19/04/2024 | 23:22 GMT+7, Hà Nội

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Giảm lãi suất là chuyện mà các thành phần kinh tế đều mong muốn

Cập nhật lúc: 11/06/2021, 06:15

Nhận định việc giảm lãi suất là điều mà tất cả các thành phần kinh tế đều mong muốn, nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đặt ra câu hỏi ngược lại rằng nếu giảm lãi suất thì hoạt động của ngành ngân hàng liệu có ổn định?

Sau 3 lần điều chỉnh lãi suất trong năm 2020, mặt bằng lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng đã và đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo đó, ở khối các ngân hàng thương mại Nhà nước, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND phổ biến ở mức 5 - 6%/năm và 7 - 8%/năm trung dài hạn. Với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, lãi vay ngắn hạn ở quanh mức 4,5%/năm.

Đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần, mặc dù lãi suất cho vay cao hơn nhưng từ đầu năm tới nay, các ngân hàng này đã có những chính sách ưu đãi đặc biệt dành riêng cho nhóm khách hàng tiềm năng. 

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư và tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hàng loạt doanh nghiệp đã phải rút lui khỏi thị trường, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn dư địa để các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Để làm rõ hơn cho câu chuyện có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay hay không, PV đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu.

PV: Thưa TS, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng do tác động của Covid-19, doanh nghiệp thua lỗ, đóng cửa thì một điều bất ngờ là ngành ngân hàng vẫn báo lãi "khủng", nguyên nhân là từ đâu thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, vấn đề các ngân hàng báo lãi khủng có lẽ cần được xem xét lại một cách nghiêm túc. Lãi của ngân hàng theo báo cáo có thể có 1 phần lãi ảo, vì khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép không chuyển nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo nhóm nợ mà không bắt buộc lập dự phòng rủi ro theo thực tế thì các ngân hàng đã tiết kiệm được rất nhiều khoản dự phòng rủi ro, chính vì đó mà lợi nhuận của họ tăng lên.

Dĩ nhiên, thời gian vừa qua, dịch vụ của ngân hàng, nhất là dịch vụ không dùng tiền mặt, tất cả các dịch vụ qua công nghệ thông tin cũng đóng góp nhiều cho lợi nhuận của ngân hàng. Nhưng phải thừa nhận rằng ngân hàng tiết kiệm được rất nhiều chi phí từ việc không phải trích lập dự phòng rủi ro đúng theo thực tế.

Chính vì đó mà tôi cho rằng trong phần lãi "khủng" của các ngân hàng có phần lãi ảo. Trên sổ sách có thể họ lãi rất to và làm cho nhiều người ngạc nhiên: Tại sao trong khi nền kinh tế chịu tác động từ bệnh mà ngân hàng là 1 lĩnh vực dựa rất nhiều vào sức khỏe của nền kinh tế, mà sức khỏe nền kinh tế đang bị tác động tiêu cực của dịch bệnh thì tại sao ngân hàng ăn nên làm ra như vậy? Nguyên nhân chính là từ câu chuyện lãi ảo do giảm được các chi phí trích lập dự phòng rủi ro.

Ngân hàng có còn dư địa giảm lãi suất?
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Có một vấn đề cần nhìn nhận rằng ngành ngân hàng dù sao cũng là ngành có tính thanh khoản tốt nhất vì họ là thành phần kinh tế được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ mạnh nhất về mặt tài chính, thành ra họ có tính thanh khoản cao và trụ vững hơn các thành phần kinh tế khác.

Nhưng chính từ lợi thế đó, được cả hệ thống kinh tế đứng đằng sau hỗ trợ, thì trách nhiệm xã hội của ngành ngân hàng cũng phải được thực hiện ở cấp độ cao hơn, tức là trong mọi hoàn cảnh cần cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch bệnh.

PV: Đây chính là băn khoăn tiếp theo của doanh nghiệp và thị trường sau câu chuyện lợi nhuận của ngành ngân hàng. Đã có nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng nên tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh “khốn khó” do dịch bệnh như hiện nay, quan điểm của ông thế nào?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Giảm lãi suất là câu chuyện mà các thành phần kinh tế đều mong muốn. Người dân muốn giảm lãi suất, các doanh nghiệp cũng muốn giảm lãi suất, nó làm hạ chi phí vốn của tất cả các thành phần kinh tế, nhất là trong lúc dịch bệnh khó khăn như hiện nay khiến thu nhập của người dân giảm, kinh doanh của các thành phần kinh tế cũng chịu tác động.

Thế nhưng, nói đi thì phải nói lại, trong bối cảnh đó, các ngân hàng phải giữ 1 biên độ lợi nhuận đâu đó tối thiểu cũng phải 3%, tức là lãi suất đầu ra trừ đi chi phí đầu vào của họ, phải có biên độ lợi nhuận ở ngưỡng 3% để trang trải các khoản như chi phí marketing, các chi phí khác,... đồng thời vẫn có lãi để trả cho cổ đông.

Nếu chi phí đầu vào không giảm được, tức là ngân hàng vẫn phải trả lãi cao cho vốn huy động từ người dân và các thành phần kinh tế, thì rất khó giảm thêm lãi cho vay. Vì thế, chủ trương là đúng, ai cũng muốn như vậy, Chính phủ kêu gọi các ngân hàng phải có trách nhiệm xã hội để giảm chi phí, nhưng đây là bài toán không hề dễ giải. Trong khi mới đây, một vài ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất huy động để thu hút vốn, rồi lạm phát có cơ hội lại bùng lên, rồi tất cả những tác động tiêu cực từ dịch bệnh làm cho vấn đề đi vay càng trở nên khó khăn hơn.

Trên nguyên tắc, mong muốn của thị trường hay doanh nghiệp là hợp lý, nhưng trên thực tế, trong lúc dịch bệnh mà yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất thì không phải là bài toán dễ dàng!

PV: Vậy, có giải pháp nào để ngân hàng tiếp tục song hành trong câu chuyện trợ giúp doanh nghiệp và xã hội?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Có, giải pháp đó là Ngân hàng Nhà nước đứng ra tổ chức 1 tổ hợp tín dụng. Đây là mô hình đã xuất hiện nhiều tại Mỹ và tôi từng có cơ hội tham gia. Các ngân hàng thương mại hợp lại với nhau thành 1 tổ hợp tín dụng, do Ngân hàng Nhà nước đứng đầu, tùy theo quy mô của mỗi ngân hàng mà có 1 tỷ lệ nhất định về mức đóng góp, chẳng hạn như ngân hàng này đóng góp 5%, ngân hàng kia 10%...

TS Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước với vai trò cơ quan chủ quản sẽ đứng ra xây dựng nên tổ hợp tín dụng này, thiết lập những quy trình, quy chế riêng. Tiếp đến, sẽ bầu ra 1 ngân hàng điều hành tổ hợp đó, ngân hàng này điều hành trên cơ sở các ngân hàng sẽ tham gia vào tổ hợp, số tiền tổ hợp đó lên đến khoảng 300.000 tỷ đồng - đây là hạn mức, mỗi khi ngân hàng điều hành cho vay 1 doanh nghiệp nào thì tất cả các ngân hàng đều đóng góp vào để cùng cho vay theo 1 tỷ lệ mà các ngân hàng đã ước định với nhau.

Tổ hợp tín dụng này thiết lập với mục đích cho vay, đặc biệt là cho vay đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong dịch bệnh, độ rủi ro rất lớn, như vậy, các ngân hàng phải cho vay theo dạng tín chấp, chứ nếu đòi phải có tài sản bảo đảm thế chấp chắc sẽ rất khó.

Và để giảm thiểu tín chấp đó thì tổ hợp này phải làm việc với Quỹ bảo lãnh tín dụng ngân hàng. Thông tư 45/2018/TT-NHNN hướng dẫn tổ chức tín dụng trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định 34/2018/NĐ-CP, theo đó, mỗi địa phương có 1 quỹ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh cho các ngân hàng để các ngân hàng cho vay, giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng. Xét về quy mô thì quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương khá nhỏ, nên để phù hợp với mô hình tổ hợp tín dụng mà tôi đề xuất trên thì cần thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia - dùng quỹ này để bảo lãnh cho các ngân hàng khi cho vay. Các ngân hàng có thể cho vay tín chấp mà không đòi hỏi tài sản bảo đảm tại vì đã được quỹ bảo lãnh tín dụng - bảo hiểm cho mình.

Đó là 2 cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng làm việc với tổ hợp tín dụng để cho vay các doanh nghiệp. Hạn mức lên tới đâu đó khoảng 3.000 tỷ đồng; và về phía lãi suất thì lãi suất rất thấp, đâu đó 4 - 5%.

Lãi suất có thể hạ là do tổ hợp tín dụng đó các ngân hàng lấy nguồn vốn huy động giá rẻ, nguồn huy động không kỳ hạn với mức lãi suất bằng 0 hoặc rất thấp, thì họ dùng dòng vốn huy động không kỳ hạn đó để đóng góp vào tổ hợp tín dụng, thành ra họ có thể cho vay với lãi suất thấp được bảo hiểm bởi quỹ bảo lãnh tín dụng.

PV: Được biết, quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập theo Nghị định số 34/2018/NĐ-CP là đơn vị xem xét cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không phải tất cả các doanh nghiệp và hiện hầu như ít hoặc không hoạt động, vậy làm thế nào để dự án này có hiệu quả?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Để phù hợp thì quỹ bảo lãnh tín dụng cũng phải được tái cấu trúc để trở thành quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia với vốn điều lệ rất lớn, khoảng 30.000 tỷ đồng - vì quỹ đó có thể bảo lãnh vốn tự có của tổ chức.

Đây là một chương trình của cả quốc gia, phải làm như thế, để tất cả hệ thống chính trị - kinh tế vào cuộc. Còn nếu chúng ta chỉ kêu gọi như năm 2020 Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các ngân hàng, rồi sau đó đưa ra gói 300.000 tỷ đồng và kêu gọi các ngân hàng giúp, thì dĩ nhiên họ giúp trong khả năng của họ, và những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh vẫn bị để lại phía sau, bởi ngân hàng hầu như chỉ giúp các khách hàng tốt, khách hàng vip của mình.

Theo tôi, nếu thành lập được 1 tổ hợp tín dụng như đề xuất trên thì đó là giải pháp khá thiết thực. Bây giờ các giải pháp mang tính chất kêu gọi hô hào sẽ chẳng đi đến đâu cả và không giải quyết được vấn đề cốt lõi là khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ts-nguyen-tri-hieu-giam-lai-suat-la-chuyen-tat-ca-deu-muon-20201231000002643.html