19/01/2025 | 06:07 GMT+7, Hà Nội

“Ba thiếu” khiến hiểm họa vẫn “lơ lửng” trong thành phố

Cập nhật lúc: 03/10/2018, 21:00

Đã 1 tuần trôi qua kể từ khi sự cố thanh sắt công trình xây dựng rơi xuống khiến một phụ nữ tử nạn, nhưng nhiều người chưa hết bàng hoàng. Sự việc một lần nữa cho thấy, vấn đề an toàn trong quá trình xây dựng công trình trong thành phố ở nước ta vẫn rất đáng báo động. Nhiều dự án cao ốc tắc trách “bám rễ” trên trục đường lớn giống như những “tử thần” lơ lửng đầy nguy hiểm.

Dù đã được cảnh báo từ lâu, nhưng vấn đề an toàn lao động trong thi công, xây dựng công trình nhà cao tầng vẫn ở mức đáng báo động. Sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư; cấp chính quyền thiếu nhanh chóng, kịp thời trong khâu giám sát, quản lý và sự thiếu chuyên môn trong chất lượng đội ngũ thợ xây dựng, chính là 3 yếu tố khiến nguy hiểm vẫn luôn rình rập quanh các công trình xây dựng.

Chủ đầu tư, nhà thầu còn chủ quan

Giống như các công trình cao tầng chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy liên tục được “đưa ra ánh sáng”, những dự án cao ốc trong nội đô “khuyết” an toàn lao động cũng cần được minh bạch và “mổ xẻ” rõ ràng.

Quy trình an toàn lao động xây dựng tại các đô thị lớn trong nước, đặc biệt là ở Hà Nội, thực chất đã quá bê trễ về cả lượng và chất. Có lẽ lýdo là bởi, nhiều chủ đầu tư hay nhà thầu xây dựng vẫn cho rằng sự tắc trách của mình không bị phanh phui, hoặc bởi họ không "ngán" mức phạt "chẳng thấm vào đâu" từcác cơ quan quản lý. Sự thờ ơ này thường kéo đến thói chủ quan trong việc giám sát công trình của chủ đầu tư và nhà thầu.

Trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu không hề nhỏ.

Liên quan vấn đề an toàn lao động tại nhiều công trình không được đảm bảo, trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu là không hề nhỏ.(Ảnh minh họa)

Khi các dự án được xây dựng trong nội đô, việc người dân tham gia giao thông sát công trình xây dựng là điều “bất khả kháng”, buộc nhà thầu hay chủ đầu tư phải có phương án tổ chức cũng như giám sát thi công hợp lý. Chẳng hạn như, với các công tác lắp cẩu, vận chuyển… thì cần thực hiện tại thời điểm mật độ giao thông thấp nhất. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo các thao tác cần được kiểm trakỹ lưỡng để hạn chế gây ra sự cố.

Tuy nhiên, hiện nay, vì muốn giảm thiểu chi phí và đẩy nhanh tốc độ thi công, nhiều nhà thầu/chủ đầu tư đã chọn phương án "ẩu nhưng nhanh", đồng thời không cắt cử người giám sát chặt chẽ, sát sao các hoạt động diễn ra trên công trường, dẫn đến việc khi có sự cố bất thường có thể gây nguy hiểm cho người dân thì cũng không ai phát hiện. Một thanh sắt rơi ở nơi vắng vẻ, dân cư thưa thớt có thể may mắn không gây nguy hại cho ai, nhưng lại trở thành tai họa giữa chốn đô thị đông đúc, nơilượng người lưu thông lớn như Hà Nội.

Việc sử dụng đội ngũ công nhân cũng là điều mà nhiều nhà đầu tư đang “ngó lơ”. Nhiều khi, nhà thầu chính cho thầu phụ vào làm việc mà không kiểm soát năng lực và tính chuyên nghiệp của nhân công. Điều này dẫn đến sự thiếu khoa học và an toàn khi vận chuyển, sắp xếp nguyên vật liệu, máy móc trong quá trình xây dựng.

Đội ngũ công nhân tham gia thi công, xây dựng cần được tuyển chọn kĩ càng.

Đội ngũ công nhân tham gia thi công, xây dựng cần được tuyển chọn kĩ càng. (Ảnh minh họa)

“Cánh tay phải” thiếu đắc lực

Như mọi ngành nghề khác, yêu cầu lao động có tay nghề để đảm bảo những chuẩn mực về an toàn lao động luôn phải được đặc biệt chú trọng. Khi nhận thầu, các nhà thầu thường đảm bảo công nhân của họ có tay nghề, đã được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, nhưng thực chất có phải vậy?

Tại nhiều công trình, thợ chuyên nghiệp không thấy đâu, chỉ thấy những người"đội nón, đi dép lê", thực chất là lao động nông nhàn. Nếu nhà thầu ham công nhân giá rẻ, đồng nghĩa với việc thiếu tay nghề; công nhân không có kinh nghiệm thì chất lượng công việc sẽ thế nào? Những chuẩn mực về an toàn lao động liệu có được đáp ứng? Đây cũng là câu hỏi khiến các cơ quan quản lý chất lượng xây dựng công trình đau đầu nhưng chưa có lời giải.

Sự quản lý thiếu chặt chẽ củacơ quan chức năng

Bên cạnh việc mong muốn chủ đầu tư, nhà thầu lẫn đội ngũ thi công trực tiếp cẩn trọng hơn trong quá trình quản lý, xây dựng, người dân cũng mong chờ sự tham gia quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc đảm bảo công trình được hình thành một cách an toàn và chỉn chu.

Tin rằng, nếu các cơ quan chức năng ra sức thực thi nhiệm vụ, có trách nhiệm với công trình từ khi cấp phép xây dựng đến khi hoàn thiện, chắc hẳn sẽ hạn chế thấp nhất được những rủi ro đáng tiếc về người và của. Tuy nhiên hiện nay, sự lơ là về mặt quản lý, giám sát của một số bộ phận quản lý ở các cấp chính quyền khiến người dân phải đặt ra câu hỏi, có chăng vẫn còn tồn tại những sự “bỏ qua”, buông lỏng, hay thỏa hiệp nhất định khiến mong muốn của chủ đầu tư, nhà thầu đi ngược lại với lợi ích của người dân.

 

Cấp chính quyền thờ ơ, đồng nghĩa với việc “mở đường” cho sự tắc trách của chủ đầu tư và nhà thầu. Hậu quả là công trình được thi công một cách cẩu thả, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho chính công nhân xây dựng cũng như người dân đi đường.