21/11/2024 | 18:57 GMT+7, Hà Nội

67% người tiêu dùng Việt cảm thấy căng thẳng về tình trạng tài chính

Cập nhật lúc: 12/09/2021, 06:45

Có 67% người Việt được hỏi nói cảm thấy căng thẳng về tình trạng tài chính, chỉ có 28% được hỏi cho biết đang cảm thấy thoải mái về tình trạng tài chính cá nhân và 45% cảm thấy nằm trong tầm kiểm soát.

Nghiên cứu được tiến hành trên 900 người tiêu dùng của ngành ngân hàng bán lẻ và 450 lãnh đạo cấp cao, các chuyên gia có ảnh hưởng trong các tổ chức dịch vụ tài chính tại 10 quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, thực hiện từ tháng 2 đến tháng 3/2021.

67% người tiêu dùng Việt cảm thấy căng thẳng về tình trạng tài chính. Ảnh minh họa
67% người tiêu dùng Việt cảm thấy căng thẳng về tình trạng tài chính. Ảnh minh họa

Theo đó, tỷ lệ 67% người Việt Nam được hỏi nói đang căng thẳng về tài chính, đứng thứ hai trong 10 nước châu Á - Thái Bình Dương được khảo sát, chỉ sau Thái Lan. Có lẽ vì vậy nên họ ít lạc quan nhất về tiền bạc trong phạm vi khảo sát. Chỉ có 11% cảm thấy lạc quan về tình trạng tài chính khi được hỏi.

Trong khi đó, tỷ lệ người Việt cho biết họ cảm thấy thoải mái hoặc kiểm soát được tình trạng tài chính lại đứng thấp nhất danh sách các nước được khảo sát.

Cụ thể, chỉ có 28% được hỏi cho biết đang cảm thấy thoải mái về tình trạng tài chính cá nhân và 45% cảm thấy nằm trong tầm kiểm soát.

Vậy đâu là những lý do khiến người Việt phiền não về tình hình tài chính cá nhân của mình? Đứng đầu trong top 5 thách thức lớn nhất được nhiều người đồng tình theo khảo sát chính là gặp khó trong việc tiết kiệm, với 67% ý kiến thừa nhận.

Các khó khăn khác bao gồm: "ngập" trong nợ nần (62%); dành tiền về hưu (48%); cách thức quản trị tiền bạc (45%) và cách quản trị danh mục đầu tư (33%). Trong đó, tỷ lệ người thừa nhận không biết cách quản trị tiền bạc của Việt Nam cao nhất trong 10 nước được khảo sát.

Ngoài ra, một nửa số người được hỏi cho biết đã không hoàn thành được mục tiêu tài chính của mình và 71% không biết phải tìm lời khuyên tài chính đáng tin cậy từ đâu.

Hiện có 54% người tiêu dùng Việt Nam đang chọn tìm những kênh như trang tin tài chính, website hoặc các ứng dụng để tìm kiếm thông tin lời khuyên về quản trị tiền bạc, cách thức tiết kiệm, đầu tư hay lập kế hoạch về hưu.

Mất việc đột ngột, lại không có dư nguồn tích luỹ nên 50% lao động mất việc nói họ chỉ đủ tiền đảm bảo cuộc sống dưới 1 tháng. Số có tiền tích luỹ đủ để chi trả cuộc sống 3-6 tháng khi bị mất việc lần lượt là 37% và 8,6%. Chỉ 4,4% lao động mất việc cho biết họ dư tiền tích luỹ trên 6 tháng.

Không kiếm được việc làm lâu dài, họ xoay sang làm các công việc thời vụ trong mùa dịch để duy trì cuộc sống. Những việc làm thời vụ được lựa chọn như bán hàng online, với 21% người mất việc lựa chọn. 10% nói họ sẽ chuyển sang nghề "chạy xe công nghệ". Tỷ lệ số lao động mất việc cố nán chờ công ty gọi trở lại làm việc sau dịch, chỉ chưa tới 1%.

Trong khi số thất nghiệp vì dịch gia tăng, 38% người tham gia khảo sát (26.378 người) cho biết còn việc làm. Phần lớn họ làm việc trực tuyến toàn thời gian, một số làm bán thời gian hoặc đang tham gia sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ"...

Nhưng chỉ một nửa số lao động giữ được việc này không bị giảm lương. Khoảng 20% thậm chí bị giảm tới một nửa thu nhập. Số bị giảm 20% lương chiếm khoảng 14%, chủ yếu ở nhóm đang duy trì việc làm online.

Ngược lại, khá hiếm hoi (0,4%) lao động đang có việc làm tham gia khảo sát xác nhận được tăng lương trong mùa dịch này.

Backbase, nhà cung cấp nền tảng chuyển đổi số cho các ngân hàng, vừa công bố "Báo cáo sức khỏe ngành tài chính và ngân hàng khu vực châu Á – Thái Bình Dương", ủy quyền cho Forrester Consulting thực hiện.

Nguồn: https://congluan.vn/67-nguoi-tieu-dung-viet-cam-thay-cang-thang-ve-tinh-trang-tai-chinh-post155413.html