11 sự kiện Kinh tế nổi bật năm 2016
Cập nhật lúc: 31/12/2016, 06:43
Cập nhật lúc: 31/12/2016, 06:43
“Khởi nghiệp” đã trở thành từ khoá của năm 2016. Theo đó, thông điệp, mục tiêu về một quốc gia khởi nghiệp đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh từ những phiên họp đầu tiên kể từ khi Chính phủ mới được kiện toàn hồi tháng 5 năm nay.
“Chính phủ tôn vinh doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển; đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp của mọi thành phần, tầng lớp nhân dân; bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân; tạo niềm tin thị trường mạnh mẽ hơn. Mọi ngành, mọi cấp phải xem lại xem có gây khó cho doanh nghiệp không”, Thủ tướng cho biết.
Theo đó, trong năm 2016, Nhà nước cam kết hỗ trợ mạnh mẽ các startup. Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể để tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo và thành công.
Các chính sách, thể chế đang được hoàn thiện để startup có thể tiếp cận nguồn tín dụng, có môi trường kinh doanh thuận lợi.
Mặt khác, các chính sách cũng đang hướng tới việc thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư “thiên thần”; Xây dựng các trung tâm hỗ trợ thông tin khởi nghiệp.
Trong tháng 9, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định số 1997/QĐ-BTC về việc áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương).
Mức khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày được xác định theo công thức: Mức khoán đưa đón bằng đơn giá khoán nhân số km khoán nhân 2 lượt nhân số ngày làm việc của tháng.
Mức khoán cao nhất một Thứ trưởng nhận được cho khoảng cách 15 km là 9,9 triệu đồng, mức thấp nhất là 4 triệu đồng. Tổng cộng mức chi khoán 6 thứ trưởng của Bộ Tài chính khoảng 44 triệu đồng/tháng.
Sau hơn 2 tháng triển khai việc áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng ôtô có những kết quả thành công, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục yêu cầu mở rộng diện khoán sang các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Cách khoán xe công lần đầu tiên này được dư luận xã hội đánh giá cao và bước đầu có hiệu quả trong thực hiện tiết kiệm sử dụng ngân sách Nhà nước.
Đầu tháng 2/2016, bà Phí Thị Ong, nguyên Giám đốc Ngân Agribank, chi nhánh Trung tâm Sài Gòn bị bắt và khởi tố do Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đến giữa tháng 3/2016, ông Phạm Quyết Thắng - nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng GPBank bị khởi tố về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án gây thất thoát 5.500 tỷ đồng.
Gần đây nhất, ngày 9/12, ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc và bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) cũng bị bắt giữ và khởi tố do vi phạm pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng.
Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa vào áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới. Theo đó, NHNN công bố tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam với đôla Mỹ (USD) hàng ngày.
Cơ chế điều hành mới cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hàng ngày theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước và biến động trên thị trường thế giới, nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của NHNN theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank) năm 2016, Việt Nam xếp thứ 82/190 quốc gia về mức độ dễ dàng kinh doanh, tăng 9 bậc so với năm ngoái.
Các tiêu chí mà WB đánh giá gồm: thành lập doanh nghiệp, xin cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, vay vốn, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, nộp thuế, giao thương quốc tế, thực thi hợp đồng, xử lý khi mất khả năng thanh toán.
Năm nay, Việt Nam đã cải thiện được một số tiêu chí như tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, nộp thuế và giao thương quốc tế. Trong đó, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ có sự cải thiện thứ hạng lớn nhất.
Trong những năm vừa qua, xếp hạng của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Nếu năm 2012, Việt Nam chỉ đứng 99/183 thì đến năm 2014 đã xếp 93/189 nước. Đến năm 2015, thứ hạn này tiếp tục được cải thiện lên thứ 91 và tiếp tục tăng 9 bậc lên 82 vào năm nay.
Nhờ vào đó, trong 11 tháng, cả nước đã có 101.683 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng số doanh nghiệp hoạt động vào thời điểm cuối tháng 11 lên cao nhất trong 6 năm trở lại đây.
Trong năm 2016, nhìn vào chỉ số quản trị mua hàng PMI – một chỉ số tổng hợp về tình trạng sản xuất có thể thấy Việt Nam đang có sự tăng vọt mạnh mẽ ở ngành sản xuất.
Theo thống kê, từ đầu năm đến tháng 11/2016, chỉ số PMI Việt Nam luôn ở trên mức 50 điểm, vốn là định mức an toàn đối với ngành sản xuất. Mặt khác, ở tháng 11, chỉ số PMI Việt Nam đã tăng vọt lên 54 điểm, cao nhất trong 1,5 năm qua.
Trái ngược với tình hình khả quan ở Việt Nam, chỉ số này các nước như Thái Lan, Malaysia liên tục giảm trong nhiều tháng, dưới cả định mức an toàn.
Báo cáo của CEL Consulting- Công ty tư vấn quản lý chuỗi cung ứng, logistics tại khu vực Đông Nam Á cho biết tính đến cuối tháng 11/2016, Việt Nam không bị thâm hụt cán cân thương mại xuất nhập khẩu.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 159,5 tỷ USD, tăng 7,5% trong khi kim ngạch nhập khẩu ước đạt 156,6 tỷ USD, tăng 3,5%. Cán cân thương mại của cả 11 tháng hiện đang dừng ở mức xuất siêu 2,9 tỷ USD.
Ông Pieter Pennings, Giám đốc CEL Consulting cho rằng thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam đang là điểm sang trong bối cảnh lạm phát 10 tháng đầu năm tăng 2,27% so với cùng kỳ năm ngoái, kèm theo GDP và giá trị bán lẻ tăng trưởng có phần chậm lại.
Hồi tháng 5 năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên trong 2 nhiệm kỳ nằm củng cố chính sách xoay trục sang châu Á, thắt chặt quan hệ về an ninh, kinh tế với một số đối tác đang có vai trò quan trọng trong khu vực.
Tổng thống Mỹ đã gặp gỡ, hội đàm với các lãnh đạo Việt Nam, có bài phát biểu quan trọng về quan hệ Việt – Mỹ, tiếp xúc với thành viên Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á và cộng đồng doanh nhân.
Bên cạnh những quyết định mang tính bước ngoặt về chính trị, ngoại giao giữa 2 nước, chuyến viếng thăm của Tổng thống Mỹ Obama đã mở ra những cơ hội mới cho kinh tế Việt Nam.
Tháng 4/2016 hàng loạt cá chết dọc bờ biển miền Trung đã đánh dấu một thảm họa ô nhiễm môi trường chưa từng có tại Việt Nam. Lần đầu tiên cả hệ thống chính trị vào cuộc để tìm ra nguyên nhân gây ra sự cố cá chết hàng loạt trên 200km bờ biển từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên Huế.
Việc vi phạm gây hậu quả nặng nề đối với sản xuất và đời sống người dân, ước tính có khoảng 50.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp và 176.334 người phụ thuộc. Lãnh đạo Formosa đã cúi đầu nhận lỗi và đưa ra con số bồi thường 500 triệu USD.
Vụ việc Formosa cũng làm dấy lên mối tương quan giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Ngày 4/2, tại Auckland, New Zealand, bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đại diện Việt Nam đặt bút ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước tham gia là: Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Với việc sẽ gia nhập vào TPP Việt Nam kỳ vọng đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu và thay đổi cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Theo tính toán, TPP sẽ giúp cho GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025; xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.
Việc ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ đã khiến những nỗ lực tham gia vào TPP của Việt Nam có thể bị đổ bể. Rút khỏi TPP được xếp ở vị trí số 1 trong danh sách 6 “sắc lệnh” đầu tiên mà tân Tổng thống Donald Trump sẽ ban hành ngay sau ngày làm việc tại Nhà trắng 20/1/2017.
Tuy nhiên quan điểm của Chính phủ có TPP hay không thì Việt Nam vẫn hội nhập với kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do FTA.
Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may năm 2016 đã không đạt mục tiêu. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 5,2%, thấp nhất trong 10 năm gần đây. Nguyên nhân được đưa ra là do tổng cầu thế giới yếu, giá sản phẩm giảm…
Khó khăn không chỉ đến với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà ngay cả các công ty lớn cũng gặp nhiều bất lợi. Các nhà nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu đều có xu hướng giảm lượng nhập khẩu ở Việt Nam và tìm đến thị trường có lao động, thuế quan rẻ hơn như Bangladesh, Myanmar hay Campuchia.
Một khó khăn khác của ngành dệt may là chính sách giữ tỷ giá của đồng Việt Nam ổn định hơn so với một số ngoại tệ đã khiến hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ.
Năm 2017, theo các chuyên gia dự báo, ngành dệt may Việt Nam vẫn sẽ đối diện với những khó khăn khi lực cầu chưa được cải thiện. Tuy nhiên, mục tiêu của kim ngạch xuất khẩu của ngành đặt ra là 30,5 tỷ USD.
07:04, 27/12/2016
13:38, 20/12/2016