19/01/2025 | 07:01 GMT+7, Hà Nội

9 công trình cáp treo ấn tượng tại Việt Nam

Cập nhật lúc: 11/09/2017, 10:00

Trên thế giới, cáp treo được xem như một phương tiện văn minh để kết nối, thúc đẩy phát triển du lịch và giảm ách tắc giao thông. Tại Việt Nam, đến nay nhiều địa phương có tiềm năng về du lịch cũng đã đầu tư phát triển loại hình này. Cùng điểm lại 9 công trình cáp treo tuyệt đẹp từ Bắc vào Nam ở nước ta.

Cáp treo Fansipan (Lào Cai)

Cáp treo Fansipan là loại cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới, lần đầu tiên có mặt tại châu Á, được khánh thành vào tháng 2/2016.

Tổng mức đầu tư giai đoạn một của tổ hợp dự án là 4.400 tỷ đồng. Quãng đường từ bản Mường Hoa lên tới đỉnh đi qua 6 cột trụ chính, mỗi cột trụ cách nhau 1 km. Cáp treo này đạt hai kỉ lục Guiness là: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.410 m) và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới (6.292,5 m).

Trải nghiệm đi cáp treo sẽ giúp bạn ngắm nhìn toàn cảnh dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ và thung lũng Mường Hoa thơ mộng đầy quyến rũ.

Cáp treo Yên Tử (Quảng Ninh)

Một trong những địa điểm hút khách du lịch về Quảng Ninh là chùa Yên Tử. Từ hệ thống cáp treo, khách du lịch được chiêm ngưỡng rừng nguyên sinh Yên Tử từ trên cao.

Hệ thống cáp treo được đưa vào khai thác gồm hai tuyến. Tuyến số một dài 1,2 km, công suất vận chuyển 2.400 khách/giờ, được xây dựng năm 2001 và nâng cấp 2009. Tuyến này nối từ chân núi lên tháp tổ Huệ Quang.

Tuyến số hai dài gần 900 m, công suất 1.800 khách/giờ, nối phía đông chùa Một Mái với khu tượng An Kỳ Sinh, được xây dựng năm 2007. Theo đó, quãng đường từ chân núi lên đỉnh núi chỉ mất hơn 6 phút. Không chỉ vậy, cáp treo sẽ đưa du khách từ độ cao khoảng 50m lên độ cao 450m (so với mặt nước biển).

Cáp treo Nữ Hoàng (Quảng Ninh)

Cáp treo Nữ Hoàng được khánh thành vào cuối 6/2016 băng qua cửa ngõ Vịnh Cửa Lục, nối liền từ bờ biển Bãi Cháy tới núi Ba Đèo (Hòn Gai, thành phố Hạ Long). Từ đó, khách du lịch có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long từ trên cao.

Ngoài ra, cáp treo nữ hoàng cũng được trao chứng nhận 2 kỷ lục Guiness gồm Cabin có sức chứa lớn nhất thế giới, đạt 230 người/cabin và Cáp treo có trụ cáp cao nhất thế giới so với mặt đất, trụ cáp T1 cao 188,88m.

Cáp treo Chùa Hương (Hà Nội)

Mỗi năm đến mùa xuân về, hàng triệu phật tử lại nô nức trẩy hội chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Nếu trước đây, muốn lên chùa thì phật tử, khách du lịch phải mất ít nhất 2 ngày leo bộ từ bến thuyền suối Giải Oan lên động Hương Tích, đến khi hệ thống cáp treo được xây dựng, quãng đường lên chùa đã rút ngắn chỉ còn 15 phút.

Được biết, tuyến cáp treo có chiều dài 1.218 m, nối từ sau chùa Thiên Trù lên động Hương Tích. Toàn tuyến có 32 cabin 6 chỗ loại Omega III của Thuỵ Sĩ, công suất chuyên chở 1.500 hành khách/giờ. Từ Thiên Trù lên Hương Tích có ba ga, là ga Thiên Trù, ga Giải Oan và ga Hương Tích.

Cáp treo Bà Nà (Đà Nẵng)

Vào tháng 3/2009, khu du lịch Bà Nà Hills đưa vào hoạt động hệ thống cáp treo 1 dây đạt 2 kỷ lục thế giới. Đến tháng 3/2013, Bà Nà Hills khánh thành hệ thống cáp treo số 3 và được chứng nhận lập 4 kỷ lục thế giới do đại diện Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới trao tặng.

Tuyến cáp treo hùng vĩ này đi thẳng từ chân núi lên đỉnh núi ở độ cao 1.487m mà không phải qua trạm trung chuyển ở đồi Vọng Nguyệt, giúp hành trình của du khách chỉ còn 17 phút.

Bà Nà nhìn từ cáp treo là bức tranh hoàn mỹ, đầy màu sắc với bốn bề mây phủ điệp trùng. Ngồi trên carbin cáp treo lơ lửng giữa lưng chừng mây, nhìn xuống bạt ngàn núi rừng phía dưới du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh núi rừng, thác nước… rất hùng vĩ, ngoạn mục.

Cáp treo vượt biển duy nhất ở Việt Nam - Cáp treo Vinpearl Land (Khánh Hòa)

Cáp treo Vinpearland vượt biển vịnh Nha Trang còn được biết đến là tuyến cáp treo dài nhất thế giới. Đi vào hoạt động từ tháng 3/2007, hệ thống cáp treo này có độ cao trung bình là 45 mét và cao nhất là 54 mét so với mặt biển.

Cáp treo Vinpearl được thiết kế với công suất 65 cabin loại 8 chỗ với công suất chuyên chở 1000 - 1500 khách/giờ. Hệ thống cáp trep có 9 cột trụ (7 trụ trên biển và 2 trụ trên bờ) có hình dáng và cấu trúc giống tháp Effel, được thắp sáng bằng laser và đèn trang trí vào ban đêm.

Hệ thống cáp treo Vinpearl Land được xây dựng nhằm nối đất liền với đảo Hòn Tre, nơi có tổ hợp du lịch giải trí biển đảo đa chức năng Vinpearl Land. Với hệ thống cáp treo vượt biển này, khách du lịch đến với Nha trang, Việt Nam sẽ có có hội nhìn ngắm toàn cảnh thành phố và phong cảnh vịnh Nha Trang từ độ cao 60 mét so với mặt nước biển.

Cáp treo Núi Bà (Tây Ninh)

Trải nghiệm với hệ thống cáp treo này, du khách có thể thăm quan phong cảnh kỳ vĩ của Núi Bà với cảm giác mạnh mà vẫn an toàn, tận hưởng thú vị cảnh quan núi rừng thiên nhiên và muôn thú.

Được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2013, tuyến cáp treo Núi Bà Tây Ninh dài 1.225m, độ chênh cao giữa hai nhà ga là 225m, với 180 cabin hai chỗ ngồi, vận tốc di chuyển trung bình là 18 phút/lượt, cáp treo Núi Bà Tây Ninh có thể vận chuyển được 500 lượt khách/giờ.

Cáp treo núi Tà Cú (Bình Thuận)

Tuyến cáp dài 1.600m, cao 505m với 35 ca-bin đóng mở tự động có thể phục vụ 1.000 khách/giờ đã được đưa vào hoạt động từ tháng 9/2003.

Từ hệ thống cáp treo trên cao, khách du dịch được chiêm ngưỡng những vườn Thanh Long thẳng hàng, xanh rì, dưới xa là những làng xóm mái ngói đỏ tươi cũng như được hòa mình cùng thiên nhiên, hương rừng, gió biển và ngắm nhìn những cánh rừng và đồng lúa.

Cáp treo Hồ Mây (Vũng Tàu)

Được đưa vào hoạt động từ năm 2010, cáp treo có tổng chiều dài hơn 500m, đưa du khách từ Nhà ga số 1 lên đỉnh Núi Lớn, có độ cao 210 mét so với mực nước biển, với công suất hiện nay 2.000 người/giờ.

Từ trên cáp treo, khách du lịch đã mắt với con đường ven biển uốn lượn mềm mại như dải lụa đào. Khu di tích Bạch Dinh trắng muốt nổi bật giữa rừng cây. Xa xa, tàu thuyền rong ruổi giữa biển khơi và những dãy núi tạo nên không gian đầy thơ mộng.

Cáp treo Đà Lạt (Lâm Đồng)

Tuyến cáp treo Đà Lạt dài 2.300m từ đỉnh đồi Rôbin đến Thiền viện Trúc Lâm, ở độ cao 1.600m so với mực nước biển nằm giữa thành phố mộng mơ. Hệ thống cáp treo Đà Lạt chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 2/2003.

Với 50 cabin tự động đủ màu sắc có công suất vận chuyển tối đa 900 lượt/giờ, du khách được khám phá một Đà Lạt từ trên cao với những đồi thông bát ngát, những hồ nước mù sương, với những rừng thông hùng vĩ, bạt ngàn và tận hưởng cái lành lạnh của trời Đà Lạt.