19/01/2025 | 07:00 GMT+7, Hà Nội

Ai “khâu lại vết rách” trong quy hoạch đô thị?

Cập nhật lúc: 26/07/2020, 07:20

Thực trạng thiếu trách nhiệm, “phạt cho tồn tại”, thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật đã khiến “vết rách quy hoạch đô thị” trở thành một câu chuyện dài không có hồi kết...

Lời tòa soạn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

"Phạt cho tồn tại” là hình thức hợp thức hóa các sai phạm của các dự án bất động sản trong xây dựng. Những năm gần đây, thực trạng nhức nhối này vẫn là đề tài nóng tại nghị trường Quốc hội, nhiều ý kiến gay gắt được đưa ra đề nghị phải quyết liệt xử lý. Nhưng, sai phạm không được triệt tiêu, thậm chí còn có phần gia tăng.

“Tình trạng “phạt cho tồn tại” đối với vi phạm về xây dựng đang rất phổ biến. Điều này làm suy giảm tính nghiêm minh về kỷ cương trật tự xây dựng. Phạt thì nhẹ, lại cho tồn tại nữa; kỷ cương không nghiêm dẫn đến việc xây dựng trái phép. Tôi đề nghị điều chỉnh luật phải coi lại chỗ đó, dứt khoát là phải xử lý cho nghiêm. Không có chuyện phạt cho tồn tại” - Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP HCM) phản ánh tại phiên thảo luận của Quốc hội lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Đơn cử, ngay trên địa bàn Hà Nội, hàng loạt các dự án “ung dung” tồn tại nhờ được hợp thức hóa. Dự án Green Pearl 378 Minh Khai do Công ty Cổ phần Phát triển nhà Phong Phú – Daewoo – Thủ Đức làm chủ đầu tư phát sinh nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai; sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục cố tình thi công rầm rộ. Bệnh viện An Sinh “sống lại” sau gần một thập kỉ “đắp chiếu”. Dự án Hinode City cho cư dân về ở trái phép khi chưa hoàn thành nghiệm thu, tổ chức thi công xây dựng sai Giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp…

Theo ông Bùi Văn Doanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, việc hàng loạt dự án “sống lại” do các sai phạm trước đó được hợp thức hóa xuất phát từ nguyên nhân chính là là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

“Một ngôi nhà xây dựng không phép, sai phép, gia chủ “chạy chọt”, tất nhiên là phải có tiền lót tay, thậm chí còn có cái lệ bất thành văn “lót tay” theo diện tích vi phạm. Cơ quan chức năng “nể nang”. Thế là nảy sinh ra cái gọi là “phạt cho tồn tại”. Từ ngôi nhà đơn lẻ, căn bệnh ấy không được xử lý kiên quyết đã lây lan sang cả dự án. Dự án đã được lập quy hoạch, trong đó có khống chế chiều cao, số tầng, mật độ xây dựng, quy hoạch đất công cộng, đất cây xanh, đất hạ tầng xã hội. Nhưng chủ đầu tư không thực hiện đúng, xây dựng sai quy hoạch. Cơ quan chức năng vào cuộc, sau khi “thương thảo” thì lại dẫn đến “phạt cho tồn tại”.

Khi công trình, dự án được xử lý theo kiểu “phạt cho tồn tại”, nghĩa là không bị dỡ bỏ, khôi phục nguyên trạng hoặc theo đúng giấy phép, đúng quy hoạch, thì trước tiên là chủ đầu tư có lợi. Không những không mất công phá dỡ, không mất chi phí đã đầu tư vào công trình sai phép mà còn có cái lợi lớn hơn là tăng được diện tích sàn xây dựng. Còn cán bộ liên quan đến việc “cho tồn tại” chắc chắn cũng không thể chỉ “nghe nói suông” mà phải có lợi ích nào đó. Vậy là “đôi bên cùng có lợi”, nhưng là lợi cho cá nhân, cho nhóm lợi ích, còn xã hội và Nhà nước thì mất rất nhiều” – ông chia sẻ.

Nguyên nhân thứ hai được Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đưa ra là thực trạng trên có xuất phát từ sự coi thường pháp luật. Việc xây dựng không phép, sai phép không được chấn chỉnh mà xử lý theo kiểu “phạt cho tồn tại” dẫn đến việc coi thường pháp luật. Người này làm được, người khác cũng làm theo, dẫn đến tình trạng này diễn ra tràn lan.

Về phía cơ quan chức năng, việc quyết định “phạt cho tồn tại” là không đúng pháp luật, đáng lẽ phải được chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, do xuất phát từ lợi ích nhóm nào đó nên sự việc không được ngăn chặn, dần dần nó trở thành phổ biến và bình thường hóa luôn cả hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan chức năng. Do đó, theo ông Bùi Văn Doanh, nguyên nhân sâu xa của tình trạng “phạt cho tồn tại” là do thực hiện pháp luật không nghiêm.

Căn cứ theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà, quản lý sử dụng nhà và công sở thì từ ngày 1/1/2018 là không cho phép phạt cho tồn tại. Nếu sai phép, không đúng phép phải khôi phục công trình theo đúng quyết định chứ không phạt cho tồn tại nữa. Thế nhưng, các dự án sai phép vẫn liên tục được hợp thức hóa để tiếp tục triển khai. Phải chăng thực trạng này ảnh hưởng đến Quy hoạch đô thị chung?

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt nam cho biết thêm: “Việc công trình, dự án xây dựng không phép, sai phép thực chất là không tuân thủ theo quy hoạch. Do đó, nó sẽ phá vỡ quy hoạch của dự án, quy hoạch khu vực và phá vỡ luôn cả quy hoạch đô thị nói chung. Hầu hết các vi phạm này thường là tăng diện tích sàn, tăng mật độ xây dựng. Việc tăng này sẽ kéo theo việc tăng dân số. Từ đó sẽ tạo áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Như vậy, suy cho cùng nó cũng góp phần phá vỡ quy hoạch đô thị”.

Nếu tiếp tục diễn ra tình trạng này, các doanh nghiệp/chủ đầu tư (CĐT) sẽ “nhờn luật”. Vậy, làm sao để giải quyết triệt để?

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, để giải quyết triệt để thực trạng này, về lý thuyết chỉ cần tuân thủ theo đúng pháp luật là đâu sẽ vào đấy. Công trình nào xây dựng sai, sai đến đâu sẽ xử lý đến đấy theo đúng Nghị định 139, tức là không cho phép “phạt cho tồn tại”. Nếu xây dựng sai phép sẽ phải khôi phục công trình đúng theo giấy phép, đúng theo quy hoạch. Như vậy sẽ chẳng còn có chủ đầu tư nào dám vi phạm nữa, vì không ai dại gì đi xây công trình sai phép khi biết chắc chắn công trình đó sẽ bị phá bỏ.

"Về phía cơ quan chức năng, muốn giải quyết triệt để trước tiên cần thực hiện nghiêm theo đúng pháp luật. Luật pháp không cho phép bất cứ công trình nào xây dựng sai phép mà lại được “phạt cho tồn tại”. Nếu cơ quan nào, cán bộ nào tự ý quyết định “phạt cho tồn tại”, nghĩa là đã vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm. Như vậy sẽ không còn ai dám vi phạm, không ai dám ra quyết định “phạt cho tồn tại” nữa. Và tất nhiên, như vậy cũng sẽ không còn tình trạng “phạt cho tồn tại”.

Tuy nhiên, rất tiếc là trong thực tế, người ta đã viện ra trăm ngàn lý do để biện minh cho quyết định “phạt cho tồn tại”; và cũng viện ra trăm ngàn lý do để không xử lý cán bộ ra quyết định “phạt cho tồn tại”. Thế là, cái sai này kéo theo cái sai khác, dẫn đến việc pháp luật bị buông lỏng, bị coi thường và chủ đầu tư “nhờn luật”" – Lãnh đạo Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.

Dự án Bệnh viện An Sinh "sống lại" sau gần một thập kỉ "đắp chiếu" (Thực hiện: Huỳnh Quyết)

Ngày 11/7/2008, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 2742/QĐ-UBND giao đất cho Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh để đầu tư xây dựng bệnh viện. Theo đề nghị của Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã chấp thuận điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ công trình kèm theo Công văn số 2935/QHKT-P6 ngày 01/10/2012.

Theo báo cáo của UBND TP tháng 5/2015, dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đang làm thủ tục cấp phép xây dựng để khởi công vào tháng 8/2015. Tuy nhiên, cuối tháng 10/2015 dự án vẫn trong tình trạng “im ắng”, không có hoạt động xây dựng, một phần đất biến tướng thành điểm trông giữ xe. Cùng thời gian đó, CĐT dự án Bệnh viện An Sinh xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thế nhưng, không hiểu lý do gì khiến dự án Bệnh viện An Sinh có vốn đầu tư lớn án binh bất động suốt 10 năm qua.

Đến năm 2019, tại khu đất dự án Bệnh viện An Sinh nằm ở vị trí ô đất ký hiệu CV4.4 ùn ùn các thiết bị, máy cẩu, xe tải chở vật liệu xây dựng được đưa vào trong lô đất tiến hành thi công các hạng mục. Công trường hàng nghìn ha có đến hàng trăm công nhân ngày đêm gấp rút xây dựng. Trong khi đó, được biết, dự án Bệnh viện An Sinh cho tới thời điểm tháng 9/2019 chưa được cấp phép đã “ngang nhiên” xây dựng.

Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh là dự án xã hội hóa, do Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa tư nhân An Sinh dự kiến xây dựng tại phường Phú Đô ( quận Nam Từ Liêm) với quy mô 25.000 m2 đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 5/2008.

Theo khảo sát thực tế của PV, tại thời điểm đó, dự án đã thi công xong phần móng và được CĐT đẩy nhanh tiến độ. Việc ra vào công trình rất nghiêm ngặt, người lạ khó có thể tiếp cận vào phía bên trong. Bao quanh dự án hàng rào tôn dựng cao hơn 2m, bảo vệ túc trực 24/7.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 109 Luật xây dựng quy định: "Chủ đầu tư có trách nhiệm lắp đặt biển báo công trình tại công trường". Tuy nhiên, dự án Bệnh viện An Sinh không có bất cứ biển báo nào, cũng không thấy bóng dáng của cơ quan chức năng kiểm tra, dù công trình đang thi công rầm rộ.

Trong quá trình tác nghiệp, khi PV tiếp cận dự án đã ngay lập tức có đội bảo vệ yêu cầu không được quay chụp dù không có biển cấm quay phim chụp hình. Thắc mắc việc dự án thi công không có biển báo, không có biển cấm, một công nhân tự xưng quản lý công trường cho biết: “CĐT không cho phép quay phim chụp hình và muốn ra vào dự án phải có thẻ nhà báo đồng thời liên hệ trước”.

Dự án BV An Sinh "ngang nhiên" xây dựng không phép (Ảnh: Huỳnh Quyết)

Trước thực trạng “ngang nhiên” xây dựng khi chưa được cấp phép, thách thức pháp luật, PV đã liên hệ với UBND phường Phú Đô để có thêm thông tin về dự án Bệnh viện An Sinh. Tuy nhiên, Tổ thanh tra xây dựng cho biết dự án này thuộc quản lý của UBND quận Nam Từ Liêm.

Ông Bùi Mạnh Hoài - Phó Phòng Quản lý đô thị Quận Nam Từ Liêm xác nhận công trình xây dựng tại dự án Bệnh Viện An Sinh này chưa được cấp phép xây dựng. Về các nội dung liên quan tới pháp lý và công tác quản lý, xử lý vi phạm tại công trình không phép này, ông Hoài cho biết đang thực hiện báo cáo lên UBND quận và sẽ sớm thông tin tới báo chí.

Trên website chính thức của Bệnh viện An Sinh có giới thiệu thông tin: "Dự án Bệnh viện An Sinh được thành lập bởi 3 cổ đông đó là Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh, Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng và ông Nguyễn Huy Lượng với vốn điều lệ 68 tỷ đồng. Bệnh viện do các tập đoàn hàng đầu của Mỹ và Nhật Bản như HAMMEL, GREEN AND BRAHAMSON, INC (HGA), KUME SEKKEI tư vấn, thiết kế…"

Theo tìm hiểu của PV, cổ đông Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng (Công ty Lạc Hồng) lại là một trong những công ty thâu tóm các dự án lớn; trong đó có vài dự án “bất động” trong nhiều năm.

Đơn cử, tòa nhà YO (với ý nghĩa là “Vầng thái dương” theo tiếng Nhật) do Công ty Lạc Hồng làm CĐT, xây dựng trên lô đất 1.400m2 đất nằm ở ngã tư đường Lê Văn Thiêm - Ngụy Như Kon Tum (Hà Nội). Tòa nhà YO được khởi công từ 3/2010, dự tính thời gian thực hiện là 18 tháng, thế nhưng đến nay dự án này vẫn "bất động", “giậm chân tại chỗ" và nhiều dự án khác đang “đắp chiếu”…

Tính đến năm 2015, Công ty Lạc Hồng có số vốn điều lệ là 81 tỷ đồng, trong đó, ông Lê Xuân Trường là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc năm giữ 52,14% số vốn điều lệ. Công ty Lạc Hồng hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng với nhiều công trình có giá trị cao như: Tòa B chung cư Thăng Long Number One trị giá hơn 813 tỷ, trụ sở Bộ Công an 460 tỷ, gara ngầm tòa nhà Quốc Hội 401,6 tỷ, phần thân Bộ Ngoại giao mới hơn 232 tỷ… cùng hàng loạt các dự án quy mô lớn nằm rải rác ở những vị trí đất đắc địa khắp các tỉnh thành.

Dù dự án Bệnh viện An Sinh dù bị “phanh phui” nhiều sai phạm nhưng các cơ quan chức năng chưa có bất cứ động thái thanh kiểm tra nào. Đại công trường trên vẫn “ngang nhiên” thi công rầm rộ, thậm chí tiến độ được đẩy mạnh hơn. Điều này đã khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi: “Phải chăng dự án được “bảo kê” nên mới có thể thi công không phép mà không bị “sờ gáy”?”.

Trước sức ép từ dư luận, ngày 5/8/2019, Công ty này bị xử phạt hành chính 40 triệu đồng, buộc cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là phải tháo dỡ phần công trình sai phạm. Đáng nói tại thời điểm đó, mặc dù UBND quận Nam Từ Liêm đã yêu cầu dừng mọi hoạt động xây dựng, nhưng CĐT vẫn tiếp tục thi công bất chấp luật pháp, bất chấp các quyết định của chính quyền.

Trao đổi nhanh với chúng tôi, một cán bộ Đội Quản lý Trật tự xây dựng đô thị quận Nam Từ Liêm cho biết: “Dự án này đã được hoàn thiện các thủ tục giấy tờ cách đây 3 tháng và hiện nay đang triển khai xây dựng đến tầng 8”. Và đương nhiên câu chuyện về trách nhiệm của các cơ quan quản lý tại địa phương này cũng theo đó bị “bỏ quên”(?!).

Bên cạnh đó, do thiếu giám sát, tại nhiều dự án nhà ở, CĐT đã xây dựng sai phép. Thay vì cương quyết tháo dỡ phần vi phạm, cơ quan chức năng lại hướng dẫn thực hiện các thủ tục để được “tồn tại đúng quy định”. Việc làm này có nguy cơ phá vỡ quy hoạch, không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật - xã hội ngay trong dự án và cho cả khu vực lân cận.

Không ít dự án nhà ở đã được CĐT cố tình xây dựng sai so với giấy phép được cơ quan chức năng cấp nhưng thay vì cương quyết xử phạt, tháo dỡ phần sai phép, cơ quan chức năng lại hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để được hợp thức hóa phần sai phạm.

Ví dụ, đối với dự án chung cư Tân Bình Apartment (32 Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình), rõ ràng nếu hợp thức hóa sai phạm này người được hưởng lợi nhiều nhất là CĐT, là những tổ chức, cá nhân đã “bảo kê” cho sai phạm này. Còn khách hàng đã bỏ tiền ra mua theo giá thị trường, họ chẳng lợi lộc gì cả.

Nghị Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở đã quy định rất rõ phần xây dựng sai phạm trước tháng 10/2013 nếu phù hợp quy hoạch thì cho tồn tại nhưng chủ đầu tư phải đóng 40% lợi nhuận từ việc xây dựng sai phép mang lại, còn nếu không buộc phải tháo dỡ. Đối với công trình xây dựng sau tháng 10/2013, nếu vi phạm về xây dựng bắt buộc phải cưỡng chế, tháo dỡ phần xây dựng sai phạm.

Quy định đã quá rõ ràng nhưng nhiều trường hợp các cơ quan có thẩm quyền vẫn cố tình làm ngơ, thậm chí bao che cho các dự án xây dựng không phép, sai phép. Lãnh đạo một Công ty địa ốc nhận xét, nguyên nhân khiến nở rộ tình trạng xây dựng không phép, sai phép bởi việc xử lý không nghiêm của các cơ quan chức năng. Nhiều công trình, dự án xây dựng khi chưa có giấy phép cũng chỉ bị phạt hành chính, cho thời gian “chạy” giấy phép rồi cho tồn tại. Nếu Nhà nước làm nghiêm, buộc tháo dỡ phần xây dựng sai phép, không phép chắc chắn sẽ hạn chế tối đa, thậm chí không chủ đầu tư nào dám vi phạm nữa.

Thậm chí, được quảng cáo là dự án khác biệt hướng tới sự thịnh vượng, đẳng cấp nhưng có dự án đã cho cư dân về ở trái phép khi chưa hoàn thành nghiệm thu, chưa được chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy…

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng VP Luật Kết nối, về quy định không nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy luật pháp đã quy định rất rõ. Đối tượng phải nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy gồm: Dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, trước khi đưa vào sử dụng phải được CĐT, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo hồ sơ thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt ( Khoản 1 Điều 8 Thông tư 66/2014/TT-BCA).

Như vậy trường hợp dự án đó thuộc đối phải nghiệm thu phòng cháy chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng, nếu không thực hiện nghiệm thu mà đưa vào sử dụng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 6 Điều 36 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy”.

Cũng tại Nghị định này quy định về Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp vi phạm hành vi hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đến 50.000.000 đồng thuộc Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo điểm b khoản 3 Điều 67.

Trường hợp vẫn để xảy ra sai phạm, theo quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật phòng cháy chữa cháy 2001: “Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh do thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức, quản lý, xử phạt, kiểm tra thực hiện hoạt động phòng cháy chữa cháy mà để xảy ra cháy thì tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 360 BLHS”.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án chủ đầu tư đã không tuân thủ các quy định khi xây dựng sai với các quyết định đã được thẩm duyệt. Thế nhưng, trước những sai phạm trên, dự án vẫn được “hợp thức hóa” và thi công rầm rộ.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu CĐT có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương lấy ý kiến thống nhất, đầy đủ của khách hàng đã ký hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án trước khi triển khai các thủ tục tiếp theo tránh để xảy ra khiếu kiện (CĐT phải cam kết thực hiện). Còn đối với các căn hộ chưa bán, phải công khai, thông tin đầy đủ cho khách hàng về phương án điều chỉnh nêu trên.

Đáng chú ý, trong khi các cơ quan chức năng đang thực hiện việc điều chỉnh, dự án đang trong quá trình xin điều chỉnh phương án kiến trúc và khắc phục vi phạm xây dựng sai giấy phép xây dựng, chưa được nghiệm thu hoàn thành, chưa được chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy… thì CĐT dự án lại cho cư dân về ở bất chấp an toàn và quy định pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, nếu dự án chưa hoàn tất các thủ tục về điều chỉnh quy hoạch thì chưa thể nghiệm thu công trình. PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đặt vấn đề: Việc công trình chưa được nghiệm thu đã đưa dân vào ở ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư thể hiện rõ sự vô trách nhiệm thì trách nhiệm của chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu? Thủ tục mà đưa dân vào ở là vi phạm, phải xử lý.

Cư dân căng băng rôn biểu tình tại dự án Green Pearl, yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tại dự án (Thực hiện: Huỳnh Quyết)

Dự án Green Pearl 378 Minh Khai do Công ty Cổ phần Phát triển nhà Phong Phú – Daewoo – Thủ Đức làm CĐT đã phát sinh nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai; sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục cố tình thi công rầm rộ. Sai phạm tại dự án này còn gắn liền với đơn vị đã cấp Giấy phép xây dựng (GPXD) cho dự án.

Theo đó, UBND quận Hai Bà Trưng đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Xây dựng khi cấp GPXD trái thẩm quyền cho Dự án Green Pearl 378 Minh Khai. Cụ thể, nội dung Kết luận Thanh tra Chính phủ số 1468/KL-TTCP ngày 04/9/2018, đã nêu rõ những sai phạm, tồn tại và trách nhiệm của cá nhân tập thể liên quan đến dự án này.

Green Pearl tiếp tục thi công rầm rộ sau khi bị xử phạt (Ảnh: Huỳnh Quyết)

Trong đó, sai phạm nghiêm trọng nhất có lẽ là việc UBND quận Hai Bà Trưng cấp Giấy phép xây dựng (GPXD) số 151/GPXD-UBND ngày 29/3/2016 cho 69 căn biệt thự, liền kề thấp tầng. Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: "Đây là “dự án thuộc nhóm A, Công trình cấp I được Cục Quản lý hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở theo Văn bản số 1179/HĐXD-QLDL ngày 29/9/2015 nhưng UBND quận Hai Bà Trưng cấp GPXD số 151/GPXD-UBND ngày 19/3/2016 cho hạng mục Nhà ở thấp tầng không đúng thẩm quyền, vi phạm khoản 2 Điều 103 Luật Xây dựng 2014”. Trách nhiệm thuộc về UBND quận Hai Bà Trưng".

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, đối với GPXD được cấp trái thẩm quyền thì đương nhiên là không có hiệu lực pháp luật. Và GPXD mà UBND quận Hai Bà Trưng cấp cho CĐT dự án Green Pearl cấp trái thẩm quyền là trái với quy định của pháp luật, không thuộc trường hợp điều chỉnh giấy phép sẽ bị thu hồi theo quy định của pháp luật.

Khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

4. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, trên thực tế, với GPXD cấp trái thẩm quyền nói trên, dự án này vẫn được triển khai thi công và tiếp tục phát sinh hàng loạt sai phạm khác. CĐT cũng vừa bị phát hiện hành vi xây dựng trái phép với diện tích lên đến hàng trăm m2 tại Dự án Green Pearl 378 Minh Khai.

Nhiều người dân cho biết, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra rầm rộ, công khai, kéo dài tại dự án này nhưng không thấy cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật. Chuyện CĐT hợp khối hàng chục căn nhà ở thấp tầng như vậy chẳng khác nào chuyện "con voi chui lọt... lỗ kim"!

Điển hình là việc Công ty Cổ phần Phát triển nhà Phong Phú – Daewoo – Thủ Đức đã tiến hành xây dựng sai phép, phá vỡ quy hoạch cụ thể tại khu nhà ở thấp tầng No1A (ô đất số 02) đã xây dựng hợp khối 04 lô đất A2, A3 thành 2 căn hộ. Diện tích xây dựng lô đất A2 và A3 là 137,89m2; Tại khu nhà ở thấp tầng N02A (ô đất số 03) đã xây dựng hợp khối 6 lô đất C2 và C3 thành 3 căn hộ. Diện tích xây dựng lô đất C2 và C3 là 107,14m².

Trước những sai phạm đó, ngày 09/4, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, ra quyết định số 25/QĐ-XPVPHC xử phạt chủ đầu tư 40 triệu đồng với hành vi xây dựng sai thiết kế GPXD được duyệt. Đồng thời, yêu cầu CĐT đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh GPXD trong 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm.

Dự án Khu thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng Amber Riverside (địa chỉ ngõ 622 phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), hay còn có tên gọi khác là Dự án chung cư 622 Minh Khai, được thi công theo giấy phép xây dựng số: 135 - GPXD, cấp ngày 10/11/2017.

Chủ đầu tư của dự án Amber Riverside là Công ty cổ phần kỹ nghệ và hạ tầng Telin. Đơn vị trực tiếp thi công: Vimeco – Vinaconex. Quy mô dự án gồm 1 tòa nhà cao 23 tầng nổi, 3 tầng hầm với tổng số 285 căn hộ. Tổng diện tích toàn dự án: 6.361 m2. Mật độ xây dựng: 32,5%. Tầng 1: Nhà trẻ + Khu thương mại, dịch vụ; Tầng 2, 3: Khu thương mại dịch vụ; Tầng 4 – 22: Căn hộ chung cư; Tầng 23: Thương mại dịch vụ.

Theo thông tin được công bố, thời điểm bàn giao dự án Amber Riverside được Công ty cổ phần kỹ nghệ và hạ tầng Telin dự kiến vào quý IV năm 2019. Tuy nhiên, hiện tại đã gần hết quý II năm 2020, nhiều hạng mục công trình của dự án Amber Riverside vẫn đang còn ngổn ngang và chưa được hoàn thiện.

Điều đáng nói hơn nữa là Dự án chung cư 622 Minh Khai đến hiện tại vẫn chưa hề có văn bản nghiệm thu về Phòng cháy chữa cháy (Công an TP Hà Nội) và văn bản chấp thuận của Cục Giám Định về chất lượng công trình xây dựng (thuộc Bộ Xây Dựng). Thế nhưng, CĐT của dự án này –  Công ty Cổ phần kỹ nghệ và hạ tầng Telin vẫn bất chấp pháp luật và thách thức cơ quan chức năng ngang nhiên bàn giao nhà cho cư dân vào ở.

Có mặt tại dự án chung cư Amber Riverside (ngõ 622 Minh Khai) để ghi nhận thực tế, bên ngoài sảnh chung cư, công nhân vẫn đang cặm cụi làm việc, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang, bụi mù mịt. Sảnh thang máy lên tầng thì dây dợ vương vãi, đồ đạc, gạch đá nằm trong góc.

Xuống phía dưới tầng hầm chung cư này thì xe cộ ra vào liên tục, có bảo vệ thu soát vé giữa lối vào, lối ra, và đặc biệt lượng xe gửi ở đây rất nhiều hầu như kín diện tích. Còn những tầng phía trên thì nhiều căn hộ đã có các gia đình chuyển đến đây sinh sống, quần áo, cây cảnh treo ngoài ban công.

Trao đổi với PV, ông Lê Vinh Quang – cán bộ Đô thị phường Vĩnh Tuy cho biết, dự án chung cư Amber Riverside tại ngõ 622 Minh Khai do Tập đoàn Telin làm CĐT, dự án đã xây dựng được mấy năm nay và hiện tại đang trong quá trình hoàn thiện. Hiện dự án này vẫn chưa có văn bản nghiệm thu về PCCC và văn bản của Cục Giám định chấp thuận kết quả nghiệm thu, chính vì vậy chưa đủ điều kiện pháp lý để đưa dân vào ở.

Amber Riverside  có đang bất chấp quy định của pháp luật? Nguồn thu từ việc đã bán hết sản phẩm (căn hộ) tại dự án có được hạch toán, báo cáo tài chính hay không? (Ảnh: Huỳnh Quyết)

Cũng theo vị cán bộ này, UBND phường đã 2 lần ra văn bản thông báo về nội dung trên. Thông báo thứ nhất vào ngày 20/4 và thông báo thứ hai vào ngày 04/5 về việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với dự án Khu thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng ngõ 622 Minh Khai.

Cả hai thông báo trên đều được UBND phường Vĩnh Tuy yêu cầu Công ty Cổ phần kỹ nghệ và hạ tầng Telin không thực hiện việc bàn giao căn hộ cho chủ sở hữu căn hộ khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Chỉ được phép đưa công trình, hạng mục công trình vào sử dụng sau khi đã có văn bản của Cục Giám Định chất lượng công trình – Bộ Xây Dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu. Nếu CĐT cố tình vi phạm UBND phường Vĩnh Tuy sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng lập hồ sơ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Phường cũng đề nghị CĐT thông báo đến các chủ sở hữu căn hộ yêu cầu các hộ gia đình không vào ở khi chưa đủ điều kiện theo quy định. Giao cho Công an Phường Vĩnh Tuy kiểm tra nắm bắt tình hình, nếu phát hiện chủ sở hữu căn hộ vào ở khi chưa đủ điều kiện thì phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và báo cáo cho UBND phường để giải quyết theo quy định.

Mặc dù UBND Phường Vĩnh Tuy đã đi kiểm tra thực tế và ban hành 2 văn bản thông báo, thế nhưng CĐT của Dự án chung cư Amber Riverside là Công ty Cổ phần kỹ nghệ và hạ tầng Telin vẫn ngang nhiên bỏ ngoài tai, phớt lờ chỉ đạo và cư dân thì vẫn vào ở bình thường khi chung cư vẫn chưa đủ điều kiện về PCCC, chưa được nghiệm thu.

Dự án Khu thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng (ngõ 622 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) do liên danh Công ty Lương thực Thực phẩm Hà Nội và Công ty Cổ phần Kỹ nghệ và Hạ tầng Telin (nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Telin) làm chủ đầu tư. Dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư tại Văn bản số 413/QĐ-UBND ngày 21/1/2017. Dự án có quy mô 23 tầng nổi và 3 tầng hầm. Trong đó, từ tầng 1 đến 3 là trung tâm thương mại, dịch vụ; từ tầng 4 đến 20 là căn hộ và 3 tầng khối đế.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã cho phép Công ty Lương thực Thực phẩm Hà Nội chuyển mục đích sử dụng đất tại ngõ 622 Minh Khai, để liên danh với Công ty Cổ phần Kỹ nghệ và Hạ tầng Telin thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng. Khu đất này chính là mặt bằng kho Vĩnh Tuy trước đây do Công ty Lương thực Thực phẩm Hà Nội quản lý, sử dụng. Đến cuối năm 2017, Công ty Lương thực Thực phẩm Hà Nội đã bàn giao mặt bằng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Telin thi công dự án.

Vậy, vai trò của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Lương thực – Thực phẩm Hà Nội trong liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại – Khu thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng trên như thế nào và nguồn thu từ việc đã bán hết sản phẩm (căn hộ) tại dự án được hạch toán, báo cáo tài chính hay không?

Trong buổi làm việc với Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng đã liệt kê những vấn đề nóng, phức tạp mà TP Hà Nội đang gặp phải, trong đó có vấn đề quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn. Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, Thành ủy đang chỉ đạo rất quyết liệt. Đây cũng là dịp sàng lọc để đảm bảo không để những người tiêu cực, tham nhũng, có những khuyết điểm nghiêm trọng lọt vào cấp ủy các cấp. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn thực trạng “buông lỏng” công tác thanh kiểm tra và có dấu hiệu “bao che” trong xử lý sai phạm của các cấp chính quyền ở nhiều địa bàn.

Ngày 18/2/2020, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã ban hành văn bản 1316/SXD-TTr đề nghị UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng của quận, huyện, UBND các xã, phường xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm. Văn bản cũng nêu rõ: Trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu các xã phường, nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị đình chỉ công tác. “Trường hợp cần thiết, có thể tạm dừng công tác điều hành của các chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cho đến khi xử lý xong vi phạm”.

Chia sẻ quan điểm về các dự án có sai phạm nhưng được phạt cho tồn tại nêu trên, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết:“Các dự án có sai phạm về xây dựng không đảm bảo tiến độ, sai giấy phép được cấp, không nghiệm thu phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Cụ thể: Luật Xây dựng 2014 quy định về 10 trường hợp được miễn xin cấp Giấy phép xây dựng tại khoản 2 Điều 89, theo đó ngoài trường hợp này, các dự án phải thực hiện xin cấp Giấy phép xây dựng theo quy định và thực hiện theo kế hoạch, dự án đã được phê duyệt. Trường hợp, dự án có sai phạm về xây dựng sai giấy phép được cấp, sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP”.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhấn mạnh thêm: “Việc các dự án sai phạm, chậm tiến độ, “câu giờ” chờ được hợp thức hóa, chờ “phạt cho tồn tại” gây áp lực chung lên kết cấu hạ tầng, tương lai sẽ phá vỡ tổng thể quy hoạch đô thị. Các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cần rà soát và thanh kiểm tra các dự án “có vấn đề”, xử phạt nghiêm các sai phạm, ra quyết định thu hồi dự án nếu cần để không ảnh hưởng đến tiến độ chung trong định hướng phát triển quy hoạch của thành phố”.

Quay trở lại câu chuyện “phạt cho tồn tại” với loạt dự án bị “tuýt còi”, sau những quyết định xử phạt, nhiều CĐT vẫn “ngang nhiên” tiếp tục thi công và thách thức pháp luật. Với những gì đã và đang diễn ra ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, dư luận không khỏi băn khoăn, sai phạm được “hợp thức hóa” nhưng trách nhiệm quản lý bị “bỏ quên”, thượng tôn pháp luật ở đâu?

Nếu thực trạng này tiếp tục tái diễn sẽ tạo ra tiền lệ xấu, các “vết rách” trong quy hoạch đô thị sẽ ngày càng lớn. Chỉ khi các cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị đều tuân thủ kỷ cương, kỷ luật trong quản lý điều hành theo quy định của pháp luật mới có thể từng bước “khâu lại những vết rách” đó.