5 điều kiêng kị đầu năm theo quan niệm truyền thống
Cập nhật lúc: 24/01/2020, 19:00
Cập nhật lúc: 24/01/2020, 19:00
Ngày đầu xuân năm mới, bất cứ gia đình nào cũng mong muốn đón một cái Tết vui vẻ, gặp nhiều may mắn trong suốt cả năm nên theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hoàng, một số điều kiêng kị vẫn được nhiều người, nhiều gia đình áp dụng từ xưa đến nay.
1. Kiêng quét nhà, đổ rác
Theo quan niệm dân gian, việc quét nhà trong ngày Tết sẽ quét đi theo cả lộc xuân, gia đình sẽ bị xui xẻo. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hoàng cho biết, tục này bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc ghi trong "Sưu thần ký".
Đó là câu chuyện về người lái buôn tên là Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một người hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra, nhà rất giàu.
Một hôm, nhân ngày mồng một Tết, không biết vì lý do gì Âu Minh đánh Như Nguyệt, cô sợ quá chui vào đống rác ở góc nhà. Vợ Âu Minh không để ý nên vô tình quét nhà hót luôn cả đống rác có Như Nguyệt bên trong đổ đi.
Từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Người ta bảo Như Nguyệt chính là thần tài và lập bàn thờ để thờ (có lẽ vì vậy mà bàn thờ thần tài thường để ở góc nhà). Từ đó có tục kiêng hót rác trong ba ngày đầu năm do người ta sợ hót mất thần tài ẩn trong đó đổ đi, sự làm ăn sẽ không phát đạt.
2. Kiêng xin nước
Phong thủy có nói “sơn quản nhân đinh, thủy quản tài”. Thủy tượng trưng cho tài lộc, của cải. Ngày đầu năm mới, giếng khơi nhất định không được cạn, bể nước chắc chắn phải đầy, vòi nước cần đảm bảo hoạt động, có như vậy thì cả năm sẽ phát đạt, ngược lại thì vất vả gian nan.
Ngoài ra, nước còn biểu thị cho sự sống, vạn sự từ thủy mà ra, thủy là nguồn cơn của sự sống. Vì thế, từ lâu nhiều người cho rằng, đầu năm không cho nước vì sợ kém tài, mười hai tháng khó.
3. Kiêng xin lửa
Lửa tượng trưng cho dương khí của trần gian. Lửa phá tan bóng tối, giá lạnh. Lửa xua đuổi muông thú, quỷ ma. Lửa mang đến ấm áp, tình thương, tự tin, may mắn.
Giữ lửa là một trong những thói quen từ ngàn xưa, thời ăn lông ở lỗ đến tận bây giờ. Một thứ quý giá như vậy sao có thể cho người khác vào ngày đầu năm.
Do đó, dân gian quan niệm nếu cho đi thì sẽ mất lộc. Vì vậy, gày mùng một tết nhất định phải đỏ lửa, thậm chí không được tắt lửa trong suốt cả ngày. Cần phải chuẩn bị đầy đủ diêm, bật lửa trong ba ngày tết, tránh phải đi người khác, dễ bị mất lòng.
4. Tránh vay mượn
Tương tự như lửa và nước, tiền bạc là một trong những tài sản luôn được con người tìm kiếm, gây dựng và bảo vệ. Chính vì thế, vay mượn đầu năm là việc không nên làm. Người có tiền nếu không cho vay thì sợ mất lòng người hỏi, nếu cho vay thì sợ mất lộc nhà mình, thật là khó nghĩ.
Vì thế, trong những ngày đầu xuân, đi đâu cũng phải chuẩn bị một chút tiền, tránh sự thiếu thốn, đi vay không được, đi mượn không xong, đã xui lại càng thêm xui nữa.
5. Nhà có tang không đi chúc tết
Theo quan điểm người xưa, nhà có tang hẳn là đang trong thời vận kém, làm ăn vất vả, vạn sự khó thông. Thời gian đen đủi này kéo dài cho đến khi mãn tang người mất.
Nếu vẫn trong thời kỳ chịu tang, gia chủ không đi chúc tết làng xóm, họ hàng vào những ngày đầu năm mới, sợ rằng sẽ đem đến những xui xẻo cho gia chủ.
Cho nên, những người này, thường ở nhà tiếp khách mà không đi ra ngoài vui tết đón xuân, âu cũng là một cách giữ gìn điềm may, ít nhất là tránh tâm lý tiêu cực cho những gia đình mình đến.
15:12, 24/01/2020
14:17, 24/01/2020
10:30, 24/01/2020