25/04/2024 | 19:30 GMT+7, Hà Nội

Tết cổ truyền tại các quốc gia châu Á

Cập nhật lúc: 27/01/2020, 13:30

Không chỉ Việt Nam, còn rất nhiều quốc gia khác thuộc khu vực Đông Nam Á có những tập tục, lễ nghi riêng cho những ngày lễ, Tết cổ truyền âm lịch.

Trung Quốc

Người Trung Quốc thường chào đón thời gian đầu năm mới trong thời gian dài, thường kéo dài tới khoảng ngày 14 tháng 1 âm lịch.

Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm tại đất nước tỷ dân. Mỗi một năm tương ứng với một con vật trong 12 con giáp nên người ta thường tránh ăn con vật đó vào đầu năm. Trên phố, các hoạt động chào mừng Tết diễn ra sôi nổi như múa lân, đánh trống, đốt pháo để xua đuổi cái xấu, đón chào điều tốt.

Người Trung Quốc cũng mua cành đào về trang trí vì cho rằng hoa đào tượng trưng cho tài lộc. Trước cửa mỗi nhà, các câu đối đỏ, đèn lồng bằng giấy được treo lên. Trong 3 ngày đầu xuân, người dân đất nước tỷ dân thường kiêng tránh làm vỡ đồ vật, tránh quét nhà và đổ rác, tránh cho trẻ con quấy khóc.

Nhật Bản

Năm 1873, chính phủ Nhật Bản tuyên bố áp dụng Tết Dương lịch thay cho Tết Âm lịch. Tuy nhiên, các nghi lễ cổ truyền vẫn được giữ nguyên. Lễ mừng năm mới tại đất nước mặt trời mọc là sự hòa trộn giữa hai yếu tố Đông - Tây.

Theo truyền thống, người Nhật sẽ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa trước Tết, sum họp bên người thân, gia đình, tổ chức tiệc mừng, ngắm mặt trời mọc trong ngày đầu năm và đi lễ ở các đền chùa. Khi đồng hồ điểm sang năm mới, các ngôi chùa lần lượt rung 108 tiếng chuông, tượng trưng cho 108 dục vọng trần tục được xóa bỏ. Mì trường thọ Toshikoshi Soba là món ăn đặc trưng được người Nhật thưởng thức vào đêm Giao thừa.

Hàn Quốc

Seollal là tên gọi Tết Nguyên đán của người Hàn Quốc. Giống với Việt Nam, Seollal bắt đầu vào ngày 1/1 Âm lịch. Vào ngày 30 Tết, người dân xứ kim chi có thói quen tắm nước nóng để tẩy trần, đốt thanh tre xua đuổi tà ma.

Vào dịp này, các gia đình sẽ mặc hanbok và thực hiện nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Sau lễ nghi này, các bậc con cháu nhỏ tuổi sẽ cúi lạy, chúc thọ những người lớn tuổi trong gia đình, gọi là Sebaetdon. Sau đó, họ sẽ được họ hàng thưởng tiền hoặc vàng, ngọc hay một món quà quý tùy thuộc vào tuổi tác, vị trí cũng như điều kiện, hoàn cảnh. Trên đường phố, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức và thu hút nhiều người tham gia.

Singapore

Tết Âm lịch tại đảo quốc sư tử diễn ra trong 15 ngày, trong đó hai ngày đầu tiên là quan trọng nhất. Bữa cơm tất niên diễn ra vào đêm giao thừa được coi là phần bắt buộc chuẩn bị tươm tất, cẩn thận với cá là món ăn không thể thiếu. Điều này xuất phát từ quan niệm của người dân rằng ăn cá vào đầu năm mang lại may mắn, tài lộc.

Vào ngày Tết, các gia đình sẽ tới thăm người thân, bạn bè. Những người đã lập gia đình sẽ mừng tuổi ông bà, bố mẹ và trẻ con trong gia đình bằng những phong bao lì xì được gọi là “ang pow”. Ngoài ra, họ còn trao nhau những quả quýt chín, tượng trưng cho lời chúc vạn sự hanh thông. Những món quà đều phải có đôi, vì người Singapore tin rằng số lẻ chỉ đem lại xui xẻo.

Vào dịp Tết, người Singapore thường ăn bánh Tang yuan (bánh trôi tàu) với ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Mâm cỗ tết của người Singapore còn có những món ăn khác nhu Yusheng (cá sống), Chang Shou mian (mỳ trường thọ), Pencai (món ăn bao gồm thịt lợn, thịt gà, nấm, hải sản, bào ngư, hải sâm, sò điệp…).

Mông Cổ

Lễ hội mừng năm mới của người Mông Cổ có tên là Tsagaan Sar, mang nghĩa “Bạch Nguyệt”, hay còn gọi là lễ hội Trăng màu trắng. Tsagaan Sar diễn ra trùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Việt Nam. Trước khi năm mới sang, người dân nước này có thói quen trả hết sạch nợ nần, giải quyết tất cả mâu thuẫn, ân oán.

Vào ngày đầu tiên của năm mới, người Mông Cổ thức dậy trước bình mình, diện trang phục truyền thống và xuất hành theo hướng cung hoàng đạo tương ứng của năm. Đàn ông leo lên ngọn núi gần nhất để ngắm mặt trời mọc, còn phụ nữ pha trà, sữa kính dâng lên trời đất.

Thái Lan

Người Thái ăn Tết Nguyên Đán trong vòng 3 ngày, từ ngày 13/4 - 15/4 theo âm lịch.

Nét đặc trưng của lễ hội truyền thống lớn nhất của người Thái là phong tục té nước. Lễ hội Té nước được diễn ra trên đường phố, người trẻ sẽ té nước vào những người lớn tuổi hơn để thể hiện lòng thành kính và tôn trọng, qua đó, người già cũng muốn bày tỏ sự biết ơn đối với con cháu vì đã chịu đựng sự khó tính và những bất cẩn khi ở tuổi “xế chiều”.

Lễ hội Té nước của người Thái Lan ngày càng được đông đảo khách du lịch biết đến và coi đây như là một địa điểm tham quan cần phải đến một lần trong đời. Vì thế, tại các lễ Té nước của người dân Thái Lan sẽ xuất hiện không ít khách du lịch hòa chung vào không khí tưng bừng, náo nhiệt của mùa lễ hội có một không hai này.

Ấn Độ

Lễ hội đón tết âm lịch của người dân Ấn Độ được gọi là lễ hội Holi, được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng 3 hàng năm. Holi còn được gọi là “Lễ hội Sắc màu”, là một trong những lễ hội quan trọng của Ấn Độ. Theo quan niệm của người Ấn Độ, mùa lễ hội tới sẽ báo hiệu cho sự ấm áp, yên bình của mùa xuân xua tan sự u ám, lạnh lẽo của mùa đông đã qua, và cũng là biểu hiện cho cái thiện đánh bại những cái ác.

Tại lễ hội, người dân thoa bột màu lên quần áo và gương mặt của tất cả mọi người kể cả lạ hay quen để chúc mừng một năm mới bình an. Đây cũng chính là nét đặc trưng của mùa lễ hội ở Ấn Độ, thu hút rất nhiều sự quan tâm của khách du lịch.

Indonesia

Dù Tết âm lịch không phải là một lễ hội tôn giáo ở Indonesia song vào dịp Tết âm lịch, những người Indonesia gốc Hoa vẫn có các hoạt động đón mừng Tết tại chùa, nhà thờ và đền.

Nếu đến Indonesia vào dịp Tết âm lịch, bạn đừng ngạc nhiên nếu có ai đó chào mừng bạn bằng câu: “Selamat Hari Raya”. Câu chúc mừng này có nghĩa là chúc một lễ hội vui vẻ và nó được dùng trong tất cả những dịp lễ hội lớn.

Philippines

Philippines có thể được xem là quốc gia có truyền thống đón Tết âm lịch muộn nhất trong lịch sử văn hoá châu Á. Đến năm 2012, Chính phủ Philippines mới chính thức công nhận Tết âm lịch là một trong những ngày lễ lớn trong năm.

Trong những ngày Tết, người dân Philippines thường đi chùa, nhà thờ, cầu cho một năm may mắn, an lành, thịnh vượng.

Hoạt động đón mừng năm mới của người dân Philippines luôn có các màn múa lân, múa rồng. Ẩm thực trong ngày Tết của người Philippines là món bánh gạo ngọt (Tikoy). Bánh này được làm từ gạo nếp, trộn mỡ heo, đường và nước, sau đó trộn chung với trứng gà, đánh đều trước khi chiên.

Chính sự hoà quyện của các nguyên liệu nên bánh Tikoy có ý nghĩa cầu chúc cho mọi người trong gia đình luôn bên nhau.

Malaysia

Ở Malaysia, ¼ dân số nước này là người Hoa kiều, vì vậy Tết Nguyên đán cũng là một dịp rất quan trọng trong đời sống của người dân. Đây cũng được coi kỳ nghỉ chính thức tại quốc gia này.

Giống như các quốc gia đón Tết nguyên đán khác, đây cũng là dịp để người dân ở Malaysia có dịp đoàn tụ, quây quần bên nhau. Vào tối giao thừa, pháo hoa sẽ được bắn tại Tháp đôi Petronas. Các hoạt động như múa lân, sư tử diễn ra tại khu phố người Hoa.

Bhutan

Cũng giống như Tết cổ truyền ở Việt Nam, Tết Losar là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của đất nước Bhutan và được tổ chức rất long trọng theo Âm lịch.

Tết Losar diễn ra trong vòng 15 ngày và ba ngày đầu tiên của năm mới được xem là ngày quan trọng nhất đối với người dân Bhutan.

Vào ngày cuối cùng của năm cũ, các gia đình ở Bhutan đều tất bật dọn dẹp nhà cửa và dâng lên bàn thờ tổ tiên nhiều thực phẩm và hoa quả để tạ ơn thần linh và tổ tiên đã ban tặng cho họ cuộc sống ấm no trong năm cũ.

CHDCND Triều Tiên

Tết năm mới ở Triều Tiên được gọi là Seol. Trong dịp Tết, người dân Triều Tiên thường đến nhà họ hàng, thầy cô, bạn bè hoặc đến đặt hoa ở tượng đài cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và chụp ảnh ở đó.

Nếu như người Hàn Quốc thích ăn canh bánh gạo trong ngày đầu năm mới thì người dân Triều Tiên lại thích ăn bánh songpyeon, một loại bánh gạo nặn theo hình trăng lưỡi liềm thể hiện quan niệm sống "Trăng khuyết rồi trăng lại tròn" như cuộc đời vẫn đổi thay, xoay vần của họ.

Nhưng cũng giống như những nước châu Á khác, trong những ngày đầu năm mới, người dân Triều Tiên cũng có những nghi lễ đặc biệt để tưởng nhớ tổ tiên của mình. Sau nghi lễ chúc phúc năm mới, trẻ con ùa ra đường chơi cùng nhau, bé trai cùng nhau thả diều và chơi quay; các bé gái thì chơi bập bênh hoặc rủ nhau nhảy dây.

Còn ở trong nhà, người lớn sẽ chơi bài hoặc các trò chơi cổ truyền của người Triều Tiên. Tết năm mới ở Triều Tiên là thời gian để mọi người sum họp quây quần bên gia đình.