19/04/2024 | 06:35 GMT+7, Hà Nội

Giá cả các mặt hàng những ngày Tết mùng 1, mùng 2 ổn định, không tăng đột biến

Cập nhật lúc: 25/01/2023, 09:03

Năm nay do nguồn cung vẫn được đảm bảo, dồi dào nhưng sức mua trong dân cho Tết giảm hơn so với những năm trước.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 23/1 (tức hết ngày mùng 2 Tết nguyên đán 2023), diễn ra vào thời điểm cuối tháng 1 dương lịch là cao điểm cho chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động theo quy luật hàng năm. 

Các địa phương cũng đã chủ động trong công tác quản lý giá thị trường, ban hành kế hoạch, đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong dịp Tết nguyên đán. So với năm 2022, lượng hàng hóa dự trữ tăng nhẹ, hàng hóa đa dạng, lượng cung hàng hóa theo từng nhóm hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo quy luật hàng năm, cả cung-cầu lẫn giá cả đều tăng trong những ngày giáp Tết, tuy nhiên năm nay do nguồn cung vẫn được đảm bảo, dồi dào nhưng sức mua trong dân cho Tết giảm hơn so với những năm trước, người dân đang dần chuyển sang thói quen mua sắm chi tiêu hợp lý trong dịp Tết, không còn tâm lý cả năm có một dịp Tết mua sắm cho thoải mái.

Vì vậy, nhìn chung giá cả thị trường Tết tại các địa phương có tăng giảm đan xen, nhưng không có đột biến, sốt giá và vẫn theo quy luật vào các ngày mùng 1, mùng 2 Tết thị trường vẫn chưa sôi động, giá cả cơ bản ổn định so với trước Tết, đồng thời chỉ có một số trung tâm thương mại lớn tại các địa phương (chủ yếu ở các thành phố lớn) là mở cửa phục vụ người dân xuyên Tết như mọi năm, còn các chợ tiểu thương hầu hết chưa mở cửa hoặc lẻ tẻ mở cửa lấy ngày khai trương. Cụ thể thị trường giá cả tại một số địa phương trong ngày mùng 2 Tết như sau:

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ ít chủ yếu là các mặt hàng rau, củ và trái cây, sức tiêu thụ khá chậm so với cùng kỳ năm ngoái, có nhiều mặt hàng chưa nhập do hàng tồn đọng còn, chủ yếu thương nhân ra bán lấy ngày khai trương và giao mối cho các nhà hàng - quán ăn hoạt động trong mùa Tết nguyên đán rồi về sớm.

Tại Cần Thơ: Nhìn chung, giá cả hàng hóa trên địa bàn thành phố ở thời điểm hiện tại tương đối ổn định, không có trường hợp tăng giá bất thường do găm hàng, thiếu nguồn cung.

Chợ truyền thống: Giá cả các mặt hàng thiết yếu từ chiều Mùng 01 tháng Giêng đến sáng Mùng 2 tháng Giêng cơ bản ổn định, không biến động nhiều. Một số sạp chợ đã bày bán trở lại, đa số là các mặt hàng như thịt, cá, tôm, rau, củ. Giá các mặt hàng như gạo, thịt lợn ổn định như trước tết, rau củ tăng nhẹ, mặt hàng nước giải khát như các loại bia tăng từ 3.000đ-5.000 đ/thùng.

Lượng khách tại bến xe Trung tâm tăng hơn so với các năm 2022. Các Công ty cung cấp dịch vụ vận tải hành khách thực hiện tăng giá phụ thu chiều rỗng một chiều để thực hiện tốt công tác giải toả hành khách nhằm phục tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2023 (áp dụng từ ngày 24/01/2023 đến ngày 29/01/2023 nhằm 03/01/2023 đến ngày 08/01/2023 âm lịch).

Cụ thể: Bến xe Cần Thơ – Bến xe Miền Đông: 230.000 đồng/hành khách/lượt tăng 39 % tùy theo từng tuyến, từng loại xe và chất lượng dịch vụ.                                            

Nhìn chung, giá cả hàng hóa trên địa bàn thành phố ở thời điểm hiện tại tương đối ổn định, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng từ trước để phục vụ cho người dân mua sắm dịp Tết, nhờ đó giá cả một số mặt hàng thiết yếu tương đối ổn định, không có trường hợp tăng giá bất thường do găm hàng, thiếu nguồn cung.

Tại Đà Nẵng: Tình hình thị trường ngày Mùng 2 các chợ còn đóng cửa, chỉ có một số người bán hàng lẻ tẻ ở phía ngoài chợ, tập trung chủ yếu một số mặt hàng thịt heo và các loại rau xanh, củ quả.

Thịt heo không biến động, vẫn ổn định so với những ngày trước Tết, cụ thể: thịt mông 130.000 đồng/kg, thịt vai 130.000 đồng/kg, thịt ba chỉ: 160.000 đồng/kg. Giá thịt bò fillet ở mức 280.000 đồng/kg.

Rau, củ, quả giảm so với 30 Tết do lượng hàng bán còn dư để lại tiếp tục bán và nhu cầu mua sắm của người dân vào thời điểm này không cao, tập trung vào các hộ gia đình thờ cúng và đưa ông bà theo phong tục.

Cụ thể: Đậu cô ve 20.000-25.000 đồng/kg, cà rốt Đà Lạt 30.000 đồng/kg (-5.000 đồng/kg), bắp cải Đà Lạt 15.000 đồng/kg (-5.000 đồng/kg), cà chua 35.000 đồng/kg.

Để tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chỉnh phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 12/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023;

Trong đó, giao nhiệm vụ trọng tâm là phải tăng cường công tác theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có các biện pháp quản lý, điều hành phù hợp, đi đôi với đó là đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết.

Trên cơ sở đó, trong thời gian nghỉ Tết đã thành lập kênh thông tin báo cáo hàng ngày giữa các Sở Tài chính với Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) để kịp thời cập nhật đầy đủ các diễn biến của giá cả thị trường. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ văn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động trong công tác tổ chức, triển khai các nhiệm vụ quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường, nắm bắt tình hình thực hiện công tác quản lý, bình ổn giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Bộ Tài chính đã chủ động tổ chức công tác kiểm tra nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại một số địa phương bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Công tác quản lý, điều hành giá đã được các Bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai quyết liệt.

Nguồn: https://baodansinh.vn/gia-ca-cac-mat-hang-nhung-ngay-tet-mung-1-mung-2-on-dinh-khong-tang-dot-bien-20230123220346.htm