19/01/2025 | 07:09 GMT+7, Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Yêu cầu TP. HCM chưa thu phí xe máy

Cập nhật lúc: 28/06/2015, 20:28

Sau khi tiếp xúc với cử tri, Chủ tịch HĐND TP. HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định, đã đề nghị UBND chưa được thu phí đường bộ xe máy cho đến khi diễn ra kỳ họp HĐND TP.

Cử tri TPHCM phản đối vì “phí chồng phí”

Ngày 27/6, tiếp xúc với Chủ tịch HĐND TP. HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm và Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 7 sau kỳ họp thứ 9, nhiều cử tri quận 2 và quận Thủ Đức không đồng tình việc triển khai thu phí đường bộ đối với mô tô, xe máy và thực trạng “phí chồng phí”, gây khó khăn cho đời sống người dân.

Cử tri Nguyễn Bạch Đằng (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) cho rằng, người dân đã đóng nhiều loại phí khi mua xe máy và khi vận hành xe cũng đã nộp phí qua xăng dầu. Thực tế, nhiều người mua xe máy để đón con đi học, đi chợ, rất ít sử dụng đường bộ.

Có người sắm phương tiện nhưng đi làm ăn xa, cả năm mới sử dụng xe vài lần. Trong khi đó, số tiền thu được không nhiều, chi phí hành thu cho bộ máy thu phí ở các địa phương quá lớn (chiếm 20% mức thu).

“Để đảm bảo công bằng trong chính sách phí và lệ phí, cử tri phường Thạnh Mỹ Lợi đề nghị nhà nước bỏ thu phí đường bộ với xe máy” - Ông Đằng nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND TP.HCM - tiếp xúc cử tri quận Thủ Đức ngày 27/6.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND TP.HCM - tiếp xúc cử tri quận Thủ Đức ngày 27/6.

Một số cử tri quận 9 kiến nghị nếu nhà nước vẫn tiếp tục triển khai thu phí đường bộ đối với xe máy thì nên thu qua xăng dầu để đảm bảo tính công bằng (đi ít nộp ít, đi nhiều nộp nhiều), người dân không mất nhiều thời gian đi nộp phí và nhà nước cũng không cần phải huy động cả bộ máy để thu phí.

Theo cử tri Phạm Văn Hoan (phường Bình Trưng Đông, quận 2), người sở hữu xe máy đa số là dân lao động, người nghèo, chiếc xe là phương tiện cho dân lao động nghèo kiếm sống. Nếu thu phí đường bộ thì đời sống dân nghèo càng khó khăn hơn vì người dân đã nộp hàng chục loại phí như An ninh quốc phòng, Phòng chống lụt bão, Vì người nghèo, biển đảo,…

Đề cập đến nạn “phí chồng phí”, cử tri Nguyễn Bạch Đằng bức xúc: Ăn thịt gà phải nộp 14 loại phí kiểm dịch. Ăn một hạt cơm cũng phải chịu hàng chục loại phí. Có nhiều loại phí hết sức vô lý như tàu thuyền chạy trên sông  phải đóng phí luồng lạch, vào cảng nộp phí cập cảng, phí neo đậu, phí lưu trú… như vậy  nhiều phí quá.

“Yêu cầu UBND TP chưa triển khai thu

Trao đổi với cử tri, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết tại kỳ họp Quốc hội vừa qua Đoàn đại biểu TPHCM cũng đã có ý kiến tranh luận và đề nghị bỏ thu phí đường bộ xe máy. Quốc hội kỳ rồi cũng thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật phí và lệ phí và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp cuối năm. Đoàn đại biểu TPHCM cũng đề nghị bỏ danh mục thu phí đường bộ xe máy ra khỏi Luật này.

“Vì sao TPHCM và cá nhân tôi không đồng ý đưa quy định thu phí đường bộ xe máy vào danh mục dự thảo Luật phí và lệ phí lần này. Bởi chúng tôi nhận thấy khoản phí này không hợp lý, khó hành thu, khó quản lý và đây cũng không phải là một khoản phí lớn vì thế không nên thu”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định TPHCM không đồng ý thu phí này.

Tại hội nghị, cử tri quận 2 đề nghị bỏ thu phí đường bộ xe máy vì hiện nay người dân đã phải “gồng gánh” quá nhiều loại phí.

Tại hội nghị, cử tri quận 2 đề nghị bỏ thu phí đường bộ xe máy vì hiện nay người dân đã phải “gồng gánh” quá nhiều loại phí.

 Trước nhiều ý kiến cử tri liệu TPHCM có thu phí hay khôn, Chủ tịch HĐND TP khẳng định thu hay không thu không thuộc thẩm quyền của HĐND TP. TPHCM vẫn thực hiện theo Nghị định của Chính phủ là thu phí đường bộ đối với đầu xe mô tô. Cuối năm 2014, HĐND TP có thông qua Nghị quyết về việc thu phí này.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết Thường trực HĐND TP vừa có văn bản yêu cầu UBND TP báo cáo toàn bộ vấn đề liên quan đến công tác triển khai tổ chức thu phí đường bộ tại kỳ họp thứ 18 HĐND TPHCM.

Báo cáo phải làm rõ được tình hình triển khai tới đâu, kết quả ra làm sao, khó khăn, thuận lợi, vướng mắc gì kiến nghị HĐND TP. Đặc biệt, HĐND TP yêu cầu UBND TP chưa triển khai thu cho đến khi nghe báo cáo của UBND TP tại kỳ họp HĐND TP sắp tới (dự kiến từ 28 - 31/7).

Hiện nay UBND TP đang triển khai theo văn bản của HĐND TP nên một số quận, huyện đã thu phí rồi thì cứ giữ nguyên hiện trạng như vậy và không tiếp tục thu đề chờ UBND TP báo cáo HĐND TP. Quá trình triển khai ở TPHCM mà UBND TP báo cáo việc thu khó khăn hoặc có vấn đề gì đó thì HĐND TP yêu cầu UBND có văn bản xin ý kiến Chính phủ.

Trước đó, Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Luận cho biết mọi công tác chuẩn bị đã suôn sẻ và sẽ triển khai thu phí đường bộ xe máy vào 1/7. Ông Luận cho biết, tại kỳ họp Quốc hội, chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đã có ý kiến về việc thu phí này. Chỉ khi nào Chính phủ có sửa đổi Nghị định hoặc bỏ thì không thu nữa. Còn thu phí như thế nào thì HĐND TP quyết định./.

Một số quận, huyện triển khai thu phí đường bộ

Theo tin tức trên tờ Sài gòn Giải phóng, ngày 27/6, Phó Chủ tịch UBND quận 10, TPHCM Nguyễn Thị Thu Nga cho biết, đã triển khai đến từng khu phố kế hoạch thu phí xe máy. Trong đó, mức phí cho loại xe có dung tích xy lanh dưới 100cm³ là 50.000 đồng/xe/năm; 100.000 đồng/xe/năm cho xe từ 100cm³ đến 175cm³. Với xe có dung tích xy lanh từ 175cm³ trở lên, mức thu là 150.000 đồng/xe/năm. Bên cạnh đó, một số lãnh đạo quận, huyện trên địa bàn TPHCM cũng xác nhận nếu không có gì thay đổi, bắt đầu từ ngày 1/7 sẽ tiến hành thu phí đồng loạt đối với xe máy.

Hiện tại, UBND 15 phường thuộc quận 10 đang tổ chức in tờ khai phí sử dụng đường bộ đối với mô tô; triển khai cho khu phố, tổ dân phố phát tờ khai đến các hộ dân, hướng dẫn kê khai. Tiếp đến, UBND các phường tổng hợp tờ khai, lập, phê duyệt danh sách thu phí, đăng ký số lượng biên lai thu phí với Chi cục Thuế quận 10 trong tháng 6. Tập trung dứt điểm triển khai kê khai, thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô trước ngày 31/7. Ước tính tổng nguồn thu này trên địa bàn quận 10 năm 2015 vào khoảng 6,9 tỷ đồng.

Tương tự, lãnh đạo UBND quận 12; UBND phường Tân Tạo A (quận Bình Tân) cũng cho biết, đã chỉ đạo địa phương phát tờ rơi tuyên truyền, thống kê số lượng xe mô tô, hướng dẫn kê khai… đối với người dân sinh sống trên địa bàn. Tuy vậy, hiện vẫn chưa ấn định ngày thu cụ thể, vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Được biết, tổng nguồn thu này trong năm 2015 đối với quận 12 hơn 17,7 tỷ đồng; quận Bình Tân trên 12 tỷ đồng… Tổng nguồn thu này của 24 quận, huyện tại TPHCM trong năm 2015 dự kiến hơn 307 tỷ đồng.

Đối tượng chịu phí bao gồm xe mô tô hai bánh, xe gắn máy (gọi tắt xe mô tô, không bao gồm xe máy điện) có đăng ký biển số xe tại TPHCM, hoặc xe đăng ký biển số tại địa phương khác nhưng hoạt động trên địa bàn TPHCM. Các trường hợp miễn phí bao gồm: mô tô của lực lượng công an, quốc phòng; mô tô của chủ phương tiện thuộc các hộ nghèo theo quy định về mức chuẩn hộ nghèo hiện hành của TPHCM. UBND TP giao UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thu phí đối với mô tô phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm đảm bảo công tác quản lý, kê khai, thu phí công bằng, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Theo đó các xe phát sinh trước ngày 1/1/2015, chủ phương tiện khai nộp phí đến hết ngày 31/7/2015, với mức thu phí 12 tháng của năm 2015. Riêng những xe phát sinh từ ngày 1/1 đến ngày 30/6 hàng năm, chủ phương tiện khai nộp phí vào tháng 7 hàng năm (từ ngày 1/7 đến ngày 31/7). Cụ thể, xe đăng ký mới thực hiện khai nộp phí, với mức thu bằng 1/2 mức thu năm. Trường hợp, xe đăng ký lần thứ 2 trở đi (xe này đã đăng ký trước ngày 1/1 của năm đó), nếu xe đó chưa được nộp phí thì chủ phương tiện phải khai nộp phí với mức thu phí cả năm; nếu đã nộp thì chủ phương tiện chỉ nộp Tờ khai phí và không phải nộp phí năm phát sinh. Riêng các xe phát sinh từ ngày 1/7 đến 31/12 hàng năm, chủ phương tiện khai nộp phí vào năm sau (chậm nhất ngày 31/1). Trong trường hợp, các năm tiếp theo không có biến động tăng hoặc giảm xe, chủ phương tiện thực hiện nộp phí vào tháng 1 hàng năm (chậm nhất ngày 31/1) với mức thu phí 12 tháng cho cơ quan thu phí.

Trường hợp chủ xe cố tình không nộp phí sử dụng đường bộ sẽ bị xem xét, xử phạt theo Điều 6 (Thông tư 186/2013/TT-BTC) đối với hành vi vi phạm quy định về nộp phí, lệ phí. Trong đó, Mục 2 Điều 6 quy định “phạt tiền từ 1 - 3 lần số tiền phí, lệ phí gian lận trốn nộp đối với hành vi gian lận trốn nộp phí, lệ phí theo quy định. Mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng”.

- Theo SGGP.