19/01/2025 | 07:21 GMT+7, Hà Nội

18 tháng chống dịch, nhiều doanh nghiệp trong nước đã kiệt quệ

Cập nhật lúc: 31/07/2021, 06:15

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI đánh giá: “Doanh nghiệp tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước”.

18 tháng chống dịch, nhiều doanh nghiệp trong nước đã kiệt quệ

Sau 18 tháng đối phó với đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong nước đã và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. 

Đặc biệt, tại thời điểm hiện tại, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 ngày một phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện Chỉ thị 16, yêu cầu giãn cách toàn xã hội tại nhiều thành phố lớn, điều này một lần nữa ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết: Doanh nghiệp cũng kiệt sức để đối phó với dịch.
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết: Doanh nghiệp cũng kiệt sức để đối phó với dịch.

Nhìn nhận về bức tranh của doanh nghiệp Việt Nam những tháng đầu năm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước.

“Có thể dùng một từ để mô tả về lực lượng chống dịch đó là “quá tải”. Chính quyền phải căng mình chống dịch, nhiều cán bộ, lãnh đạo nhà nước cấp cơ sở thời gian ngủ chỉ 3-4 tiếng/ngày. Doanh nghiệp cũng kiệt sức để đối phó với dịch”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Ông Tuấn dự báo, mọi hoạt động kinh tế - xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng vẫn phụ thuộc vào công tác chống dịch.

Ông cho biết, 7 tháng đầu năm nay khác với năm 2020. Nếu như năm 2020 tác động của dịch đến các doanh nghiệp cũng rất lớn nhưng chủ yếu là doanh nghiệp du lịch, hàng không, dịch vụ, ăn uống… 

“Khảo sát của VCCI cho thấy, 87% doanh nghiệp cho rằng dịch đã tác động tiêu cực, hoặc rất tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, tình trạng sa thải người lao động cũng khá phổ biến”, đại diện VCCI nói.

Dịch bệnh sang năm 2021 tác động lại càng nghiêm trọng hơn, lan rộng sang nhiều doanh nghiệp tại khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Long An… Mức độ lan rộng của dịch bệnh tại các khu công nghiệp hiện rất lớn.

Theo ông Tuấn, con số thống kê thường trễ hơn so với thực tế nhưng chắc chắn ảnh hưởng đến doanh nghiệp, xuất khẩu, sản xuất, lao động thực tế chắc chắn sẽ tăng cao hơn trong những tháng còn lại.

Con số 7 tháng chưa phản ánh hết thực tế nên những tháng tới cần có giải pháp quyết liệt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận thấy quá nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn, bất lực. Đặc biệt gần đây nhiều doanh nghiệp phản ánh khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Việc tắc nghẽn lưu thông như tắc mạch máu trong cơ thể, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất cũng như lưu thông, xuất khẩu hang hóa,…

“Hôm qua (29/7), Chính phủ đã có văn bản để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông. Hy vọng điều này sẽ giúp giải tỏa tắc nghẽn trong lưu thông hàng hóa và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất đang lúng túng trong duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Họ không chỉ phải duy trì sản xuất, cái quan trọng nhất với họ là khách hàng. 

“Một doanh nghiệp ở Bình Dương có khách hàng ở thế giới, tắc nghẽn xuất khẩu thì sẽ dẫn đến mất bạn hàng, khách hàng có thể tìm nơi cung cấp ở các quốc gia khác chứ không chờ đợi doanh nghiệp”, ông Đậu Tuấn Anh cho biết thêm.

Sức chịu đựng của doanh nghiệp năm nay đã cao hơn

 Khảo sát của VCCI tiến hành năm ngoái cho thấy 85-87% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là sức chịu đựng của doanh nghiệp năm nay đã cao hơn.

Hiện các doanh nghiệp đang rất cần sự trợ lực từ phía các cơ quan Chính phủ.
Hiện các doanh nghiệp đang rất cần sự trợ lực từ phía các cơ quan Chính phủ.

Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết: Tất cả chúng ta đều biết, từ cuối tháng 4 đến nay dịch bệnh bùng lên và tới giờ chúng ta vẫn chưa nhìn thấy đỉnh dịch. Theo đó, 6 tháng cuối năm, các dự báo đều cho rằng tình hình sẽ rất khó khăn.

Hồi tháng 3/2020, sau cuộc họp với Bộ Công thương, ông Trung quyết định tạm dừng xuất khẩu để ổn định thị trường trong nước do tắc cục bộ nguồn cung trong khi nhu cầu tăng cao. 

Thay vào đó, doanh nghiệp này đã xây dựng kênh phân phối, cân bằng giữa xuất khẩu và phục vụ trong nước. 

“Chúng tôi đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu, không tự tin tăng trưởng 50% như kế hoạch ban đầu mà chuyển hướng sang xây dựng nội lực, xây dựng các kênh phân phối phục vụ thị trường nội địa”, ông Long chia sẻ về giải pháp chống dịch của doanh nghiệp.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay là điều cấp thiết, nhất là đối với ngành bất động sản.

Theo bà Hương, trước khi có ảnh hưởng dịch bệnh, đã có một số khó khăn nhất định liên quan đến điểm nghẽn về pháp lý, lệch pha cung cầu.

Khi dịch bệnh ập tới, khó khăn nhân đôi. Năm 2020 chúng ta kiểm soát dịch bệnh tốt nên thị trường có sức bật nhất định. Năm 2020 cũng có một số đợt điều chỉnh giá, sang đầu năm 2021 có đợt dịch ngắn nhưng kiểm soát tốt nên chúng ta đã chứng kiến một đợt sốt đất nền hồi tháng 3, tháng 4.

Tuy nhiên, đến đợt dịch thứ 2 này, dịch bệnh trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn dự kiến. Trong Nam, tình hình dịch đang nóng, là yếu tố bất khả kháng tác động, buộc tất cả các doanh nghiệp bất động sản gần như dừng hoạt động.

Dịch bệnh nhiều khả năng vẫn sẽ kéo dài, và nhiều khả năng đến quý 4 doanh nghiệp mới được hoạt động trở lại. Thị trường bất động sản theo đó sẽ có cơ hội phục hồi. Hiện chúng tôi đang trong tâm thế cố gắng duy trì bộ máy hoạt động và chuẩn bị cho quý 4 tới khi dịch bệnh được kiểm soát.

“Do đó, hiện các doanh nghiệp đang rất cần sự trợ lực từ phía các cơ quan Chính phủ, việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết”, bà Hương nói.

Nguồn: https://congluan.vn/18-thang-chong-dich-nhieu-doanh-nghiep-trong-nuoc-da-kiet-que-post147405.html