24/04/2024 | 00:10 GMT+7, Hà Nội

HoREA kiến nghị các giải pháp tăng thu NSNN & hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS

Cập nhật lúc: 06/10/2021, 18:09

Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) vừa tiếp tục gửi công văn kiến nghị đến chủ tịch UBND TP. HCM, nhằm đề xuất các giải pháp giúp TP vừa tăng thu ngân sách Nhà nước, vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản và người dân.

Cụ thể, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) gửi văn bản đến UBND TP HCM đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và góp phần tăng thu ngân sách cho thành phố. Theo đó, HoREA kiến nghị lãnh đạo TP. HCM chỉ đạo tháo gỡ ngay các "ách tắc, vướng mắc" về tính tiền sử dụng đất các dự án nhà ở thương mại đã xây dựng xong nhưng chưa nộp hoặc đã "tạm nộp" tiền sử dụng đất, trong đó có dự án đã bàn giao nhà cho khách hàng và các dự án mới.

Theo uớc tính của Chủ tịch HoREA, đơn cử với 63 dự án nhà ở thương mại, tiền sử dụng đất bình quân mỗi dự án 100 tỷ đồng thì số tiền nộp vào ngân sách thành phố sẽ khoảng 6.300 tỷ đồng. Sau khi chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất thì khách hàng được cấp sổ đỏ, nếu mỗi căn hộ có giá bình quân 3,5 - 5 tỷ đồng và nếu có 10.000 căn được mua bán, chuyển nhượng thì thành phố thu 2% thuế thu nhập cá nhân ước được khoảng 700 - 1.000 tỷ đồng; nếu kinh doanh cho thuê thì còn phải nộp thuế kinh doanh nhà cho ngân sách thành phố… 

HOREA đề xuất các giải pháp tăng thu ngân sách từ tiền sử dụng đất
HOREA đề xuất các giải pháp tăng thu ngân sách từ tiền sử dụng đất

Bên cạnh đó, HoREA đề xuất UBND TP.HCM xem xét chỉ đạo sớm giải quyết việc tính tiền sử dụng đất dự án, đồng thời đẩy nhanh công tác cấp "sổ đỏ" cho người mua nhà, trong đó có 10.020 người nước ngoài đã mua nhà tại TP, chiếm 81,2% tổng số người nước ngoài đã mua nhà trong cả nước, để có thêm tiền thu ngân sách. Khẩn trương chỉ đạo xây dựng "Quy trình, thủ tục, cơ chế áp dụng các phương pháp xác định giá đất, thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại"; xử lý các trường hợp "ách tắc, vướng mắc" việc tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại với các trường hợp cụ thể, thiết thực, đem lại lợi ích cho Nhà nước, cho người dân cũng như cho doanh nghiệp.

Đồng thời, chỉ đạo khẩn trương ban hành "quy trình đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại" gồm 4 bước, nhầm rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp. Trong đó, sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì doanh nghiệp được huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai, bán sản phẩm của dự án theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Đặc biệt, theo HoREA, TP nên đẩy mạnh thực hiện chính sách về "nhà ở xã hội cho thuê, cho thuê mua" và kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành "Nghị quyết về Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp" để đẩy mạnh việc phát triển "nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở có giá vừa túi tiền". Có thể áp dụng các chính sách ưu đãi bằng khoảng 1/3, hoặc 1/2 mức ưu đãi nhà ở xã hội hiện nay để phát triển được các dự án nhà ở thương mại giá thấp có mức giá khoảng 20-25 triệu đồng/m2 tuỳ theo loại đô thị, cùng với chính sách nhà ở xã hội đề thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đông đảo người có thu nhập thấp đô thị.

Theo HoREA, các giải pháp nêu trên đều thuộc thẩm quyền của UBND TP và sẽ giúp vừa tăng nguồn thu cho ngân sách, vừa hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững, vừa giúp cho người tiêu dùng có cơ hội tạo lập được nhà ở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho người dân.

Trước đó, từ ngày 1/3/2021, các gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất mà chưa thanh toán thì sẽ phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ. Để đảm bảo việc thanh toán nợ tiền sử dụng đất theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận, các gia đình, cá nhân cần rà soát, xem kỹ trên Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất của gia đình có còn được ghi nợ tiền sử dụng đất không.

Từ ngày 1/3/2021, các gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất mà chưa thanh toán thì sẽ phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.
Từ ngày 1/3/2021, các gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất mà chưa thanh toán thì sẽ phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.

Với những trường hợp có ghi nợ tiền sử dụng đất mà chưa thanh toán nộp ngân sách Nhà nước thì đề nghị các gia đình, cá nhân liên hệ với Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh các quận, huyện, thị xã ngay để được hướng dẫn thủ tục trả nợ theo chính sách quy định tại Nghị định 79/2019/NĐ-CP của Chính phủ trước ngày 28/2/2021.

Trường hợp thanh toán trả nợ sau ngày 28/2/2021 sẽ bị tính tiền sử dụng đất phải nộp theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Quá thời hạn 5 năm kể từ ngày ghi nợ tiền sử dụng đất, các gia đình, cá nhân phải thanh toán số tiền còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ. Không thực hiện hỗ trợ giảm trừ 2%/năm vào tiền sử dụng đất phải nộp đối với trường hợp gia đình, cá nhân thanh toán nợ trước hạn (5 năm) kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Theo số liệu thống kê (chưa đầy đủ) của HoREA, đến tháng 9/2020, toàn thành phố có 63 dự án của 17 doanh nghiệp với hơn 30.042 căn (gồm 27.709 căn hộ nhà chung cư và 2.693 căn hộ văn phòng officetel) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) cho khách hàng mua nhà.

Trong năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết đã cấp “sổ đỏ” cho 11.114 căn nhà, còn khoảng 20.000 căn chưa được cấp “sổ đỏ”.

HoREA chỉ ra nguyên nhân chính trong việc "ách tắc" tiền sử dụng đất là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính chưa xác định được tiền sử dụng đất của các dự án. Việc này vừa làm giảm nguồn thu ngân sách thành phố, vừa gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người mua nhà vì không được cấp "sổ đỏ".

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/horea-de-xuat-cac-giai-phap-tang-thu-ngan-sach--20201231000003844.html