29/03/2024 | 16:57 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội có nhiều cách làm hiệu quả trong thu hút đầu tư

Cập nhật lúc: 27/06/2020, 13:09

Các Hội nghị hợp tác đầu tư (năm 2016, 2017, 2018) của TP Hà Nội luôn có sự tăng trưởng cả về quy mô đại biểu và DN tham dự; Số dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư, cũng như kết quả trao Chứng nhận đầu tư và...

Các Hội nghị hợp tác đầu tư (năm 2016, 2017, 2018) của TP Hà Nội luôn có sự tăng trưởng cả về quy mô đại biểu và DN tham dự; Số dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư, cũng như kết quả trao Chứng nhận đầu tư và ký các ghi nhớ hợp tác đầu tư với số vốn liên tục tăng…

Đây là thông điệp mạnh mẽ của TP Hà Nội trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế, cũng như thể hiện bản lĩnh, năng lực phản ứng chính sách linh hoạt thích ứng với các biến động trong nước, quốc tế.

Thu hút đầu tư tăng cả lượng và chất

Trong giai đoạn 2016 - 2020 cùng với việc tổ chức các Hội nghị Hà Nội hợp tác đầu tư và phát triển, môi trường và hiệu quả thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế, hạ tầng tại Hà Nội đã có những cải thiện hết sức ấn tượng.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp tháng 4/2020. Ảnh: Thanh Hải

Hiệu quả thu hút vốn đầu tư thể hiện ở sự gia tăng quy mô vốn đầu tư xã hội và tỷ lệ xã hội hóa đầu tư trên địa bàn. Theo dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI trình Đại hội khóa XVII, giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 1,74 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015, bằng 43,9% GRDP, đạt mục tiêu đề ra.

Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách trên 2.200 dự án, vốn đăng ký trên 1,1 triệu tỷ đồng. Xã hội hóa đầu tư đối với các lĩnh vực: Cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng công nghệ thông tin..., được tập trung đẩy mạnh; Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét từ khu vực Nhà nước (tỷ trọng giảm từ 43,44% năm 2015 xuống khoảng 33,88% năm 2020) sang khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài (lần lượt đóng góp 36,07% và 9,91%). Thu hút FDI giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011 - 2015.

Khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh, tiếp tục phát huy vai trò là một động lực quan trọng. Lũy kế 5 năm có khoảng 130.000 DN thành lập mới, gấp 1,6 lần giai đoạn 2011 - 2015; Tính đến tháng 4/2020, trên địa bàn TP có tổng cộng 286.096 DN. Khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã phát triển khá, ngày càng đa dạng, năm 2019, TP có 1.942 hợp tác xã, tỷ lệ hoạt động hiệu quả khoảng 65%.

 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trao đổi với các nhà đầu tư tại Hội nghị Hà Nội 2018: Hợp tác đầu tư và phát triển. Ảnh: Công Hùng

Đặc biệt, hiệu quả thu hút đầu tư còn thể hiện ở kết quả cải thiện năng suất lao động và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiên tiến hơn.

Phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được triển khai quyết liệt; đã có khoảng 11.000 DN công nghệ thông tin với tổng doanh thu hằng năm 10 tỷ USD, giá trị xuất khẩu chiếm trên 20% kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn.

Tỷ trọng trong GRDP theo giá cơ bản khu vực dịch vụ giảm từ mức 64,98% năm 2015 xuống 63,48% năm 2020; Công nghiệp và xây dựng tăng từ 20,79% lên 23,23%; nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 2,54% xuống còn 2,09%; thuế sản phẩm giảm từ 11,79% xuống 11,2%.

Ngành công nghiệp tăng trung bình 8,3%/năm, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 91%) và duy trì tăng 8,4%. Công nghiệp công nghệ cao dần phát triển ở một số lĩnh vực như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học... Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được phát triển với 17 khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Test nhanh mẫu thực phẩm trên xe kiểm nghiệm chuyên dụng của Hà Nội. Ảnh: Hà Ngân

Ngành xây dựng tăng trưởng vượt trội với tốc độ trung bình 11,65%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,49%), tỷ trọng trong GRDP tăng từ 6,42% năm 2015 lên 7,78% năm 2020, góp phần quan trọng tạo diện mạo đô thị mới, hiện đại cho Thủ đô. Nhiều khu đô thị đã và đang xây dựng làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô. 15/55 dự án, công trình trọng điểm dự kiến hoàn thành theo kế hoạch góp phần phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị. Đến hết năm 2019 diện tích nhà ở bình quân đạt 27,09m2/người, dự kiến đến năm 2020 đạt 27,25m2/người, vượt mục tiêu đề ra. Đến cuối năm 2019, 100% hộ dân ở khu vực đô thị và 75% hộ dân ở khu vực nông thôn đã được cung cấp nước sạch (năm 2015 đạt 37%) vượt chỉ tiêu đề ra.

Cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng bộ máy hành chính phục vụ

Với những kết quả thu hút đầu tư ấn tượng đó, vị thế Thủ đô ngày càng được củng cố. Những kết quả trên phản ánh sự nỗ lực của Chính quyền trong cải thiện môi trường đầu tư. Không chỉ dựa vào lợi thế của Hà Nội trong thu hút đầu tư (trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, có hệ thống cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông thuận lợi…), mà và các ban, ngành của TP còn đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến, thu hút và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn.

Sản xuất cánh tà máy bay tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, 2019 tăng 15 bậc lên vị trí thứ 9. Chính quyền các cấp nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, tích cực hỗ trợ DN khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tinh thần của Chính phủ kiến tạo đã và đang được chuyển hóa từ nhận thức thành hành động của tất cả lãnh đạo và các cấp chính quyền, ban, ngành và các địa phương.

Phát huy kết quả và kinh nghiệm thu hút đầu tư trong thời gian qua, TP cần tiếp tục xây dựng một bộ máy hành chính trách nhiệm, tin cậy và hiệu quả; Hướng tới kỹ trị, tăng cường trách nhiệm giải trình và cam kết luôn đồng hành cùng với DN; Chú ý xây dựng và vận hành tốt cơ chế liên thông giữa các sở, ban, ngành; Thu gọn đầu mối quản lý theo hướng một việc - một đầu mối xuyên suốt; Đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục đột phá trong quy trình đầu tư với các nhà đầu tư theo hướng thống nhất khoa học, phản ứng kịp thời khi nhà đầu tư gặp khó khăn.

 Dự án đường Vành đai 2 trên cao tại Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Đồng thời, cần tiếp tục rà soát các quy hoạch và danh mục dự án đầu tư, ưu tiên huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông. Tập trung thu hút có chọn lọc các dự án phù hợp với định hướng phát triển của thủ đô theo hướng “Xanh - Hàm lượng giá trị gia tăng và khoa học công nghệ cao – Tỷ suất đầu tư lớn”…

Giải quyết vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng; Đẩy nhanh, rút ngắn thời gian cấp giấy Chứng nhận đầu tư và các thủ tục liên quan khác; Thông qua các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty tư vấn để quảng bá và kết nối đầu tư, kinh doanh; Sử dụng hiệu quả quỹ đất ở các khu vực vùng ven còn chưa phát triển, đồng thời nghiên cứu các giải pháp đồng bộ để chống ùn tắc giao thông, cải thiện môi trường sống, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu…

Thu hút và nâng cao hiêu quả đầu tư xã hội, luôn gương mẫu đi đầu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN… đã, đang và sẽ tiếp tục là động lực quan trọng hàng đầu để xây dựng Hà Nội là Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đầu tầu tăng trưởng quan trọng của cả nước; hướng tới xây dựng TP thông minh, một trung tâm lớn, có sức cạnh tranh cao, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng vào trong khu vực và thế giới, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước…

Giai đoạn 2016 - 2020, Hệ số ICOR trung bình đạt 4,5. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp gần 46% trong tăng trưởng GRDP, cao hơn cả nước (44,3%). Năng suất lao động ước đạt 258,3 triệu đồng/lao động, gấp 1,65 lần cả nước, bình quân 5 năm tăng 6,15%, vượt mục tiêu đề ra (5,4 - 5,9%), cao hơn trung bình giai đoạn 2011 - 2015 (4,9%) và cả nước (5,8%).