29/03/2024 | 07:30 GMT+7, Hà Nội

Hàng triệu người hồi hương: Nơi thừa, nơi thiếu trầm trọng lực lượng lao động

Cập nhật lúc: 18/10/2021, 06:15

Sau hơn nửa tháng bước vào giai đoạn “bình thường mới”, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn đau đầu vì bài toán thiếu hụt người lao động. Thế nhưng, tại các địa phương lại có nguy cơ thừa lao động.

Doanh nghiệp vẫn loay hoay về nhân sự

Báo cáo mới đây của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2021, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có xấp xỉ 9 doanh nghiệp chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất - kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Hàng triệu người hồi hương: Nơi thừa, nơi thiếu trầm trọng lực lượng lao động
Sau hơn nửa tháng bước vào giai đoạn “bình thường mới”, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn đau đầu vì bài toán thiếu hụt người lao động.

Theo phân tích của VCCI, tình trạng doanh nghiệp buộc phải cho người lao động nghỉ việc tương đối giống nhau ở tất cả các nhóm quy mô doanh nghiệp, trong đó khoảng 92% doanh nghiệp quy mô lớn, trong khi đó, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa là từ 81% đến 90%.

Tình trạng người lao động mất việc làm diễn ra phổ biến nhất ở các ngành dịch vụ. Trên 97% doanh nghiệp ở các ngành giáo dục và đào tạo, hoạt động hành chính và dịch vụ, dịch vụ lưu trú và ăn uống trả lời khảo sát đã phải giảm số lao động trong thời gian dịch bệnh.

Theo VCCI, lao động đang là vấn đề lớn của các doanh nghiệp trong việc duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh. Sau thực hiện giãn cách xã hội, giảm năng lực sản xuất, rất nhiều lao động của các doanh nghiệp đã trở về địa phương và nơi cư trú. 

Và mặc dù tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, người dân đã được tiêm vaccine chiếm tỉ lệ rất cao, song việc đi lại của người lao động đang gặp khó khăn, cản trở, nhất là đi lại giữa các địa phương dẫn tới tình trạng doanh nghiệp thiếu nghiêm trọng lực lượng lao động.

Trong khi đó, PGS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, sau dịch, hiện tượng doanh nghiệp thiếu lao động, do người dân hồi hương, không trở lại làm việc là điều được dự báo từ trước.

Theo PGS.TS Giang Thanh Long, sau một thời gian dài giãn cách, có những thời điểm bị phong tỏa, người lao động đã kiệt quệ vì không còn sinh kế. Việc quay trở về quê là một giải pháp cuối cùng vì họ không còn nguồn sống nếu tiếp tục ở lại thành phố với nhiều khoản phải chi, thuê nhà, ăn uống, học hành của con cái,... trong khi lại không có thu nhập.

Cũng có một số bộ phận người lao động hồi hương cũng sẽ cân nhắc quay lại khi hoạt động kinh tế phục hồi trở lại nhưng có thể không quay lại ngay bởi họ phải tính toán về nhà ở, học tập của con cái… 

“Nếu việc quay trở lại của người lao động và nhu cầu lao động cho sản xuất bị “lạc nhịp” thì việc thiếu hụt hoạt động khi phục hồi kinh tế là điều thấy rõ”, ông Long nói.

“Một khi hoạt động kinh tế được phục hồi dần thì thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp chính là thiếu hụt lao động do nhiều người lao động đã bỏ về quê. Điều này một lần nữa cho thấy rất cần có sự đồng bộ của các chính sách trong việc thu hút lao động quay trở lại làm việc”, PGS.TS Giang Thanh Long đánh giá.

Trên cơ sở đó, ông Long cho rằng, chính quyền các địa phương cần phối hợp với các doanh nghiệp để tạo điều kiện và hỗ trợ các vấn đề liên quan tới gia đình người lao động (như nhà ở, trường học/lớp học… khi quay trở lại tỉnh/thành phố đã làm việc hoặc ngay tại quê nhà mà họ đã hồi hương). 

Cùng lúc đó, cần cải thiện quy trình kiểm soát dịch đối với lao động di chuyển từ nơi ở tới nơi làm việc để tránh những phí tổn (như xét nghiệm…) không cần thiết, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp giảm các chi phí sản xuất, vận hành (như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn đóng BHXH…trong một thời gian nhất định) để doanh nghiệp có thêm “dư địa tài chính” trong việc đảm bảo và mở rộng hoạt động sản xuất và từ đó ổn định việc làm cho người lao động.  

Nghịch lý: Nơi thừa - nơi thiếu lao động

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIV nhận xét, hàng triệu người lao động hồi hương sẽ xảy ra nghịch lý là nơi sẽ thiếu lao động, nơi thừa lao động. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp, đến nguồn cung lao động và thị trường lao động mất cân đối cục bộ.

Trước hiện tượng này, ông Lợi cho rằng, Chính phủ cùng các địa phương phải tính toán và đưa ra giải pháp để cân bằng mối cung cầu về lao động này.

Hàng triệu người lao động hồi hương sẽ xảy ra nghịch lý là nơi sẽ thiếu lao động, nơi thừa lao động.
Hàng triệu người lao động hồi hương sẽ xảy ra nghịch lý là nơi sẽ thiếu lao động, nơi thừa lao động.

“Chính phủ và các địa phương phải tập trung nghiên cứu kịch bản xấu nhất để tránh bất ngờ có thể diễn ra khi dịch bệnh trên thế giới còn rất khó lường. Trong đó, cần có giải pháp triển khai ngay để ổn định thị trường lao động, mục tiêu là chúng ta tránh để xảy ra nghịch lý cung cầu lao động khi nền kinh tế bắt đầu hoạt động trở lại bình thường”, ông Lợi nói.

Cũng theo ông Lợi, cung - cầu lao động gặp nhau là yếu tố then chốt của một thị trường lao động cạnh tranh hoàn hảo. Người lao động thiếu thông tin về thị trường lao động, người tìm việc không biết nơi cần người và nơi cần người không tìm đúng người có chuyên môn nghĩa là thị trường lao động không hoạt động hiệu quả. 

“Kết nối cung - cầu lao động chính là giúp cho thị trường lao động vận hành và hỗ trợ cho chính sách đào tạo và kích thích nhu cầu học nghề và học chuyên môn phù hợp với yêu cầu của thị trường”, ông Lợi chia sẻ thêm.

Nguồn: https://congluan.vn/hang-trieu-nguoi-hoi-huong-noi-thua-noi-thieu-tram-trong-luc-luong-lao-dong-post161880.html