19/01/2025 | 10:28 GMT+7, Hà Nội

2.153 tỷ phú thế giới nắm giữ khối tài sản lớn hơn 4,6 tỷ người

Cập nhật lúc: 01/02/2020, 13:00

Theo một nghiên cứu mới được công bố, 2.153 tỷ phú trên thế giới sở hữu khối tài sản có giá trị lớn hơn 4,6 tỷ người cộng lại.

Khối tài sản của hơn 2000 tỷ phú lớn hơn 4,6 tỷ người cộng lại

Mới đây, tổ chức từ thiện quốc tế Oxfam kêu gọi các chính phủ sớm thực hiện các chính sách để cải thiện tình trạng bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo.

Báo cáo được đưa ra đúng vào thời điểm những người giàu có nhất thế giới tập trung tại Davos, Thụy Sĩ, trong hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên.

Bản báo cáo cho biết: “Nếu tài sản của người giàu có được đổi thành các tờ 100 đô la và xếp chồng lên nhau thì phần lớn nhân loại sẽ phải ngồi dưới sàn. Một người trung lưu ở một đất nước giàu có sẽ ngồi trên ghế cao. Hai người đàn ông giàu nhất thế giới sẽ ngồi ngoài vũ trụ”.

Chính phủ phải thực hiện các bước để cải thiện triệt để bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo (Ảnh minh họa)

Theo bảng xếp hạng của Forbes, tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập Amazon hiện là người giàu có nhất thế giới với giá trị tài sản ròng khoảng 116,4 tỷ USD. Người giàu thứ hai là Bernard Arnault , một tỷ phú người Pháp sở hữu tập đoàn xa xỉ LVMH và có tài sản ròng trị giá tới 116 tỷ USD.

Báo cáo của Oxfam lưu ý rằng, nếu có ai tiết kiệm được 10.000 USD mỗi ngày kể từ khi các kim tự tháp ở Ai Cập được xây dựng, thì họ vẫn nghèo hơn 80% so với 5 tỷ phú giàu nhất thế giới hiện tại.

Oxfam kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tăng thuế đối với người giàu nhất thế giới 0,5% trong thập kỷ tới nhằm giảm bất bình đẳng giàu có. Theo các nhà nghiên cứu, việc tăng 0,5% thuế đối với người giàu sẽ tạo ra đủ tiền để tạo ra 117 triệu việc làm trong các lĩnh vực như giáo dục và y tế.

Các đề xuất khác của Oxfam để giúp giảm thiểu bất bình đẳng bao gồm đầu tư vào hệ thống chăm sóc quốc gia, đưa ra luật để bảo vệ quyền của người chăm sóc và chấm dứt sự giàu có cực độ.

Báo cáo cho biết, sự giàu có là một dấu hiệu của một hệ thống kinh tế thất bại. Chính phủ phải thực hiện các bước để giảm triệt để khoảng cách giữa người giàu và phần còn lại của xã hội, ưu tiên sự thịnh vượng của mọi công dân đối với tăng trưởng và lợi nhuận không bền vững.

Lời kêu gọi đại tu thuế củng cố thông điệp của tổ chức từ thiện trước hội nghị thượng đỉnh WEF năm ngoái, khi Oxfam kêu gọi các chính phủ tăng thuế suất cho các tập đoàn và xã hội giàu nhất để giảm chênh lệch giàu nghèo.

Đầu tháng này, giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế, bà Kristalina Georgieva, đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách suy nghĩ lại về hệ thống thuế của họ và xem xét thuế thuế lũy tiến.

Ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ - Elizabeth Warren, cũng tuyên bố sẽ áp dụng quy định về thuế tài sản ở Mỹ nếu bà đắc cử - đây là quan điểm mang đến ý kiến chia rẽ giữa các tỷ phú Mỹ.