18/01/2025 | 19:10 GMT+7, Hà Nội

11 địa danh không thể bỏ qua khi du lịch Hà Giang

Cập nhật lúc: 13/10/2017, 19:00

Hà Giang cuốn hút du khách bởi những con đường đèo đầy ấn tượng, những mùa hoa nở đẹp, những bản làng yên bình hay những phiên chợ rực rỡ sắc màu…Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn rõ hơn để biết về những điểm đến tuyệt đẹp của Hà Giang.

1. Cổng Trời Quản Bạ

Cổng trời Quản Bạ Hà Giang

Cổng trời Quản Bạ Hà Giang

Cổng trời Quản Bạ, nằm ở độ cao 1500m so với mặt biển, đây là cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên Đồng Văn. Năm 1939, người ta dựng một cánh cửa khổng lỗ bằng gỗ nghiến dày 150cm ở ngay Cổng trời.

Một thời, sau cánh cửa gỗ này là một "thế giới" khác - còn gọi là "Vùng tự trị của người Mèo", gồm các huyện Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn và Yên Minh.

Đứng tại Cổng trời Quản Bạ, có thể quan sát được cánh đồng của Quản Bạ, Quyết Tiến, Thái An, Đông Hà, Cán Tỷ và Bát Đại Sơn.

Cổng trời tại Quản Bạ đã từng có một cánh cửa khổng lồ được xây dựng từ những năm 1939 bằng gỗ nghiến, dày tới 1,5m – một điểm riêng mà không nơi nào có được.

Tuy nhiên, ngày nay cánh cửa đó đã không còn nữa vì không thể vượt qua được nắng mưa khắc nghiệt tại vùng đất này. Hiện nó đã được đặt 1 tấm biển ghi to dòng chữ: Cổng trời Quản Bạ.

Tiếp tục đi bộ dọc qua các bậc thang được xây dựng bằng bê tông vững chắc, du khách sẽ đến được đỉnh núi và đây cũng chính là cổng trời huyền thoại.

Từ trên đỉnh núi, du khách được thỏa sức vươn tầm mắt ra phía xa nhất để ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ của mảnh đất Cao nguyên đá Đồng Văn này.

Phía trước là thung lũng Quản Bạ rộng lớn, mang một vẻ đẹp yên bình với màu vàng của lúa chín và thấp thoáng những ngôi nhà của đồng bào dân tộc thi thoảng tỏa ra làn khói bếp.

Xa xa là núi đôi Cô Tiên, tuyệt tác của tạo hóa với những đám mây giăng khắp lối tạo nên một khung cảnh thơ mộng. Phía sau là con đường Hạnh Phúc huyền thoại đã góp phần kết nối giao thông tại vùng đất nghèo khó này.

Chia tay với cổng trời Quản Bạ, bạn sẽ chính thức đến với cao nguyên Đồng Văn và khám phá thêm nhiều nét đẹp về tự nhiên, văn hóa và con người nơi đây.

2. Cao nguyên đá Đồng Văn

Cao nguyên đá Đồng Văn

Cao nguyên đá Đồng Văn

Nằm cách thị xã Hà Giang 132km theo đường 4C, cao nguyên đá Đồng Văn là một vùng núi đá hiểm trở và hùng vĩ ở cực bắc, cảnh đẹp tráng lệ và ấn tượng.

Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở độ cao trung bình 1.000 – 1.600m so với mực nước biển, trên diện tích gần 2.356km² trải dài qua địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang.

Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất. Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau kéo dài hàng trăm triệu năm.

Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO), Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái Đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.

Cao nguyên đá Đồng Văn hội tụ một loạt hệ thống di sản độc đáo như Di sản địa chất với rừng hóa thạch Huệ biển Cán Chu Phìn, nghĩa địa hóa thạch Làn Chải, điểm hóa thạch Ngã ba Lũng Pù-Khau Vai-Mèo Vạc, điểm hóa thạch Tay cuộn Ma Lé, điểm hóa thạch Trùng thoi (thị trấn Đồng Văn).

Di sản địa tầng gồm mặt cắt địa chất Lũng Cú-Ma Lé, ranh giới thời địa tầng Frasni-Famen tại đèo Si Phai; Di sản địa mạo với danh thắng núi đôi Quản Bạ, tháp kim Pải Lủng, thung lũng Thủy Mặc, rừng đá Khâu Vai… cùng rất nhiều di sản kiến trúc-lịch sử-văn hóa-danh thắng như phố cổ Đồng Văn, di tích Nhà Vương, thị trấn Phó Bảng…, các thôn văn hóa dân tộc và làng văn hóa du lịch.

3. Hoa Tam Giác Mạch

Hoa Tam Giác Mạch

Hoa Tam Giác Mạch

Mùa tam giác mạch ở Hà Giang kéo dài từ đầu tháng 10 đến hết tháng 12. Tam giác mạch trải dài những cung đường đèo là một trong những vườn hoa được du khách say mê check-in nhiều nhất.

Tam giác mạch là loại hoa đặc trưng của xứ đá tai mèo, là hình ảnh thu hút lượng lớn khách du lịch đến với cao nguyên hàng năm. Hoa tam giác mạch nở vào tháng 10 thường no nắng và gió nên có màu hồng, nhưng cũng là giống hoa này được trồng vào đầu năm thì lại thường có màu trắng, hoa nhỏ.

Đồng bào các dân tộc nơi đây gieo hạt tam giác mạch xen lẫn với những ruộng hoa màu khác và cũng có những vùng chỉ trồng dày đặc cây tam giác mạch. Thông thường, hạt gieo từ sau vụ ngô đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì bắt đầu thu hoạch.

Trên đường đi Sà Phìn, bạn sẽ gặp những thửa ruộng tam giác mạch nằm ngay khúc cua lên bãi đá mặt trăng. Giữa bốn bề núi đá, quanh năm sương mù bao phủ, thời tiết khô hạn, những con đường đổ dốc ngoằn ngoèo chìm ngập trong thung lũng… xuất hiện những vạt hoa tam giác mạch khiến người ta liên tưởng tới hình ảnh hoa nở trên đá.

4. Chợ Tình Khâu Vai

Chợ Tình Khâu Vai

Chợ Tình Khâu Vai

Khâu Vai là phiên chợ tình nổi tiếng có một không hai ở nước ta, thậm chí còn độc đáo và hiếm có trên toàn thế giới. Từ chiều 26/3 âm lịch từ khắp các nẻo đường chênh vênh trên núi cao, những người dân trong trang phục của dân tộc mình, đã ríu ran, rộn ràng xuống chợ. Những người ở bản xa, cách chợ tình Khâu Vai những ba quả núi, bốn năm con suối, thì đi từ sớm hơn.

Theo các cụ già nơi đây, chợ tình Khâu Vai có từ cách đây hơn trăm năm, được bắt nguồn từ câu chuyện tình của một đôi trai gái.

Chuyện kể lại rằng, vào thời bấy giờ, đất Khâu Vài chỉ có người Nùng và Giáy sinh sống. Họ sống riêng thành từng làng và mọi chuyện bắt đầu khi có một chàng trai người Nùng đem lòng yêu tha thiết một cô gái người Giáy ở làng bên.

Chuyện tình của họ đang đẹp như bông hoa, như đôi chim lửa của núi rừng Khâu Vai thì cha mẹ, họ hàng hai bên biết chuyện. Họ ra sức ngăn cản bởi theo lệ thời đó, dân tộc nào chỉ lấy người dân tộc ấy, hơn nữa việc dựng vợ gả chồng là việc của cha mẹ nên việc đôi trai gái tự tìm đến nhau là trái với lệ làng…

Sự cấm đoán của hai gia đình đã khiến cho đôi trai gái quyết định cùng nhau trốn lên núi. Nhưng không ngờ cuộc chạy trốn của họ lại càng làm cho mâu thuận giữa hai gia đình ngày một trầm trọng. Từ chỗ chỉ có xích mích giữa hai gia đình, dòng họ dần dần đã dẫn đến xích mích giữa hai làng người Nùng và người Giáy.

Từ trên núi cao nhìn xuống thấy cảnh tượng xô xát giữa hai làng, đôi trai gái rất đau lòng, họ đành phải gạt nước mắt chia tay nhau. Hai người hẹn ước cho dù không thành vợ thành chồng nhưng mỗi năm sẽ gặp lại nhau vào ngày này (tức là ngày 27 tháng 3 âm lịch).

Thế là mỗi năm cứ đến ngày hẹn, chàng trai và cô gáilại lên ngọn núi đó gặp gỡ, giãi bày tâm sự… Cứ như vậy cho đến một ngày kia khi dân làng biết chuyện, cảm phục tình yêu của đôi trai gái, người ta quyết định mở chợ tại ngọn núi- nơi đôi trai gái đã hẹn hò nhau. Chợ được mở ra, mỗi năm một lần làm nơi gặp gỡ cho những đôi trai gái vì nhiều nguyên nhân không lấy được nhau.

5. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì 

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì - Di tích quốc gia là hệ thống ruộng bậc thang trên địa bàn các xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên. Bà con các dân tộc La Chí, Dao đỏ, Dao áo dài, Nùng là chủ nhân của những thửa ruộng bậc thang trên địa bàn sáu xã nói trên.

Hoàng Su Phì là một trong ba huyện vùng cao núi đất, nằm ở phía Tây tỉnh Hà Giang. Điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên đã tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Sản xuất nông nghiệp là chính với người dân các dân tộc trên địa bàn.

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì xuất hiện từ vài ba trăm năm trước. Việc làm nương rẫy, canh tác trên những mảnh đất hẹp bìa rừng, ven sông suối không mang lại nhiều thóc gạo và ngô, người dân địa phương đã tìm đến hình thức canh tác ruộng bậc thang trên các sườn đồi.

Trải qua nhiều thế hệ, con người tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc canh tác cũng như bảo tồn và phát triển ruộng bậc thang từ các khâu lựa chọn đất, khai phá ruộng, làm bờ ruộng, lấy nước tưới tiêu…

Ruộng bậc thang, một hình thức canh tác mang đặc trưng riêng của đồng bào vùng cao trong khu vực Đông Nam Á. Ruộng bậc thang Hoàng Su phì ở Hà Giang nói riêng hay ở một số địa phương vùng cao phía Bắc Việt Nam nói chung mang ý nghĩa lịch sử, minh chứng rõ nét nhất về lịch sử định cư lâu đời và tập quán lao động sản xuất nông nghiệp của bà con các dân tộc thiểu số trong vùng.

6. Rừng Thông Yên Minh

Rừng Thông Yên Minh

Rừng Thông Yên Minh

Rừng thông Yên Minh cách trung tâm huyện Yên Minh khoảng 12km. Đến đây, du khách có thể thư giãn giữa đồng cỏ bao la, ngắm núi non mây trời, xa xa phía dưới là những nếp nhà người Mông lặng lẽ nép mình sau rừng tre xào xạc. Du khách còn được chiêm ngưỡng những đám hoa vông đỏ rực đua nhau khoe sắc, điểm thêm cho màu xanh non mượt mà của đồng cỏ mênh mông.

Nhìn từ trên cao xuống, thị trấn Yên Minh mang một vẻ đẹp mới lạ khiến du khách không khỏi sững sờ. Những con đường quanh co uốn lượn, những cánh đồng xanh mướt được bao quanh bởi những dãy núi cao xa xa mây mờ bao phủ, những nếp nhà xen kẽ cùng màu xanh của cây cối và núi đồi, tất cả tạo nên một bức tranh Yên Minh vừa giản dị vừa làm say đắm lòng người. 

Đến với Hà Giang, hành trình khám phá rừng thông và thảo nguyên Yên Minh sẽ là một trải nghiệm thú vị, tạo ấn tượng khó phai trong lòng du khách về một vùng đất thơ mộng bình yên. 

7. Dinh Vua Mèo

Dinh Vua Mèo

Dinh Vua Mèo

Vua Mèo Vương Chính Đức là một vị thủ lĩnh của người dân tộc Mông ở vùng Đồng Văn, Hà Giang.

Công trình độc đáo, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, mô phỏng theo kiến trúc Trung Quốc (đời Mãn Thanh) với những đường cong, nét lượn, trạm trổ tinh xảo. Đây không chỉ là dinh thự mà còn là pháo đài phòng thủ giữa cao nguyên đá trong thời kỳ lịch sử.

Dinh thự vua Mèo được xây dựng trên một khu đất đẹp, với diện tích 1.120m2 tại thung lũng Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Toàn bộ dinh thự có hình mai rùa vững chắc, bao gồm những toà ngang, dãy dọc quy mô, bề thế với nhiều công trình phụ trợ khác. 

Dinh thự được vua Mèo Vương Chính Đức thuê thợ từ Trung Hoa sang xây dựng. Các thợ giỏi nhất vùng được huy động để xây dựng liên tục, ròng rã trong 9 năm trời và tiêu tốn khoảng 150.000 đồng bạc hoa xòe thời bấy giờ (1919-1928). Dinh thự được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1993.

Nhà Vương có diện tích trên 1.000 mét đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Khu dinh thự này đã được trùng tu lại và trở thành một điểm nhấn độc đáo trong chuyến du lịch đến cao nguyên đá Đồng Văn.

8. Phố cổ Đồng Văn

Phố cổ Đồng Văn

Phố cổ Đồng Văn

Dãy phố dài gần một km được hình thành cách đây gần một thế kỷ, với những nét kiến trúc đặc trưng của đồng bào vùng cao với nhà trình tường, mái ngói âm dương, nền lát đá…

Điểm nhấn và bắt đầu của dãy phố là khu chợ cổ, được xây bằng đá mái lợp ngói âm dương. Phố cổ Đồng Văn còn hơn 40 ngôi nhà 100-300 tuổi, trong đó ngôi nhà của dòng họ Lương được xác định là lâu đời nhất.

Những đêm rằm, toàn bộ dãy phố được thắp sáng bằng những chiếc đèn lồng đỏ với nhiều kích cỡ, phục vụ ẩm thực và các hoạt động văn hóa khác.

9. Cột cờ Lũng cú

Cột cờ Lũng cú

Cột cờ Lũng cú

Điểm du lịch mang ý nghĩa lịch sử thiêng liêng. Đứng trên đỉnh Lũng Cú, có thể nhìn bao quát quanh cảnh hùng vĩ xung quanh. 

Cột cờ Lũng Cú nằm ở độ cao trung bình 1.600 mét so với mặt biển, bên trái là thung lũng Thèn Ván, bên phải là đầu nguồn dòng sông Nho Quế bắt đầu từ Vân Nam Trung Quốc đổ về Đồng Văn, Mèo Vạc.

10. Bãi đá cổ Nấm Dần 

Bãi đá cổ Nấm Dần

Bãi đá cổ Nấm Dần

Bãi đá cổ Nấm Dần còn được gọi bằng cái tên “Nà Lai”, có nghĩa là “Ruộng nhiều chữ” là một di tích được công nhận là di sản quốc gia. Nằm bên ven sông Nậm Khoong, Bãi đá cổ Nậm Dần là một phiến đá rất lớn có khắc nhiều hình thù lạ mắt khác nhau.

Bãi đá cổ Nậm Dần có khoảng 7 phiến và 2 phiến cực lớn trên đó có khắc vẽ khoảng 80 hình và khoảng 80 lỗ vũm với độ trũng trung bình 5 – 6cm, sâu 1-2 cm phân bố chủ yếu ở đầu tây của tảng đá.. Các hình vẽ và lỗ vũm được các nhà khảo cổ học cho rằng được tạo ra bằng cách dùng đục sắt và búa tác động vào đá. Niên đại của các hình vẽ được cho rằng trên 1.000 năm.

Hình vẽ trên những tảng đá thường là hình học như tròn, chữ nhật, ô vuông ; những hình hoạ tiết hoa văn đa dạng, hình bàn chân người hay chỉ đơn giản là những vạch đường thẳng vẽ song song…những hình người với tư thế giơ 2 tay dạng hai chân như đang làm việc, chiến đấu. Còn rất nhiều hình hoạ tiết khác trên những phiến đá ở bãi đá cổ Nấm Dẩn mà chưa hề xác định được hình dáng của chúng. 

Bãi đá cổ Nấm Dẩn là loại hình di tích khảo cổ có niên đại khoảng 2.000 năm và rất hiếm có ở Việt Nam. Đây có thể là di tích mộ thủ lĩnh cộng đồng hoặc khu đất thiêng thờ cúng các vị thần linh bản địa.

Bên cạnh những tảng đá lớn và cực lớn nằm chính trên bãi đá cổ Nấm Dẩn, ở phía dọc bờ suối còn có nhiều tảng đá trầm tích lớn với nhiều hình dạng độc đáo vẫn còn nguyên những dấu ấn phong hoá của tự nhiên hàng nghìn năm như một tấm phản nằm, chiếc ghế ngồi hay bàn cờ phẳng.

Khi chỉ đơn thuần là một di tích, một điểm đến cho khách du lịch, bãi đá cổ Nấm Dẩn được xem như một thủ lĩnh, một nơi thiêng liêng để thờ cúng thần linh, tổ tiên hay nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn.

Bãi đá Nấm Dẩn không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn, mà chúng như một di tích lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng trong đời sống của người dân.

11. Chợ phiên vùng cao

Chợ phiên vùng cao

Chợ phiên vùng cao

Hà Giang cũng như nhiều vùng núi khác thường có các chợ phiên. Nơi đây không chỉ là hình thức tổ chức kinh tế mà còn là nếp sinh hoạt văn hóa đậm đà và sâu sắc, chứa đựng các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc.

Hà Giang thường có các phiên chợ lùi ở các xã. Gọi là chợ lùi vì họp luân phiên ngược lại các thứ trong tuần. Ví dụ tuần này họp vào chủ nhật, tuần sau sẽ họp vào thứ 7, tiếp theo sẽ vào thứ 6…

Đây không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà nó còn là nơi biểu hiện đậm nét nhất những bản sắc văn hóa dân tộc của vùng cao.