28/03/2024 | 20:10 GMT+7, Hà Nội

Dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng tăng mạnh, bất chấp dịch bệnh và nợ xấu

Cập nhật lúc: 26/06/2021, 06:30

Bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nợ xấu cũ và mới đang phát sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nhận định, ngành ngân hàng sẽ chứng kiến một chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm nay.

Ngân hàng “nặng gánh” nợ xấu

Do tình hình dịch bệnh diến biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, thu nhập của người dân sụt giảm nên nhiều tài sản bảo đảm dù được rao bán nhiều lần, lần sau hạ giá hơn lần trước, nhưng vẫn chưa thể thanh lý được. Hơn nữa, các vướng mắc trong việc triển khai Nghị quyết 42 vẫn chưa được tháo gỡ nên việc thu hồi nợ xấu của các ngân hàng càng khó hơn.

Việc thu hồi nợ xấu của các ngân hàng càng khó hơn.
Việc thu hồi nợ xấu của các ngân hàng càng khó hơn.

Theo phản ánh của các tổ chức tín dụng, trong quá trình triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, đa phần các khó khăn, vướng mắc các TCTD đang gặp phải liên quan đến khâu xử lý tài sản bảo đảm.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhu cầu vay cũng như chất lượng tín dụng, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu. Thống kê của FiinGroup, đến cuối quý I, tỷ lệ nợ xấu của 25 ngân hàng niêm yết tăng từ 1,38% lên 1,41% sau khi giảm mạnh trong quý trước. Nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng lần lượt 21,3% và 12,5%. Nợ nhóm 5 tuy giảm 2,5% so với cuối quý 4/2020 nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khá so với tổng nợ xấu.

Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng từng cho biết, với nợ xấu gộp khoảng 4-5% cuối năm 2020, dự báo năm 2021, khối nợ xấu này còn có thể tăng hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3,5% - 4% và nợ xấu gộp khoảng 5-6% đến cuối năm 2021. Nếu trong năm 2021 tình hình dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ giảm rủi ro về nợ xấu, nhưng rõ ràng số lượng nợ cơ cấu lại của các ngân hàng TMCP Nhà nước tăng mạnh so với khối ngân hàng tư nhân.

Việc kiểm soát nợ xấu thời gian tới sẽ khó khăn thách thức rất lớn đối với ngành ngân hàng và nhất là khối Ngân hàng TMCP Nhà nước trong năm 2021. Trước thực tế khối nợ xấu tiếp tục xu hướng “phình to” trong năm 2021, để kiểm soát rủi ro nợ xấu, ông Hiếu khuyến nghị, bên cạnh việc tích cực xử lý nợ xấu, các ngân hàng cũng cần chủ động trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu.

Dự báo lợi nhuận ngân hàng tăng bất chấp dịch bệnh, nợ xấu

Trong báo cáo chiến lược tháng 6/2021, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định rằng, ngành ngân hàng sẽ chứng kiến một chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm nay, bất chấp dịch bệnh.

Theo đó, mức tăng trưởng được dự báo đạt khoảng 27% với 2 yếu tố chính: Một là chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm tác động của hậu quả dịch bệnh, duy trì mặt bằng lãi suất thấp cùng chính sách tiền tệ nới lỏng; hai là các yếu tố được thúc đẩy bởi dịch bệnh, ví dụ xu hướng cắt giảm mạnh chi phí.

Cũng theo VDSC, những thông tin liên quan tới việc phê duyệt hạn mức tín dụng mới tại một loạt ngân hàng tư nhân (sau khi những ngân hàng này đã chạm mức trần tín dụng cho phép), các kế hoạch phát hành thêm, chia cổ tức để tăng vốn điều lệ, đặc biệt ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, sẽ là những yếu tố tác động tới lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian tới.

Theo dự báo của FiinGroup, năm 2021, lợi nhuận kế toán của 12/26 ngân hàng niêm yết (chiếm 86,3% vốn hóa của khối ngân hàng) sẽ tăng cao hơn so với năm 2020 (18,2% so với 14,9%). Triển vọng tích cực này đến từ cả hoạt động tín dụng và dịch vụ, trong đó mảng bán chéo bảo hiểm của nhiều ngân hàng gồm VCB, CTG, ACB, MSB và HDB được kỳ vọng cao.

Dự phòng một số chỉ tiêu của VIB, BID, ACB và VPB trong năm 2021
Dự phòng một số chỉ tiêu của VIB, BID, ACB và VPB trong năm 2021 (Nguồn: VCSC).

Chẳng hạn, tại MSB, sau 5 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế ngân hàng này đạt hơn 2.200 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 68% kế hoạch năm 2021, được đóng góp chủ yếu từ thu nhập lãi thuần gần 2.500 tỷ đồng và thu nhập ngoài lãi hơn 1.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 79% và 64% so với cùng kỳ năm trước.

Tại BIDV, VCSC dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 có thể đạt 56,4%, tương đương gần 11.300 tỷ đồng trước thuế. Tỷ lệ NIM của BIDV sẽ tăng khoảng 0,25 điểm phần trăm lên mức 2,69% nhờ chi phí huy động giảm xuống.

Hay tại VPBank, VCSC cũng dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 tăng 35,3% lên mức 14.100 tỷ đồng, qua đó nâng giá mục tiêu của cổ phiếu VPB lên mức 85.700 đồng/cổ phiếu (tăng 66% so với giá mục tiêu trước đây).

Ngoài ra, VCSC dự báo lợi nhuận trước thuế của TPBank trong năm 2021 đạt 5.843 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước.

Nguồn: https://congluan.vn/du-bao-loi-nhuan-nganh-ngan-hang-tang-manh-bat-chap-dich-benh-va-no-xau-post140840.html