28/03/2024 | 21:32 GMT+7, Hà Nội

Nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn

Cập nhật lúc: 24/05/2022, 06:51

Giai đoạn tới, cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài; nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn.

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong bối cảnh đất nước đối diện nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, tuy nhiên cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, yếu kém cần khắc phục, cụ thể:

Năm 2021, vẫn có 5 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng không đạt mục tiêu; công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; năng lực y tế nhất là y tế cơ sở còn bất cập, sai phạm về đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng; thu ngân sách vượt dự toán nhưng chưa bền vững; phân bổ, giao dự toán chi chậm, kéo dài; tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gia tăng; chính sách tháo gỡ, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp rất hạn chế, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt nhưng chưa có người đứng đầu nào bị xử lý trách nhiệm trong việc chậm trễ thực hiện nhiệm vụ này.

Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh lưu ý vấn đề lãng phí trong sử dụng đất đai và tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi (Ảnh: Duy Khánh)
Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh lưu ý vấn đề lãng phí trong sử dụng đất đai và tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi (Ảnh: Duy Khánh)

Về những tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô lên đến 347.000 tỷ đồng và nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế đang phục hồi và phát triển tích cực. Đời sống, việc làm người lao động, an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại được tăng cường; Seagame 31 được tổ chức rất thành công, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong và ngoài nước…

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh  cũng lưu ý cần quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề sau:

Thứ nhất, kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, kiểm soát lạm phát năm 2022 còn gặp khó khăn, chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ các năm 2018-2021. Giá dầu tăng cao tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển.

“Giai đoạn tới, cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài; nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.”, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.

Thứ hai, Nguy cơ bùng phát dịch do các biến chủng mới vẫn hiện hữu, đe dọa tiến trình phục hồi của nền kinh tế. Tại một số nơi, một bộ phận người dân có biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, không thực hiện nghiêm túc theo quy định.

Thứ ba, giải ngân vốn đầu tư công vẫn trì trệ, tỷ lệ giải ngân 04 tháng đầu năm chỉ đạt 16,36% (thấp hơn mức 17,04% so với cùng kỳ năm 2021) trong khi nhiệm vụ giải ngân năm 2022 rất nặng nề

Thứ tư, các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội triển khai chậm, các chính sách quan trọng vẫn đang trong quá trình xây dựng hướng dẫn, chưa được áp dụng vào thực tiễn.

Thứ năm, Thu ngân sách 4 tháng tăng 13,3% so với cùng kỳ, tuy nhiên, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn thấp. Thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước rất chậm, 4 tháng đầu năm đạt 1.967 tỷ đồng/30.000 tỷ đồng, bằng 6,5% dự toán.

Thứ sáu, nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định. Trên thị trường cổ phiếu đã xuất hiện các hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi…

Ngoài ra, báo cáo thẩm tra cũng đề nghị lưu ý vấn đề lãng phí trong sử dụng đất đai ở một số nơi và tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; việc công khai, minh bạch thông tin; việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật vì lợi ích chung…

Nguồn: https://baodansinh.vn/nghien-cuu-giam-thue-tieu-thu-dac-biet-trong-truong-hop-gia-dau-the-gioi-bien-dong-lon-20220523142710.htm