19/01/2025 | 16:10 GMT+7, Hà Nội

Ăn trứng gà sống có tốt không?

Cập nhật lúc: 01/07/2020, 08:00

Trứng gà chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng và có thể cung cấp cho bạn rất nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, nếu ăn không đúng cách sẽ làm mất đi giá trị dinh dưỡng.

Trứng gà rất bổ dưỡng đối với sức khỏe

Nhiều người thường có sở thích hút trực tiếp trứng gà sống hoặc ăn thực phẩm chứa trứng gà sống như mayonnaise, lớp kem phủ trên mặt bánh sinh nhật, bánh pudding hoặc kem. Đặc biệt, một số người còn thích ăn trứng gà tái (chưa chín tới) khi ăn cơm tấm hoặc đập trứng trực tiếp vào món mì, phở để ăn chung cho thêm phần ngon miệng.

Trứng gà chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể (Ảnh minh họa)

Một quả trứng gà lớn chứa 72 calo, trong khi đó hàm lượng chất béo là 4,75g (với 1,55g chất béo bão hòa). Trứng gà chỉ chứa một ít carbohydrate nhưng có hàm lượng protein cao với 6,28g mỗi khẩu phần, trong đó lòng trắng trứng có chứa lượng protein là 3,47g.

Ngoài ra, trứng gà còn có chứa một lượng nhỏ canxi, sắt, magie, phốt pho, kali, kẽm, đồng, mangan và selen. Chúng cũng là nguồn cung cấp hầu hết các vitamin B, E, K và A. 

Tác dụng của trứng gà còn có thể mang đến cho bạn cholesterol tốt để giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề về tim mạch khác. Choline trong trứng có thể cải thiện khả năng nhận thức ở trẻ sơ sinh đang phát triển, trong khi carotenoid lutein và zeaxanthin thì có lợi cho đôi mắt sáng khỏe.

Ngoài ra, protein trong trứng cũng có thể giúp bạn ngăn ngừa tăng huyết áp, có đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống ung thư, điều hòa chức năng hệ miễn dịch, tăng cường hấp thụ chất dinh dưỡng.

Tác hại khi ăn trứng gà sống

Nhiều người thường thích ăn trứng gà sống bởi nghĩ sẽ tận dụng được nhiều hàm lượng dinh dưỡng hơn so với khi nấu chín. Tuy nhiên, bạn có khả năng cao sẽ gặp những rủi ro như không hấp thu tốt protein, vitamin B7 và bị nhiễm khuẩn Salmonella nếu ăn trứng gà sống.

Giảm khả năng hấp thụ protein

Trên thực tế, trứng gà chứa tất cả 9 axit amin thiết yếu theo đúng tỷ lệ. Vì lý do này, trứng gà thường được gọi là nguồn protein “hoàn chỉnh”. Tuy nhiên, nếu bạn ăn trứng gà sống thì có thể làm giảm sự hấp thụ các protein chất lượng này.

Một nghiên cứu nhỏ đã so sánh sự hấp thụ protein từ cả trứng chín và trứng sống ở 5 người. Kết quả cho thấy những người ăn trứng chín có thể hấp thụ 90% protein trong khi những người ăn trứng sống chỉ hấp thụ được 50% protein. Nói cách khác, protein trong trứng nấu chín dễ tiêu hóa hơn đến 80%.

Mặc dù protein trong trứng nấu chín được hấp thụ tốt hơn nhưng một số chất dinh dưỡng khác có thể bị giảm nhẹ khi nấu chín như vitamin A, vitamin B5, photpho và kali.

Không hấp thụ được vitamin B7

Vitamin B7 (biotin) là một loại vitamin tan trong nước, hỗ trợ sản xuất glucose cũng như axit béo cho cơ thể bạn và rất quan trọng cho phụ nữ khi mang thai.

Trong khi lòng đỏ trứng cung cấp nguồn biotin tốt cho chế độ ăn uống, lòng trắng trứng sống chứa một loại protein gọi là avidin. Avidin liên kết với biotin trong ruột non có thể làm ngăn chặn sự hấp thụ dưỡng chất này. Vì vậy, các chuyên gia khuyên bạn nên ăn trứng chín để hấp thụ biotin tốt hơn vì nhiệt độ sẽ phá hủy avidin.

Trứng sống có thể bị nhiễm vi khuẩn

Trứng sống hoặc trứng chưa được nấu chín hoàn toàn có thể chứa salmonella (một loại vi khuẩn có hại). Bạn tiêu thụ trứng có chứa vi khuẩn này sẽ có khả năng bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như co thắt dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn, sốt và đau đầu. Những triệu chứng thường xuất hiện khoảng 6-48 giờ sau khi ăn và có thể kéo dài từ 3 đến 7 ngày.

Trứng gà sống bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng ăn được (Ảnh minh họa)

Những người không nên ăn trứng gà sống

Nhiễm khuẩn salmonella gây ra nhiều mối lo ngại đối với một số đối tượng bởi vi khuẩn này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc thậm chí gây tử vong. Vì thế, những đối tượng dưới đây tốt nhất là không nên sử dụng trứng sống dù cho trứng có được tiệt trùng hay không.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Nhóm tuổi trẻ nhất dễ bị nhiễm khuẩn do hệ thống miễn dịch còn non yếu.

Phụ nữ mang thai: Trong những trường hợp hiếm gặp, salmonella có thể làm cho phụ nữ mang thai gặp chứng co thắt tử cung dẫn đến sinh non hoặc thai chết lưu.

Người cao tuổi: Những người trên 65 tuổi có nhiều khả năng tử vong do nhiễm khuẩn trong thực phẩm. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ này gồm có suy dinh dưỡng và những thay đổi liên quan đến tuổi tác trong hệ thống tiêu hóa.

Cá nhân bị suy giảm miễn dịch: Người mắc bệnh mãn tính sẽ làm cho hệ miễn dịch suy yếu nên sẽ dễ bị nhiễm khuẩn hơn. Vì thế, những người mắc bệnh tiểu đường, HIV và khối u ác tính là những đối tượng không nên ăn trứng sống.