19/01/2025 | 18:20 GMT+7, Hà Nội

10 tháng đầu năm 2022, vốn FDI vào Hà Nội tăng mạnh

Cập nhật lúc: 02/11/2022, 18:18

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong tháng 10, TP có 21 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 2,7 triệu USD.

Đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội thu hút 1.280 triệu USD vốn FDI, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Đăng ký cấp mới 283 dự án với số vốn đạt 185,1 triệu USD; 163 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 573 triệu USD; 324 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua CP đạt 521,9 triệu USD.

10 tháng đầu năm 2022, Hà Nội thu hút 1.280 triệu USD vốn FDI, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021
10 tháng đầu năm 2022, Hà Nội thu hút 1.280 triệu USD vốn FDI, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021

Trong tháng 10, TP có hơn 2.500 DN đăng ký thành lập mới, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 18,3 nghìn tỷ đồng, giảm 32%; thực hiện thủ tục giải thể cho 268 DN, tăng 20%; 1.264 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 50%; 824 DN trở lại hoạt động, tăng 24%.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội có 24.900 DN đăng ký thành lập mới, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 283 nghìn tỷ đồng, tăng 7%; thực hiện thủ tục giải thể cho gần 3.000 DN, tăng 19%; có hơn 15.000 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 43%; 8.900 nghìn DN hoạt động trở lại, tăng 2,4%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.

Nếu xét quy mô cả nước, trong 10 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư dự án nhiều tại các TP lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP HCM, Hà Nội. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn.

Được biết, thời gian tới, TP sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến gọi vốn đầu tư từ các thị trường trọng điểm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu. Cùng với đó, Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước.

Cùng với đó, TP thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, gắn với tạo đột phá, tạo động lực dẫn dắt tạo nền tảng phát triển lâu dài như nền tảng số, cải cách thể chế, tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính... Đặc biệt, Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai; Công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để DN dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư; Đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước ngoài.

Trước đó, Hà Nội đã ra Quyết định phê duyệt "Đề án thành lập từ 2 - 5 khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025". Các khu công nghiệp dự kiến được thành lập gồm: Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn; Khu công nghiệp Đông Anh; Khu công nghiệp Bắc Thường Tín; Khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng; Khu công nghiệp Phụng Hiệp. Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã thành lập và đang hoạt động với tổng diện tích 1.347,42ha; trong đó, có 9 khu công nghiệp với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.

Hà Nội cũng đang triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có vai trò tăng cường kết nối, liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10 trên địa bàn Hà Nội tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, so với tháng trước thì công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,4%; sản xuất và phân phối điện giảm 9,3%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 0,4%; khai khoáng tăng 0,4%. Còn so với cùng kỳ năm trước thì mức tăng trưởng của các ngành này lần lượt là tăng 9,2%; tăng 6,8%; tăng 12,7% và tăng 3,5%.

Trong 10 tháng năm nay, một số ngành có chỉ số IIP đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 19,1%; sản xuất đồ uống tăng 17,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 16,6%... Riêng sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic giảm 3% và sản xuất máy móc, thiết bị giảm 8%.

Tính chung 10 tháng năm 2022, chỉ số IIP của Hà Nội tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9%. Sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9%. Riêng khai khoáng giảm 4,9%.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/10-thang-dau-nam-2022-von-fdi-vao-ha-noi-tang-manh-310252.html