29/03/2024 | 02:51 GMT+7, Hà Nội

Muốn ngăn chặn “bom trái phiếu“ bất động sản, phải có bảo lãnh thanh toán

Cập nhật lúc: 18/12/2021, 06:10

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự cẩn trọng từ nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thì cần phải có quy định bắt buộc bảo lãnh thanh toán để ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ tài chính trên diện rộng.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ không cần thiết phải có xếp hạng tín nhiệm. Chính vì vậy, thời gian qua, trái phiếu “3 không” (không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán) xuất hiện tràn lan trên thị trường, tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong tháng 11/2021, 94,5% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là trái phiếu riêng lẻ. Đáng lưu ý, có tới một nửa trái phiếu doanh nghiệp phát hành phát hành không có tài sản đảm bảo. Một nửa còn lại chủ yếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành hoặc các dự án hình thành trong tương lai, vốn có tính biến động rất cao và giá trị khó định giá chính xác.

Nhà đầu tư vẫn mua bằng mọi giá

Dù rủi ro là hiện hữu nhưng sản phẩm TPDN bất động sản vẫn thường xuyên rơi vào cảnh "cháy hàng". Theo chia sẻ của một nhân viên ngân hàng TMCP tại Hà Nội, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm sâu, cho vay chậm thì TPDN là một trong những sản phẩm bán tốt nhất hiện nay của nhiều ngân hàng, chủ yếu cho các nhà đầu tư cá nhân.

Khi được hỏi về quy định chỉ được bán trái phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhân viên ngân hàng cho biết, mọi thủ tục sẽ được công ty chứng khoán liên kết thu xếp với mức phí khoảng vài triệu đồng, nhưng có những thời điểm phải "chạy tiến độ" nên sẽ hỗ trợ nhà đầu tư miễn phí.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra các công ty chứng khoán. Chị Thu Hương - nhân viên môi giới của một công ty chứng khoán lớn tại Hà Nội cho biết, trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao nên khi mới có thông tin, môi giới sẽ gửi tới nhà đầu tư để có sự tính toán trước và tới khi mở bán chính thức sẽ đổ tiền mua thật nhanh.

Thực tế, lãi suất TPDN hiện nay đang dao động từ 9-11%/năm, cá biệt có những đơn vị để lãi suất ở mức 14-15%, cao hơn rất nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm chỉ do động trong khoảng 6%/năm. Cùng với đó, loại hình đầu tư này cũng được các ngân hàng tích cực tư vấn bằng nhiều lời nói hấp dẫn như: "trái phiếu là của doanh nghiệp có liên quan đến ngân hàng", hay "ngân hàng bán thì các anh/chị yên tâm", "trái phiếu này của Tập đoàn X, Tập đoàn Y... nổi tiếng nên không lo"...

Nói về tình trạng nhà đầu tư cá nhân vẫn tích cực mua vào TPDN bất chấp những cảnh báo rủi ro, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho biết, ngân hàng và các công ty chứng khoán có thể khiến nhà đầu tư cá nhân nghĩ rằng, TPDN đã được các tổ chức này kiểm tra, thẩm định về tính an toàn nên mới giới thiệu đến nhà đầu tư. Sự hiểu lầm này có thể khiến nhà đầu tư an tâm hơn và ra quyết định mua trái phiếu.

Những "góc tối" bắt đầu hé lộ

Các nhà đầu tư cá nhân sau một thời gian đầu tư vào TPDN đang tỏ ra khá hài lòng với sản phẩm này bởi lãi suất cao, lãi được trả đúng hạn, ngay cả khi cây chuyện về "bom nợ" Evergrande xảy ra, các nhà đầu tư vẫn "phớt lờ". Dù tính đến thời điểm hiện tại, việc doanh nghiệp bất động sản của Việt Nam vỡ nợ là chưa có do mới ở giai đoạn đầu, phải 3-5 năm nữa mới tới thời gian đáo hạn nhưng những "góc tối" đã và đang được hé lộ.

Mới đây, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có quyết định xử phạt đối với Công ty CP Tập đoàn VsetGroup do trong thời gian từ 1/1/2020-27/10/2021 đã thực hiện mời chào trên thông tin đại chúng để nhà đầu tư tiếp cận, mua trái phiếu nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN.

Qua công tác thanh kiểm tra, UBCKNN cho biết hoạt động chào bán trái phiếu của VsetGroup có dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư.  Cụ thể, trong khoảng thời gian nêu trên, VsetGroup báo cáo đã ký 678 hợp đồng mua bán trái phiếu với tổng giá trị hơn 208,6 tỷ đồng nhưng không cung cấp các hợp đồng đã ký theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.

Ngoài ra, VsetGroup báo cáo phát hành trái phiếu để tài trợ vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng không cung cấp được hồ sơ, tài liệu liên quan đến sử dụng số tiền thu được phát hành trái phiếu.

Đặc biệt, VsetGroup không theo dõi, hạch toán, trình bày trên báo cáo tài chính tại thời điểm ngày 31/12/2020 và báo cáo tài chính tại thời điểm ngày 30/6/2021 của công ty đối với các khoản tiền thu được từ phát hành trái phiếu, trả lãi vay trái phiếu, trả gốc vay trái phiếu đến hạn.

Theo UBCKNN, điều đáng lo ngại nữa là các khoản tiền thu được từ phát hành trái phiếu được các cá nhân trong công ty rút ra khỏi tài khoản của công ty và không được nhập quỹ đầy đủ, không được theo dõi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp này.

Cũng trong tháng 12 vừa qua, UBCKNN đã ra quyết định xử phạt đối với Công ty CP Tập đoàn Apec Group về hành vi chào bán trái phiếu ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN,thu về hơn 500 tỷ đồng.

Làm gì để bảo vệ nhà đầu tư, chặn "bom trái phiếu"?

Có ý kiến cho rằng, hiện các nhà đầu tư cá nhân chỉ đang sở hữu 5% lượng TPDN đã phát hành, chủ yếu là do các ngân hàng, định chế tài chính nắm giữ, chẳng lẽ những đơn vị này biết rõ rủi ro mà vẫn "ôm" vào?

Thế nhưng, cần phải nhắc lại là, rất nhiều TPDN bất động sản được ngân hàng, công ty chứng khoán hỗ trợ phát hành và họ sẽ có những cam kết liên quan đến phân phối. Điều này có nghĩa là, những đơn vị này bảo cho cho nhà phát hành sẽ bán hết sản phẩm, trong trường hợp không bán hết thì chính họ phải mua vào.

Do vậy, sau khi "ôm" họ sẽ xây dựng chiến lược "dụ" các nhà đầu tư cá nhân. Theo ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch HĐQT Công ty CP AzFin Việt Nam (đơn vị chuyên đào tạo, tư vấn đầu tư chứng khoán), bằng cách này ngân hàng lợi đủ đường, vừa thu hồi được vốn, vừa tăng dư nợ cho vay, lại vừa chia sẻ được rủi ro.

Thị trường TPDN Việt Nam mới chỉ phát triển mạnh mẽ trong vài năm gần đây nên các nhà đầu tư chưa có hiểu biết đầy đủ, mới chỉ nhận thấy rằng mua TPDN thì trách nhiệm của doanh nghiệp là phải trả nợ đã mang lại nhiều rủi ro.

Nhận diện được sự bất ổn của thị trường, thời gian qua, nhiều quy định được ban hành nhằm "siết" lại hoạt động phát hành TPDN. Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, có một điều đáng lo ngại là từ chỗ không có điều kiện gì đến chỗ quá chặt chẽ sẽ khiến các điều kiện phát hành TPDN không đồng bộ với các biện pháp, nên không giải quyết được mục tiêu là hạn chế rủi ro, bảo vệ thị trường nói chung và nhà đầu tư nói riêng.

"Doanh nghiệp vay vốn dưới hình thức bán trái phiếu là minh bạch, rõ ràng, an toàn hơn các hình thức huy động vốn khác như phát hành cổ phẩn, nhận vốn góp đầu tư hay hợp tác kinh doanh,… và đặc biệt là vay vốn cá nhân, nhưng mỗi trái phiếu bị bóp chặn rất chặt, chỉ phù hợp đối với giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung", ông Đức nhận xét.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng chỉ ra những điểm quá chặt và bất hợp lý trong các quy định phát hành TPDN:

Thứ nhất, phải đã thanh toán đủ trái phiếu đã đến hạn hoặc đủ các khoản nợ đã đến hạn ít nhất trong 3 năm liên tiếp là không cần thiết. Giải pháp hợp lý là chỉ cần không có nợ quá hạn tại thời điểm phát hành trái phiếu, còn suốt 3 năm thì cùng lắm là nợ xấu (theo điều kiện của ngân hàng);

Thứ hai, việc cấm chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Điều này là sự cấm đoán nhầm lẫn giữa việc hạn số người mua trái phiếu với phương tiện thực hiện;

Thứ ba, việc cấm nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp mua trái phiếu riêng lẻ (chỉ được bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp).

Nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý đến việc khả năng thanh toán của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhất là trái phiếu không có tài sản bảo đảm; đồng thời cần phân biệt rõ, tránh nhầm lẫn về việc bảo lãnh trái phiếu, nhất là khi có sự tham gia của ngân hàng: Trái phiếu có bảo lãnh phát hành là vì lợi ích cho doanh nghiệp, khác hoàn toàn với trái phiếu có bảo lãnh thanh toán mới vì lợi ích và bảo vệ nhà đầu tư.

Đồng quan điểm với Luật sư Trương Thanh Đức, TS. Trần Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Smart Invest phân tích: "Nếu trái phiếu của tổ chức phát hành có đơn vị bảo lãnh thanh toán thì tính an toàn sẽ cao hơn rất nhiều so với trái phiếu không có bảo bảo lãnh thanh toán. Ngược lại, với trái phiếu có bảo lãnh, lãi suất thấp hơn trái phiếu không có bảo lãnh".

Theo TS. Trần Minh Tuấn, với xu hướng phát triển TPDN nóng như hiện nay nếu không có giải pháp hữu hiệu thì trong thời gian tới nguy cơ xảy ra rủi ro với nhà đầu tư sẽ ngày càng hiện hữu.

"Tôi cho rằng để đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư và thị trường nói chung thì khi phát hành trái phiếu các doanh nghiệp bắt buộc phải thông qua các định chế tài chính có năng lực bảo lãnh phát hành, đồng thời cũng phải ràng buộc trách nhiệm bảo lãnh thanh toán. Khi buộc chặt trách nhiệm với bảo lãnh thanh toán thì các ngân hàng tổ chức phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp cũng sẽ phải nắm tài sản đảm bảo, trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ đúng hạn thì ngân hàng có thể bán tài sản ấy để chi trả cho nhà đầu tư", ông Tuấn nêu quan điểm.

Ngoài ra, để ngăn chặn được "bom nợ trái phiếu" bất động sản, ông Đặng Trần Phục bổ sung thêm ý kiến về việc cần có những tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín bởi việc xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành không chỉ góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu, bảo vệ nhà đầu tư mà còn giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Nguồn: https://reatimes.vn/muon-chan-bom-trai-phieu-bds-phai-co-bao-lanh-thanh-toan--20201224000008872.html