22/11/2024 | 01:49 GMT+7, Hà Nội

An Giang: Nhiều tín hiệu tích cực từ ngành du lịch

Cập nhật lúc: 20/02/2023, 13:45

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, trong năm 2022, An Giang đón khoảng 7,5 triệu lượt khách. Năm nay, ngành du lịch An Giang đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt du khách, doanh thu từ hoạt động DL.

Du lịch phục hồi rất lạc quan

An Giang là tỉnh có nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và “con người nghĩa tình”, đây luôn là nơi thu hút du khách bởi sự độc đáo, hấp dẫn với những điểm du lịch khám phá thiên nhiên, di sản, không gian văn hóa và các loại hình du lịch sinh thái cộng đồng. Không những thế, các loại hình du lịch như: Homestay, trekking, caravan… phát triển trong thời gian gần đây, góp phần thu hút du khách đến với An Giang.

Theo số liệu thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, năm 2022, An Giang đón khoảng 7,5 triệu lượt khách (tăng 127% so với cùng kỳ). Trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn là 280.000 lượt khách (tăng 73% so với cùng kỳ); lượt khách lưu trú tại các nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 370.000 lượt khách. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 4.700 tỷ đồng (tăng 119% so với cùng kỳ).

Đặc biệt, lượng khách đến tham quan các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, từ ngày 19 đến 25/1 (28 Tết – mùng 4 Tết) ước đạt 500.000 lượt du khách.

An Giang có nhiều lợi thế để phát triển du lịch
An Giang có nhiều lợi thế để phát triển du lịch

Một số điểm tham quan có lượng khách tăng cao hơn so cùng kỳ như: Khu Du lịch Núi Sam (105.000 lượt khách), Khu Du lịch Núi Cấm (87.000 lượt khách), điểm du lịch Đồi Tức Dụp (30.000 lượt khách), các điểm tham quan Cù lao Giêng (9.000 lượt khách), các điểm tham quan cụm hồ Tri Tôn (93.000 lượt khách).

Đặc biệt, lượng khách du lịch đến An Giang vào 25/1 (mùng 4 Tết) cao hơn nhiều so với các ngày còn lại, do những ngày cuối kỳ nghỉ, người dân có nhiều thời gian dành cho hoạt động tham quan, cúng viếng…

Chị Lê Thúy Loan, du khách đến từ TP.HCM cho biết, gia đình chị gồm 6 người đã giành 3 ngày nghỉ Tết (mùng 2 đến mùng 4 Tết) để vừa chiêm bái vừa khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của An Giang. Các thành viên trong gia đình đến hầu hết các điểm tham quan nổi tiếng, như: Chợ nổi Long Xuyên, chợ Châu Đốc, Miếu Bà Chúa Xứa núi Sam, núi Sam, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư và các điểm du lịch ở huyện Tri Tôn.

“Chúng tôi nghỉ 1 đêm ở Châu Đốc và 1 đêm ở trên núi Cấm. Ở An Giang, phong cảnh rất đẹp và độc đáo. Các món ăn ở đây cũng rất ngon, hấp dẫn và hợp khẩu vị với mọi người. Chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại vùng đất hiền hòa này cùng những người bạn vào dịp gần nhất” - chị Loan chia sẻ.

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, các khu, điểm du lịch tập trung đầu tư chỉnh trang cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, thiết kế cảnh quan kết hợp phát triển dịch vụ ẩm thực, mua sắm đa dạng để thu hút du khách tham quan. Các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVOD -19, đảm bảo phục vụ tốt cho khách du lịch.

Anh Phan Văn Khánh, Giám đốc Khu tham quan sinh thái Mỹ Luông (Chợ Mới) cho biết: “Để thu hút du khách, chúng tôi tập trung “phủ xanh” khu tham quan sinh thái Mỹ Luông và bổ sung thêm nhiều hoa, cây cảnh và trang trí lại các khu vực check-in. Ngoài ra, đưa vào hoạt khu tham quan sinh thái Cồn Én. Vào dịp Tết Nguyên đán 2023, cả 2 điểm đón khoảng 5.000 lượt khách đến tham quan mỗi ngày. Sau Tết, tuy lượng khách có giảm nhưng vẫn tăng cao so với năm trước, duy trì khoảng 1.000 lượt khách mỗi ngày. Tín hiệu khách du lịch phục hồi rất lạc quan, đặc biệt là khách nội tỉnh, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19”.

Phấn đấu đón 8 triệu khách năm 2023

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh An Giang xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị. Tỉnh xác định du lịch là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu đón 8 triệu lượt khách trong năm 2023, ngành du lịch An Giang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ qua việc tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực từng bước theo hướng chuyên nghiệp. Đồng thời, ngành xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện, góp phần giúp An Giang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu của khu vực ĐBSCL.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết, thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục quảng bá hình ảnh vùng đất, con người An Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Ngành thực hiện hoạt động hợp tác phát triển du lịch giữa An Giang và cụm liên kết hợp tác, phát triển du lịch phía Tây vùng ĐBSCL; chương trình Liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL; tăng cường hợp tác văn hóa, du lịch giữa hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp…

“Ngành du lịch An Giang tập trung xây dựng các tour, tuyến tiêu biểu, kết nối các điểm du lịch đặc sắc của vùng; nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới làm phong phú loại hình, sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm du lịch; tập trung tổ chức hoạt động, sự kiện xúc tiến du lịch vào các dịp lễ, Tết, nghỉ Hè gắn với các sự kiện kích cầu tiêu dùng” – ông Hiệp cho biết thêm.

Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới, An Giang tập trung xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đặc biệt, tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch theo tiêu chuẩn chất lượng chung của cả nước, từng bước tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/an-giang-nhieu-tin-hieu-tich-cuc-tu-nganh-du-lich-75599.html