29/03/2024 | 15:46 GMT+7, Hà Nội

Thêm 6 dịch vụ công trực tuyến: 4 triệu người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi

Cập nhật lúc: 13/05/2020, 14:48

Từ ngày 12/5, Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ được tích hợp thêm 6 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) nhằm hỗ trợ người dân, DN, nhất là các đối tượng gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19...

Từ ngày 12/5, Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ được tích hợp thêm 6 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) nhằm hỗ trợ người dân, DN, nhất là các đối tượng gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Những DVCTT mới này sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện từ 6 - 10 ngày làm việc so với cách triển khai trực tiếp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu bấm nút khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: Thống Nhất

Nhanh chóng, minh bạch

Theo đó, 6 DVCTT được triển khai từ 12/5 gồm: Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người dân, DN; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; kê khai gia hạn nộp thuế DN; kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Là người đã sử dụng một trong những DVCTT mới, anh Nguyễn Đoàn (Cầu Giấy, Hà Nội) đánh giá, việc thực hiện là rất dễ dàng và thuận tiện, tránh được nhiều bước so với làm ngoài thực tế. Việc làm thủ tục gia hạn nộp tiền thuế đất chỉ tốn khoảng 15 phút khai báo các thông tin, hồ sơ đi kèm cũng được khai báo trực tuyến. Đặc biệt, mọi thao tác đều có thể thực hiện trên máy tính hoặc điện thoại. “Không những thế, người dùng còn có thể chủ động tra cứu tình trạng xử lý yêu cầu một cách nhanh chóng, đồng thời nếu có kết quả sẽ được thông báo thẳng tới điện thoại cá nhân” – anh Đoàn chia sẻ.

Ở góc độ DN, Giám đốc Công ty Du lịch Sun Smile travel Vietnam Dương Thanh Hằng bày tỏ, việc cung cấp 6 DVCTT trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia là giải pháp thiết thực hỗ trợ DN trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ. “DVCTT rất thuận tiện, chúng tôi có thể theo dõi hồ sơ của mình, ai là người xử lý để nếu có khó khăn thì liên hệ trực tiếp. Khi được thông báo hợp lệ thì đại diện DN lên nộp đúng bộ hồ sơ đó mà không cần bổ sung hay thay đổi gì, tiết kiệm nhiều thời gian” - bà Hằng nói.

Theo dự tính, các DVCTT này sẽ hỗ trợ được cho 4 triệu đối tượng người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là động thái giúp đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí thực hiện, hạn chế đi lại, tiếp xúc cho người dân, DN. Nói về 6 DVCTT mới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng: Các dịch vụ này rất quan trọng, làm tốt sẽ thúc đẩy việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, chính xác và hạn chế vấn đề gian lận, trục lợi chính sách. Người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh phải thực sự cải cách, cắt giảm giấy phép con, những rào cản không cần thiết, với nguyên tắc người dân, DN chỉ cần đăng nhập một lần và không phải mang giấy tờ đến từng cơ quan để làm thủ tục. “Với gói an sinh xã hội, nếu để 1 - 2 tháng không trả được hoặc người dân đi lại mấy lần không lấy được tiền hỗ trợ thì cũng không còn ý nghĩa. Chúng ta đứng trên góc độ DN, người dân gặp khó khăn để chia sẻ với họ” - Bộ trưởng nói.

Đẩy mạnh công tác truyền thông

Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, sau hơn 6 tháng chính thức đi vào hoạt động, tính đến ngày 7/5/2020, Cổng dịch vụ công Quốc gia đã có trên 35 triệu lượt truy cập; trên 134.000 tài khoản đăng ký; trên 7 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 55.000 hồ sơ được thực hiện qua; tiếp nhận, hỗ trợ trên 10.000 cuộc gọi của người dân, DN. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện DVCTT là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, trong gần 2 tháng trở lại đây, giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, Cổng dịch vụ công Quốc gia đã thể hiện rõ vai trò của mình khi số lượng hồ sơ trực tuyến được thực hiện tăng gấp 3,3 lần so với số lượng hồ sơ đã tiếp nhận, xử lý của 4 tháng trước đó. Trung bình mỗi ngày tiếp nhận, xử lý khoảng gần 1.400 hồ sơ trực tuyến.

Mặc dù DVCTT đã hỗ trợ DN, người dân tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ trong dịch Covid-19, tuy nhiên thực tế cho thấy đôi khi việc gửi, nhận hồ sơ trực tuyến đến các bộ, địa phương còn chưa thông suốt, chậm xử lý kỹ thuật đường truyền. Một số bộ, ngành còn chậm công bố, công khai thủ tục hành chính trong lĩnh vực đó… Ngoài ra, công tác truyền thông chưa được chú trọng nên không phải tất cả các DN đều biết đến DVCTT. Vì vậy, thời gian tới các bộ, ngành nên đẩy mạnh thông tin dịch vụ này để DN, người dân an tâm rằng hồ sơ nộp trực tuyến vẫn được giải quyết như nộp trực tiếp.

Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu quốc tế SH-TC Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ, thời điểm này, DN đang bắt đầu phục hồi, do đó công việc còn rất ngổn ngang. Để nắm bắt những cơ hội mới, vượt qua thách thức khó khăn của dịch bệnh, DN mong muốn được giảm bớt các gánh nặng hành chính, tiết giảm chi phí, thời gian làm thủ tục. Ông Sơn kiến nghị, phần mềm kê khai các dịch vụ công nên đồng bộ hóa, các bước quy trình đơn giản, dễ thao tác. Thêm vào đó, Văn Phòng Chính phủ nên chủ động nâng cấp hệ thống giao dịch, chuẩn bị đường truyền tốt để tránh xảy ra tình trạng tắc nghẽn mạng. 

Việc triển khai 6 DVCTT là giải pháp rất tốt của Chính phủ để thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19, nhằm giảm thời gian xác nhận, xét duyệt, thẩm định. Đây cũng là cơ hội để tạo được đột phá cải cách thủ tục hành chính theo hướng xây dựng Chính phủ điện tử. Để thực hiện tốt hơn việc này, ở cấp cơ sở cần tổ chức một nhóm tự nguyện ở cộng đồng có chuyên môn hỗ trợ người lao động. Sau đợt thực hiện gói hỗ trợ này cũng cần phải có tổng kết tính hiệu quả cũng như những bất cập hoặc điểm nghẽn để tiếp tục hoàn thiện.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và phát triển hòa nhập TS Nguyễn Hữu Dũng

Chủ trương, chính sách rất đúng và trúng, song cần thực hiện đồng bộ từ cơ sở hạ tầng công nghệ đến người thực thi làm sao để chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Là cầu nối của DN với các cấp chính quyền, tiệm cận chủ trương, chính sách, Hanoisme thường xuyên nắm bắt và nhận thấy, đa số các DN đều mong có một cổng thông tin chính thống để các DN và người lao động tìm kiếm cơ hội, trao đổi thông tin nghề nghiệp cũng như cơ hội việc làm mới sau đại dịch.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh


Ông Nguyễn Hồng Quang – Hội Người khuyết tật TP Hà Nội: Chúng tôi rất cần biết địa chỉ để đăng ký
Việc triển khai 6 DVCTT trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia nhằm hỗ trợ cho DN và người lao động là giải pháp rất tốt. Việc này rất thuận tiện cho những người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong việc đăng ký mà không phải thông qua cơ quan chính sách nào. Như thế, thủ tục hành chính giảm đi rất nhiều. Nhưng, là người lao động tự do làm nghề chụp ảnh, kể từ khi giãn cách xã hội đến nay vẫn chưa có việc làm, tôi không biết vào chỗ nào tìm đường link để đăng ký.
Thứ nữa, không ít người lao động tự do khó có điều kiện tiếp cận CNTT, thậm chí không lập được Facebook mà phải nhờ con cháu hỗ trợ và người khác hỗ trợ. Điều này cho thấy việc tiếp cận các DVCTT đối với nhiều lao động tự do không đơn giản.
Để triển khai các DVCTT cho người lao động khả thi, cần thông qua đội ngũ tổ trưởng dân phố đi khảo sát nắm được thông tin. Và để phòng tránh tiêu cực xảy ra, ví dụ nhưng người không bị mất việc nhưng vẫn đăng ký thì phải có sự phối hợp của tổ trưởng và cảnh sát khu vực. Cũng nên chỉ rõ cho người dân biết vào website nào để đăng ký và có sự hướng dẫn thực hiện từng bước một từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng. Có như thế, các dịch vụ công đến với người dân một cách thuận tiện, nhanh nhất và tránh được tiêu cực.


Shark Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch HĐQT Intracom Group: Phải có hướng dẫn với tiêu chí rõ ràng
Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã có những động thái rất nhanh và tích cực để hỗ trợ người lao động và các DN chịu ảnh hưởng do Covid-19. Việc liên thông điện tử trong xét duyệt là linh động, phù hợp với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, phải có công tác tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể và biểu mẫu với tiêu chí rõ ràng, không quá nhiều thủ tục để DN và người lao động có thể kê khai nhanh chóng, chính xác, tiếp cận được với nguồn vốn vay kịp thời, bên cạnh đó là đảm bảo nguồn vốn vay được phân bổ cho đúng đối tượng. Càng rút ngắn thời gian thủ tục hành chính và tiếp cận nguồn vốn sớm thì DN càng nhanh nắm bắt cơ hội để ổn định sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống người lao động và vực dậy kinh tế.
Nếu có thể, cần có một Ban chỉ đạo để chịu trách nhiệm và xử lý quyết liệt đối với việc này, vướng mắc thủ tục ở đâu xử lý ngay ở đó. Chúng tôi tin với sự hỗ trợ của Chính phủ, sự đồng lòng của DN và nỗ lực của bản thân người lao động thì kinh tế nước ta sẽ sớm phục hồi.

(Trần Oanh - Khắc Kiên ghi)