19/01/2025 | 13:28 GMT+7, Hà Nội

"Ai cũng hoảng hốt, đảng viên không đi trước thì ai theo"

Cập nhật lúc: 11/08/2020, 15:14

Chúng tôi trở lại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) trong bối cảnh “làn sóng” thứ hai của dịch Covid-19 đã bùng phát mạnh tại Đà Nẵng và đang lan ra nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội.

Hơn 2 tháng trước, Hạ Lôi chính là điểm cuối cùng của thành phố dỡ bỏ lệnh phong tỏa vì Covid-19.

Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội động viên lực lượng làm nhiệm vụ trong khu vực bị phong tỏa

Nhịp sống bình thường đã trở lại ở một trong hai địa điểm từng là ổ dịch “nóng” nhất Thủ đô. Hơn 2 tháng nay, địa phương này không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 mới. Lúc này, kinh nghiệm và bài học chống dịch từ các tâm dịch giai đoạn I như thôn Hạ Lôi rất đáng để suy nghĩ.

Thử thách cực đại

Nhớ lại ngày đầu khi nhận được thông báo có người trong thôn dương tính với SARS-CoV-2 liên quan tới ổ dịch từ Bệnh viện Bạch Mai (sau đó, Bộ Y tế công bố là ca bệnh số 243), ông Nguyễn Viết Minh, Bí thư chi bộ thôn Hạ Lôi cho biết, dù đã chủ động phòng chống dịch từ đầu năm nhưng dư luận nhân dân không khỏi bất ngờ, hoang mang. Thời điểm đó, Hà Nội đã có bệnh nhân Covid-19 ở “điểm nóng” Trúc Bạch (quận Ba Đình), thế nhưng, ở một xã ngoại thành cách nội đô 20-30 km bên kia sông Hồng, mọi người vẫn nghĩ dịch đang ở đâu đó phía xa. 

Virus gây đại dịch tràn về mang đến bầu không khí căng thẳng, hoang mang bao trùm ngôi làng trù phú ven đê. Từ thành phố, huyện, ngành y tế… các chỉ đạo dồn dập đưa về xã. Đảng ủy, chính quyền xã họp liên tục để chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, triển khai các giải pháp. Bí thư chi bộ thôn như ông Minh càng cảm nhận rõ áp lực, như chính ông thừa nhận là “lúc đầu cũng hoảng, lo lắng lắm”. 

Trong thôn, những người là F1 của bệnh nhân 243 nhanh chóng được đưa đi cách ly tập trung. Những trường hợp F2, F3 tiếp tục được xác minh. Lực lượng y tế từ thành phố, huyện được huy động về để làm nhiệm vụ, phun khử khuẩn môi trường. Hai ngày sau, có lệnh phong tỏa toàn bộ thôn Hạ Lôi với gần 11.000 nhân khẩu. Cả 10 ngả đường ra vào thôn đều được lập rào chắn, chốt chặn, có lực lượng Công an, Quân đội bảo vệ nghiêm ngặt đảm bảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”... Đến lúc này, người dân trong tâm dịch mới hiểu được thế nào là tinh thần “chống dịch như chống giặc”. 

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mê Linh Tạ Quang Thái đến từng nhà dân trong thôn Hạ Lôi động viên bà con thực hiện nghiêm cách ly

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”

Nhờ những chỉ đạo liên tục, kịp thời, quyết liệt, sát sao từ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tới địa phương, từ xã xuống thôn, xóm nên sau khoảng 2-3 ngày đầu, công tác chống dịch dần đi vào quỹ đạo. “Đảng ủy, UBND xã giao nhiệm vụ cho thôn chúng tôi thành lập các tổ phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng, mỗi tổ 2-3 người và phụ trách khoảng 40 hộ. Toàn thôn có 9 xóm nên tính ra phải thành lập tới hơn 70 tổ. Lấy đâu ra ngần ấy con người tham gia vào các tổ này? Chưa kể lúc đó không hề có thông tin gì về phụ cấp cho các thành viên tham gia mà kể cả có phụ cấp cũng khó tìm người bởi đối đầu với Covid-19 thì ai chẳng sợ?” - đồng chí Nguyễn Viết Minh kể lại. 

Phương án được Đảng ủy, chính quyền chỉ đạo là huy động tổng thể toàn hệ thống chính trị vào cuộc. Đầu tiên là huy động cán bộ xã, thôn, các Bí thư Chi bộ xóm, tổ trưởng các ngõ, cán bộ đoàn thể, hội, Mặt trận Tổ quốc. Tiếp đến là kêu gọi tính gương mẫu, tiền phong của các đảng viên. Khi cán bộ, đảng viên đã tích cực tham gia, hiệu ứng tích cực mới lan tỏa, nhiều người dân cũng bắt đầu xung phong, tình nguyện tham gia vào đội…” - đồng chí Minh nhớ lại.

Nhiệm vụ của các tổ Covid-19 cộng đồng là sáng hàng ngày đến từng nhà dân trong khu vực được phân công để nắm tình hình, đo nhiệt độ, theo dõi sức khỏe của người dân ghi vào sổ; buổi chiều tổng hợp lại báo cáo về xã và cơ quan y tế. Nếu thấy trường hợp nào sốt, ho, hay có tình trạng trốn cách ly ra ngoài thì thông báo ngay cho Bí thư chi bộ, trưởng thôn, để thôn báo cáo lên Đảng ủy, UBND xã và Trung tâm y tế. Thực tế, hoạt động của các tổ Covid-19 rất hiệu quả, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên. 

Mới nghe khá đơn giản nhưng theo ông Minh, sự thực là để lập, duy trì và phát huy được hiệu quả của các tổ Covid-19 cộng đồng không dễ chút nào. Lúc đầu, tâm lý của những người được phân công tham gia vào các tổ ít nhiều đều lo ngại. Sau vài ngày, số mắc Covid-19 trong thôn liên tục tăng lên, từ 1 ca thành hơn 10 ca, số người là F1 rải khắp, nên mức độ lo lắng càng lớn hơn. 

Có người tham gia được 1, 2 buổi rồi xin nghỉ, báo lại “tôi vừa biết mình là F1 nên phải cách ly”, thế nhưng sau mới biết là do áp lực từ vợ con, không cho họ đi. Có người thẳng thừng từ chối tham gia vì “nếu tôi bị lây Covid-19 thì ai chịu trách nhiệm?!. Vì thế, yếu tố quyết định lúc này, lãnh đạo xã xác định là phải đả thông tư tưởng. Đồng chí Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã ngày nào cũng trực tiếp tới thôn kiểm tra và động viên các tổ Covid-19, phân tích, giải thích cho những người tư tưởng dao động, hoang mang. 

“Tôi là Bí thư chi bộ thôn cũng được Đảng ủy xã giao nhiệm vụ gặp riêng hoặc điện thoại động viên các tổ Covid-19 yên tâm làm nhiệm vụ. Chúng tôi phân tích cho cán bộ, đảng viên trong thôn rằng, nếu cán bộ, đảng viên không xung phong đi trước thì ai dám theo, rồi nếu dịch bùng phát trong cộng đồng thì bản thân mình cũng khó an toàn… Khi tư tưởng được đả thông và lan tỏa thì hiệu quả tăng lên rõ rệt. Sau khoảng 1 tuần, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện quyết định thưởng nóng mỗi tổ Covid-19 2 triệu đồng, có ý nghĩa động viên rất kịp thời” - đồng chí Minh chia sẻ.  

Lực lượng y tế về xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội lúc phong tỏa

Khi dân tin và đồng lòng, chắc chắn thành công

Cùng với việc lập ra các tổ Covid-19 cộng đồng, Đảng ủy, UBND xã Mê Linh cũng chỉ đạo Hội Nông dân xã lập ra các tổ vận chuyển nhu yếu phẩm. Vì toàn bộ thôn Hạ Lôi bị phong tỏa nên việc đảm bảo lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho bà con trong thôn là rất quan trọng. Để bà con yên tâm ở tại nhà cách ly, các tổ vận chuyển hàng hóa có nhiệm vụ hàng ngày ra điểm chốt chặn đầu thôn nhận hàng cấp phát rồi chuyển đến từng ngõ xóm, sau đó các tổ Covid-19 sẽ thông báo đến từng hộ dân lần lượt ra nhận để đảm bảo giãn cách. 

“Số hộ dân trong thôn tới gần 11.000 người nhưng chúng tôi đảm bảo phát hàng hóa đầy đủ cho từng hộ, không ai bị thiếu hay thất lạc hàng hóa, nếu có thì phải giải thích và cấp bù ngay cho bà con. Kể cả những người dân đặt ship hàng hóa, thuốc men, thức ăn từ bên ngoài chuyển đến, tôi hoặc một số cán bộ, thành viên tổ Covid-19 vẫn ra khu vực chốt phong tỏa nhận hàng và chuyển đến tận nhà cho họ… Vì thế, bà con cơ bản đều rất yên tâm cách ly tại nhà” - Bí thư chi bộ thôn Hạ Lôi nói. 

Đúc rút bài học kinh nghiệm từ thực tiễn ở thôn Hạ Lôi, Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Mê Linh Tạ Quang Thái nhấn mạnh, muốn chống dịch hiệu quả, nhất thiết phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, đồng lòng của nhân dân. Mệnh lệnh chỉ đạo từ các cấp có thẩm quyền là rất quan trọng nhưng dù có chỉ đạo quyết liệt đến đâu mà nếu người đứng đầu không nêu cao trách nhiệm, người cán bộ, đảng viên ở cơ sở không gương mẫu đi đầu thì khó thuyết phục được nhân dân tin theo, ủng hộ, thậm chí là chấp nhận chịu thiệt hại vì lợi ích chung của cộng đồng.

“Thôn Hạ Lôi có nghề trồng hoa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Rất nhiều hộ gia đình sản xuất quy mô lớn, vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng. Nhiều hộ có trang trại trồng hoa trên Sa Pa (Lào Cai). Thế nên, khi bị phong tỏa, người dân không thể ra đồng chăm hoa, thu hoạch, thiệt hại kinh tế rất lớn. Chúng tôi đã chủ động và kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu, hợp tác, chấp nhận chịu thiệt hại kinh tế trước mắt để chung tay với địa phương đẩy lùi dịch bệnh” - đồng chí Thái dẫn chứng.

Có thể nói, thành công từ việc đẩy lùi và khống chế được dịch Covid-19 ở ổ dịch thôn Hạ Lôi là tiền đề quan trọng tiến tới Đại hội Đảng bộ xã Mê Linh vừa qua diễn ra thành công tốt đẹp, với khí thế phấn khởi cùng niềm tin của nhân dân vào sự phát triển mạnh mẽ hơn của địa phương trong nhiệm kỳ mới 2020-2025.