18/01/2025 | 15:46 GMT+7, Hà Nội

5 sản phẩm công nghệ có thể sẽ biến mất trong vòng 5 năm tới

Cập nhật lúc: 15/07/2016, 07:02

5 năm - một khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ để khiến mọi thứ thay đổi một cách chóng mặt, bởi sự sáng tạo của con người là vô hạn. Chúng ta có thể không biết ngày mai sẽ có những sản phẩm đột phá nào được ra đời, giúp thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người. Nhưng cũng chính vì thế mà có những sản phẩm công nghệ cũng sẽ sớm chìm vào quên lãng.

Tiền mặt, séc, thẻ tín dụng và ATM

Hiện nay, ứng dụng Square cho phép các doanh nghiệp nhỏ ứng dụng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng. Venmo cho phép người dùng chia tiền ăn với bạn bè chỉ với một tin nhắn.

Chẳng bao lâu nữa, các giao dịch ngân hàng sẽ sớm có thể được thực hiện hoàn toàn trên các thiết bị di động, thậm chí là cả xe hơi.

Một minh chứng rõ rệt cho nhận định trên đó là tại Mỹ, lượng người dùng séc đã giảm 57% từ năm 2000 cho tới năm 2012 - theo thống kê của Cục dự trữ liên bang.

 

94% khách hàng có độ tuổi dưới 35 tuổi đều sử dụng các giao dịch trực tuyến và có tới hơn 1/5 trong số họ không bao giờ ký séc để thanh toán hóa đơn - theo báo cáo của công ty điều hành mạng thanh toán lớn nhất thế giới First Data (Mỹ).

Ở châu Âu, người ta cho rằng chỉ những kẻ gàn dở mới ký séc để thanh toán. Trong lương lai không xa, tiền mặt sẽ dần dần biến mất và bạn sẽ sớm phải nói lời chào vĩnh biệt với các cây rút tiền bởi khi đó, chúng ta sẽ chỉ sử dụng thẻ tín dụng và ví điện tử như Apple Pay, Android Pay hay Samsung Pay.

USB nhớ

Đến năm 2020, 70% dân số thế giới sẽ sử dụng điện thoại thông minh - theo báo cáo của Ericsson và các dịch vụ dữ liệu di động sẽ phủ sóng tới 90% dân số trên toàn cầu.

Apple, Box, Dropbox, Google và Microsoft đang cung cấp dung lượng lưu trữ không giới hạn và gần như miễn phí nhờ vào các dịch vụ lưu trữ đám mây hết sức tiện lợi, do đó người dùng sẽ không cần sử dụng tới USB cho những việc liên quan đến dữ liệu như trước đây.

 

Trong tương lai, USB sẽ không còn được sử dụng nhiều nữa.

Mật khẩu, chìa khóa

Nghe thì có vẻ như vô lý bởi hiện nay, mật khẩu được sử dụng rất thông dụng. Theo một cuộc khảo sát thì trung bình, một người sở hữu khoảng 19 mật khẩu nhưng một nửa trong số đó thừa nhận rằng mật khẩu của họ có mức độ bảo mật không cao.

Bên cạnh đó, ngay cả khi bạn đang sử dụng một mật khẩu mạnh thì điều này cũng không có nghĩa là bạn không bao giờ bị tấn công. Chính vì lý do này mà rất nhiều thiết bị di động từ trung cấp cho đến cao cấp hiện nay đều sử dụng sinh trắc học làm yếu tố bảo mật.

Nhận diện dấu vân tay, giọng nói, khuôn mặt hay quét võng mạc... sẽ là cách giúp bạn truy cập vào tài khoản của mình thay vì phải nhớ kỷ niệm ngày cưới hay tên chú chó cưng đầu tiên mà bạn nhận nuôi.

 

Bảo mật bằng quét võng mạc trên Lumia 950 XL

Tương tự như vậy, chìa khóa vật lý cũng sẽ không còn được sử dụng nữa. Thay vào đó, thiết bị thông minh mà bạn sử dụng sẽ liên kết các đặc điểm sinh trắc học để vận hành chúng.

Điều khiển từ xa

Tùy thuộc vào số thiết bị giải trí, nghe nhìn, an ninh... có trong nhà mà số lượng điều khiển từ xa trong nhà bạn là nhiều hay ít. Và có lẽ, bạn đã phải lục tung cả phòng lên để tìm ra chiếc điều khiển phải không?

 

Quá nhiều điều khiển?

Công ty nghiên cứu Strategy Analytics đã dự đoán rằng: Đến năm 2020, sự lên ngôi của Internet of Things (IoT), nhà thông minh và các thiết bị mang mặc (wearable) sẽ giúp kết nối thêm khoảng 17,6 tỷ thiết bị với nhau.

Thậm chí, ngay ở thời điểm hiện tại, các thiết bị như Amazon Echo đã đưa khả năng tìm kiếm và ra lệnh bằng giọng nói lên một tầm cao mới. Chính vì thế, việc làm ra điều khiển từ xa cho từng thiết bị phần cứng sẽ không có quá nhiều ý nghĩa nữa.

Tài liệu và hợp đồng

Ký trên giấy, quá trình xử lý hợp đồng văn bản - bao gồm các công việc in, gửi fax, scan, xem xét hợp đồng, đưa ra quyết định rồi lại ký kết để thông qua hợp đồng... tất cả những thao tác này đã được coi là lạc hậu trong thời đại kỹ thuật số hiện nay.

Trong tương lai, chúng ta sẽ ứng dụng các thỏa thuận đám mây để quản lý mọi giao dịch một cách chủ động bằng cách lưu trữ và xử lý hợp đồng trên đám mây thay vì phải soạn thảo, in và ký hợp đồng như trước kia.

 

Giờ đây, việc ký kết hợp đồng sẽ được thực hiện trên đám mây

Bất động sản, các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, các công ty công nghệ cao và chăm sóc sức khỏe, thậm chí là cả các tổ chức chính phủ đều đang ứng dụng mô hình điện toán đám mây để tăng tính hiệu quả, giảm thiểu chi phí trong quá trình hoạt động và đem đến một trải nghiệm người dùng tốt hơn. Và điều này dẫn đến kết quả là những thứ liên quan tới giấy tờ sẽ sớm biến mất.