25/04/2024 | 03:01 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp Việt tăng tốc đầu tư, đẩy mạnh số hóa vực dậy sau đại dịch

Cập nhật lúc: 06/11/2021, 06:20

Trong bối cảnh các biện pháp giãn cách được nới lỏng dần, xác định “sống chung với COVID-19”, các DN Việt đã triển khai nhiều giải pháp tăng tốc đầu tư cũng như đẩy mạnh số hóa để thích ứng với tình hình mới.

Câu chuyện đường dài

Trong bối cảnh dịch bệnh cũng như việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, yếu tố cạnh tranh lại càng trở nên khốc liệt. Do vậy, DN Việt Nam vừa phải tiết giảm chi phí, vừa phải nâng cao hiệu quả hoạt động. Có nhiều nhân tố tác động đến quá trình tăng năng suất, chất lượng, trong đó có vai trò quyết định của đẩy mạnh số hóa, đổi mới công nghệ, áp dụng đổi mới sáng tạo trong thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất, quản lý quá trình…

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long (TX.Tân Uyên, Bình Dương) vẫn cố gắng đưa vào vận hành lò gas con thoi chạy vỏ 213m3, đốt mẻ đầu tiên đạt chất lượng khá. Việc đầu tư và đưa vào vận hành lò gas lúc này là một bước chuẩn bị trước để hoàn thành những đơn hàng trong năm 2021, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Trong năm 2021 đơn hàng của công ty rất nhiều song công ty vẫn cố gắng phát triển sản xuất, trong đó số hóa là một định hướng ưu tiên trong giai đoạn tới.

Doanh nghiệp Việt đang tăng tốc đầu tư vào số hóa giữa “bão” COVID-19 để vươn ra thế giới.
Doanh nghiệp Việt đang tăng tốc đầu tư vào số hóa giữa “bão” COVID-19 để vươn ra thế giới.

Một ví dụ khác, trong bối cảnh giao thương hạn chế, việc ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam vươn lên khẳng định vị thế mới không chỉ nhờ “ăn may” mà là kết quả của một quá trình nỗ lực thích ứng, đổi mới từ đầu tư sản xuất đến phương pháp tìm kiếm khách hàng. Sản lượng gỗ ván ghép tấm, phôi cao su của Công ty Cổ phần Gỗ Dầu Tiếng giảm, thế nhưng, sản lượng sản phẩm gỗ tinh chế của DN lại tăng mạnh.

Tận dụng lợi thế thị trường, DN này đẩy mạnh đầu tư công nghệ, phát triển sản xuất các sản phẩm gỗ tinh chế, sản phẩm nội thất cao cấp phục vụ xuất khẩu tới các thị trường như Mỹ, Úc, Anh... Để đạt được điều này, nhà máy sản xuất của DN hiện đã tận dụng hết 100% công suất. DN này đang lập dự án xây dựng thêm một nhà máy sản xuất các sản phẩm gỗ tinh chế trên diện tích 10ha tại Nông trường Đoàn Văn Tiến (thuộc xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng).

Còn nhiều dư địa cho tăng cường số hóa trong doanh nghiệp

Các doanh nghiệp Việt hiện tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ, giảm thiểu lao động chân tay trong điều kiện thiếu hụt lao động. Nhiều đơn vị với sự đầu tư đồng bộ từ nhà xưởng, công nghệ sản xuất đến nơi sinh hoạt khép kín nên đơn vị hoàn toàn chủ động trong quá trình sản xuất kinh doanh để bảo đảm công tác phòng dịch và duy trì sản xuất, xuất khẩu.

Đại dịch COVID-19 không làm chậm lại quá trình chuyển đổi công nghệ mà còn thúc đẩy chuyển đổi lên tầm cao mới. Đồng thời, trở thành chất xúc tác để DN thay đổi và nhận thức được sự cần thiết của việc chuyển đổi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.

Trong đại dịch dễ nhận thấy, những DN chủ động ứng dụng khoa học công nghệ có tỷ lệ tồn tại rất cao, ít tổn thương hơn. Thậm chí, nhiều DN đã cho thấy tính chủ động và năng lực đổi mới, nhanh chóng nghiên cứu, triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp với điều kiện mới.

Doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tích lũy năng lực đổi mới, trước hết thông qua chuyển đổi các quy trình sang sử dụng các công nghệ kỹ thuật số sau đó tiến tới các công nghệ công nghiệp 4.0 phức tạp hơn. Lợi ích mang lại từ hoạt động này có thể rất lớn.

Các doanh nghiệp Việt tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ, giảm thiểu lao động chân tay trong điều kiện thiếu hụt lao động.
Các doanh nghiệp Việt tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ, giảm thiểu lao động chân tay trong điều kiện thiếu hụt lao động.

Theo các chuyên gia, để thực hiện trọng tâm chiến lược về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Việt Nam cần nỗ lực thúc đẩy sự điều phối liên ngành hiệu quả và áp dụng các thực tiễn tốt nhất trong thiết kế và thực thi chính sách đổi mới sáng tạo. Việt Nam cần tái định hướng khung chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở tầm chiến lược: Chuyển từ quan điểm tập trung cho hoạt động tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ, và đổi mới sáng tạo dựa trên nghiên cứu và phát triển (R&D) sang thúc đẩy đổi mới sáng phi R&D và phổ biến các công nghệ mới. Sự chuyển hướng chiến lược này dẫn tới các thay đổi quan trọng về thể chế.

Đó là: Thứ nhất, chính sách hỗ trợ KHCN và đổi mới sáng tạo sẽ đòi hỏi các cơ quan thực hiện phải phối hợp chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ hai, việc triển khai các giải pháp ưu tiên thúc đẩy năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo phi R&D trở nên ngày càng quan trọng. Thứ ba, các nhà hoạch định chính sách cần cho phép đối tượng thụ hưởng tiếp cận các giải pháp đa ngành, vốn dựa trên bản chất xuyên ngành của đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Trong thời gian tới cần tăng cường phối hợp thực hiện chính sách liên ngành và nâng cao năng lực thể chế để cung cấp dịch vụ có chất lượng cho doanh nghiệp. Việc cải thiện năng lực điều phối đòi hỏi phải rà soát lại mô hình hiện có vốn đang dẫn đến sự phân tán về cách tiếp cận và phân bổ nguồn lực giữa các tổ chức. Cần xây dựng năng lực thể chế mới để tập trung đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp và thiết kế, triển khai chương trình hỗ trợ có chất lượng.

Về lâu dài, DN cần chú trọng cải tiến năng suất lao động, giá trị sản phẩm, đặc biệt lưu ý xu hướng của các nhà mua hàng hiện nay là tìm kiếm những nhà sản xuất sử dụng vật liệu có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên sản phẩm có thể chuyển đổi công năng, thân thiện với môi trường, qua đó có thể giữ vững vị thế mới của Việt Nam trên thế giới.

Nguồn: https://congly.vn/doanh-nghiep-viet-tang-toc-dau-tu-day-manh-so-hoa-vuc-day-sau-dai-dich-198625.html