chất vượt mức cho phép, chủ yếu là thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng.

Đối với người tiêu dùng, việc nhận biết, phân biệt giữa thực phẩm đảm bảo an toàn với thực phẩm không an toàn là vấn đề hết sức khó khăn. Theo tài liệu của Cục ATTP của Bộ Y tế, số lượng các vụ ngộ độc thực phẩm cũng như số người bị nhiễm độc thực phẩm còn khá cao, đặc biệt là các trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng bởi thực phẩm. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn cả nước, các vụ ngộ độc thực phẩm đang diễn biến phức tạp, có nhiều người tử vong…

bac sy bat mi bi quyet lua chon thuc pham dam bao an toan
Các chuyên gia cho biết, người tiêu dùng cần hết sức chú ý màu sắc để phân biệt thịt an toàn

Đáng chú ý, nhiều người trồng rau vẫn hay sử dụng bừa bãi các hoá chất bảo vệ thực vật như các loại thuốc cấm, thuốc có độ độc cao, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng để phun trừ các loại sâu bệnh trên các loại rau quả, tiêm thuốc kích thích cho quả mau chín, ngâm ủ giá đỗ bằng các hóa chất tăng trưởng độc hại… đã làm tích luỹ một dư lượng nitrat rất lớn tồn dư trong rau, củ, quả.

Ngoài ra, nhiều người trồng rau đã dùng nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi để tưới rau làm cho hàm lượng kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh trong rau quả cao hơn nhiều so với qui định của Bộ Y tế… Đó chính là nguyên nhân làm phát sinh các bệnh cấp tính, là mầm mống gây ra nhiều loại bệnh đặc biệt nguy hiểm.

Thêm vào đó, các thực phẩm từ gia súc, gia cầm như: lợn, bò, gà, vịt… không ít người chăn nuôi cũng sử dụng những loại cám tăng trọng không rõ nguồn gốc để kích thích tăng trưởng, thậm chí những người kinh doanh thực phẩm còn sử dụng nhiều loại chất tẩy rửa thịt cá ôi thối để che mắt khách hàng…

Bác sĩ Ngô Hương Liên (phòng khám đa khoa tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết, rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt. Tuy nhiên hiện nay, vì nhiều lý do mà người tiêu dùng không được sử dụng những đồ tươi sạch. Để hạn chế những nguy cơ trên, bác sĩ Liên cho rằng, người tiêu dùng nên chú y quan sát màu sắc của các loại rau, củ quả và tham khảo những hướng dẫn từ ác chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm.

bac sy bat mi bi quyet lua chon thuc pham dam bao an toan
Có nhiều cách để phân biệt thực phẩm sạch với thực phẩm dùng thuốc kích thích, thuốc trừ sâu

Ví dụ: “Rau muống là loại rau rất dễ bị nhiễm hóa chất nhất. Người ta có thể trồng tại các hồ nước bẩn, ngay cống hay trên đất nông nghiệp nhưng phun nhiều loại thuốc kích thích, tăng trưởng. Vì vậy, khi ra chợ, người tiêu dùng không chọn rau muống vươn quá dài, cọng quá to. Khi cầm rau, bẻ thấy giòn, lá xanh sẫm thì tức là rau không ngon. Thay vào đó, các bà nội trợ nên lựa chọn rau ngọn nhỏ, lá dẻo, khi ngắt có nhựa loang giữa 2 phần thân. Đặc biệt, quan sát màu nước và màu rau sau khi luộc sẽ thấy có sự khác biệt rõ rệt. Rau muống bị phun hóa chất, nước luộc rau nóng sẽ có màu xanh nhạt. Sau khi để nguội sẽ chuyển màu xanh đen, có vẩn kết tủa đen. Khi ăn, rau có vị chát”- bác sĩ Liên chia sẻ.

Các loại thịt cũng cần được chú ý theo màu sắc khi lựa chọn. Đối với thịt bò, các bác nội trợ nên chọn màu đỏ tươi thay vì màu đỏ sẫm. Nếu như chúng ta ấn tay lên miếng thịt mà thấy mỡ mềm thì không nên mua. Đặc biệt phải chú ý lựa chọn những miếng thịt có thớ nhỏ, mềm, không quá mịn. Những thớ thịt lớn và cứng chúng ta không nên mua. Thịt bò không tươi khi sờ tay vào thịt sẽ nhão, bề mặt của thịt nhớt nhớt, dính tay khi ấn vào”, bác sĩ Đỗ Thu Mỹ (phòng khám Cầu Giấy, Hà Nội) tư vấn.

Với thịt lợn, vị chuyên gia khẳng định, thịt ngon thường có màu hồng nhạt đến đỏ thẫm. Khi cầm miếng thịt có cảm giác săn chắc, không nhũn nhão, đàn hồi tốt, không rỉ dịch, chảy nhớt. Đặc biệt, khi dùng ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra.

Người tiêu dùng hiện nay đang gặp khó khăn trong việc phân biệt gà ta sạch và gà nhuộm màu độc hại. Cách đơn giản để nhận biết, đó là quan sát màu da của các loại gà được bày bán sẵn tại chợ. “Nếu da gà có màu vàng mà lớp mỡ bên trong trắng thì đó là gà được nhuộm hóa chất. Da gà ta mỏng, mịn, độ đàn hồi cao. Hơn nữa, khi quan sát bên ngoài, thịt gà trông phải tươi, không có mùi hôi hoặc mùi kháng sinh, trên da không có vết bầm tím hoặc tụ máu. Đặc biệt, không nên chọn những con gà đen sạm vì đó là gà đã chết trước khi làm”.

Người tiêu dùng, cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt chất lượng thực phẩm; chặt chẽ và thận trọng trong lựa chọn sản phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc; kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin, lên án, tẩy chay những cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm ATTP, tạo sức ép đến nhà sản xuất, kinh doanh cũng như nhà quản lý nhằm đảm bảo sự ATTP cho cộng đồng.

Xuân Thanh