19/01/2025 | 15:58 GMT+7, Hà Nội

6 cách nhận biết tiền 500.000 đồng giả và thật đơn giản, nhanh gọn

Cập nhật lúc: 14/07/2020, 14:41

Nhiều người tìm kiếm thông tin về cách nhận biết tiền 500.000 đồng giả và thật để tránh rủi ro nhận phải tiền giả đáng tiếc. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn nhận biết chính xác điều này.

Tiền giả là những loại tiền được làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức in, đúc, phát hành. Tiền giả bị cấm ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới.

Dưới đây là 6 cách nhận biết tiền 500.000 đồng giả và thật đơn giản, nhanh gọn giúp người tiêu dùng tránh những rủi ro trong quá trình mua bán, trao đổi.

1. Nhận biết tiền 500.000 đồng giả bằng cách vuốt tờ tiền

Nhận biết tiền 500.000 đồng giả giúp người tiêu dùng tránh những rủi ro trong quá trình mua bán, trao đổi

Trên tờ tiền thật, các chi tiết in nổi như chữ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, chữ số và mệnh giá tiền, Quốc huy, hình ảnh Bác… khi vuốt tay lên sẽ thấy có độ nhám ráp.

Còn khi vuốt tay lên những điểm này trên tờ tiền giả thì sẽ thấy trơn láng, bóng, không có độ nhám.

2. Nhận biết tiền 500.000 đồng giả bằng cách soi tiền trước nguồn sáng

Đây là một trong những cách nhận biết tiền 500.000 đồng giả rõ nhất. Dưới nguồn sáng có thể thấy các hình bóng chìm trên tiền giả thường không tinh xảo; các chữ, số trên dây bảo hiểm không rõ ràng, sắc nét; hình định vị không được khớp khít và chuẩn...

Tờ tiền thật có hình bóng chìm nhìn thấy rõ từ cả hai mặt, in hình khớp khít, thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo và sáng trắng. 

3. Nhận biết tiền 500.000 đồng giả bằng cách dùng kính lúp

Mọi người có thể dùng kính lúp để kiểm tra mảng chữ in rất nhỏ được tạo bởi các dòng chữ “NHNNVN” hoặc “VN” hoặc số có mệnh giá lặp đi lặp lại, thường được in ở vùng mệnh giá tiền. Còn tiền giả thì thường không có các chữ in siêu nhỏ này.

4. Phân biệt tiền 500.000 đồng giả bằng cách soi tiền dưới đèn tia cực tím

Có 6 cách nhận biết tiền 500.000 đồng giả và thật đơn giản, nhanh gọn

Mệnh giá của tờ tiền 500.000 đồng in trong vùng hình chữ nhật bằng mực không màu, khi soi dưới đèn tia cực tím sẽ thấy vùng chữ nhật này phát quang và thấy rõ mệnh giá.

Trong khi đó, ở tiền giả, vùng chữ nhật này phát quang yếu hoặc không soi đèn tia cực tím cũng thấy rõ vùng chữ nhật này vì tiền giả in thủ công bằng mực màu.

Chi tiết khác nằm ở số seri. Khi soi đèn tia cực tím sẽ thấy dòng seri dọc màu đỏ phát quang màu cam, dòng seri ngang màu đen phát quang màu xanh dương. Ở tiền giả thì số seri không phát quang hoặc phát quang yếu và không giống màu như tiền thật.

5. Nhận biết tiền 500.000 đồng giả bằng cách nghiêng tờ tiền

Với tiền thật thì có một số hoa văn khi nghiêng qua nghiêng lại sẽ thấy hoa văn đổi màu. Còn tiền giả thì không đổi màu hoặc màu không được như tiền thật.

Khi nghiêng qua nghiêng lại tờ tiền ta nhận thấy trên tờ tiền thật có một dãy băng dọc màu vàng ánh kim, trên đó có in số mệnh giá có sự lấp lánh rất đẹp. Với tiền giả thì không được như vậy hoặc có dãy băng đó thì cũng không lấp lánh mà in chết một màu.

6. Phân biệt tiền 500.000 đồng giả bằng cách  kiểm tra hình ảnh ở cửa sổ nhỏ

Trên tờ tiền thật 500.000 đồng có 2 cửa sổ trong suốt, 1 lớn 1 nhỏ được in ở 2 góc tờ tiền. Trên cửa sổ lớn có in nổi mệnh giá.

Ở tiền giả đôi khi cũng có yếu tố này nhưng nét dập không sắc sảo, hoặc tờ tiền được bấm lỗ và dán lớp nhựa rời làm cửa sổ, có thể dùng tay gỡ miếng nhựa trong suốt một cách dễ dàng.

Với tiền thật 500.000 đồng, cửa sổ nhỏ có in hoa văn ẩn, còn tiền giả thì không. Chỉ cần đặt sát cửa sổ nhỏ vào mắt, hướng mắt nhìn tới nguồn sáng nhỏ màu đỏ mạnh hơn ánh sáng xung quanh, bạn sẽ thấy hiện ra 1 bông hoa với màu sắc rất đẹp mắt.

Bộ luật Hình sự 2015 quy định hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả đều là phạm tội hình sự và có thể sẽ chịu một mức hình phạt nghiêm khắc.

Theo Điều 207 Bộ luật Hình sự, hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có mức phạt cao nhất là 7 năm tù mà không cần xác định định lượng tối thiểu là bao nhiêu. Đối với hành vi lưu hành tiền giả từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt 5 - 12 năm tù; lưu hành tiền giả có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt từ 10 năm đến 20 năm tù hoặc chung thân. Ngoài ra, còn bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.