19/01/2025 | 16:06 GMT+7, Hà Nội

Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão số 2 đổ bộ vào Hải Phòng – Nghệ An

Cập nhật lúc: 15/07/2017, 22:16

Sau khi vào Vịnh Bắc Bộ, vào hồi 1 giờ sáng ngày 15/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Áp thấp nhiệt đới đang mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 và có khả năng mạnh lên thành bão số 2.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km đi vào Vịnh Bắc Bộ và có khả năng mạnh lên thành bão.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 8-9.

Với hướng di chuyển tây bắc, vận tốc 10-15 km/h, đến ngày 16/7, áp thấp nhiệt đới ở phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió không đổi. Tiếp đó, nó theo hướng tây tây bắc, vận tốc 15-20 km/h đi vào Vịnh Bắc Bộ và có khả năng mạnh lên thành bão.

Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới

Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới

Dự báo đến 1 giờ ngày 16/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng-Nghệ An khoảng 430km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9.

Vùng nguy hiểm cho tàu thuyền là từ vĩ tuyến 15,5 – 19,5 độ (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật cấp 8-9, biển động mạnh); tây kinh tuyến 113,5 độ. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km đi vào Vịnh Bắc Bộ và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 1giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông trên Vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng-Nghệ An khoảng 240km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.

Hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão sẽ gây mưa lớn cho toàn Bắc và Bắc Trung Bộ với tổng lượng 200-300 mm; riêng Thanh Hoá, Nghệ An và một số tỉnh miền núi Bắc Bộ có thể lên đến 400 mm. Vì vậy các tỉnh đồng bằng cần đề phòng ngập úng diện rộng; vùng núi đề phòng lũ quét, sạt lở đất.

Ảnh mây vệ tinh của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Ảnh mây vệ tinh của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tối qua đã có công điện gửi các tỉnh từ Ninh Bình đến Khánh Hoà theo dõi chặt diễn biến của áp thấp nhiệt đới; đồng thời tổ chức kiểm đếm, giữ thông tin thường xuyên và hướng dẫn chủ các tàu thuyền tránh vùng nguy hiểm.

Các tỉnh vùng núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng chủ động biện pháp ứng phó với lũ quét, sạt lở đất và phương án đảm bảo an toàn hạ du trong trường hợp hồ xả lũ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ chiều và đêm ngày 16-18/7, ở Bắc Bộ và khu vực Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm.

Trên đất liền, hôm nay thời tiết miền Bắc khá mát mẻ do nhiều nơi có mưa rải rác. Nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội ở mức 30-33 độ, các tỉnh Tây Bắc Bộ thấp hơn từ 1-2 độ C.

Trải khắp từ Thanh Hoá – Bình Thuận thời tiết cũng dễ chịu khi mức nhiệt cao nhất trong ngày chỉ ở mức 33-34 độ C.

Tây Nguyên và Nam Bộ mưa rải rác khắp cả ngày, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Tây Nguyên mát mẻ 26-29 độ, Đà Lạt ban ngày xuống tới 23-24 độ. Nam Bộ giữ ở mức 30-33 độ.