19/04/2024 | 04:10 GMT+7, Hà Nội

Tháng 1/2022 hoạt động thương mại, vận tải và du lịch tăng trưởng tốt

Cập nhật lúc: 02/02/2022, 06:27

Tháng 1/2022 là tháng cận Tết Nguyên đán nên hoạt động thương mại trong nước, vận tải và du lịch đều tăng so với tháng trước, trong khi đó hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Một năm 2022 ước đạt 470,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 0,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 3,6%).

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 12/2021 đạt 34,59 tỷ USD, cao hơn 75 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 01/2022 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng trước và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng Một có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 01/2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,5%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,7%, tăng 0,7 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,9%, tăng 0,8 điểm phần trăm; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 0,9%, bằng cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 12/2021 đạt 31,62 tỷ USD, thấp hơn 353 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 01/2022 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 29,5 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 01/2022 có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 46,8% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 01/2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,7%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,3%, giảm 0,2 điểm phần trăm.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 10,2 tỷ USD. Tháng 01/2022 xuất siêu sang EU ước đạt 2,1 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 5 tỷ USD, tăng 11,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 3,8 tỷ USD, tăng 28,9%; nhập siêu từ ASEAN 1,2 tỷ USD, tăng 69,2%; nhập siêu từ Nhật Bản 600 triệu USD (cùng kỳ năm 2021, xuất siêu 58,2 triệu USD).

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 12/2021 xuất siêu 3 tỷ USD[3]; năm 2021 xuất siêu 4,08 tỷ USD; tháng 01/2022 ước tính nhập siêu 500 triệu USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Vận tải hành khách tháng Một ước tính đạt 165,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 15,0% so với tháng trước và giảm 54,0% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 27,4%); luân chuyển đạt 6 tỷ lượt khách.km, tăng 20,3% và giảm 61,4% (cùng kỳ năm 2021 giảm 34,4%). Vận tải hàng hóa tháng Một ước tính đạt 157,9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 3,0% so với tháng trước và giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 11,8%) và luân chuyển 32,3 tỷ tấn.km, tăng 1,1% và tăng 1,6% (cùng kỳ năm trước tăng 7,8%)

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Một ước đạt 19,7 nghìn lượt người, tăng 14,9% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 17,4 nghìn lượt người, chiếm 88% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 56,2% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 2,3 nghìn lượt người, chiếm 11,9% và giảm 64,2%; bằng đường biển 10 lượt người, chiếm 0,1% và giảm 76,7%.

Nguồn: https://ngaynay.vn/thang-1-2022-hoat-dong-thuong-mai-van-tai-va-du-lich-tang-truong-tot-post117544.html