29/03/2024 | 09:11 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp nông nghiệp khó tiếp cận gói tín dụng lãi suất thấp

Cập nhật lúc: 08/05/2021, 10:10

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ nông sản còn hiện hữu đối với ngành công nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Khó khăn, vướng mắc được Bộ NN&PTNT điểm danh trước tiên là “nút thắt” về vốn tín dụng.

Cụ thể, việc tiếp cận gói tín dụng có lãi suất thấp còn khá khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp.

4 vướng mắc nổi cộm của ngành nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Công văn nêu rõ, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và thế giới.

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khẩn trương triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch. Nhờ vậy, năm 2020, sản xuất kinh doanh của ngành vẫn đạt được kết quả khả quan với tốc độ tăng trưởng đạt 2,68%; kim ngạch xuất khẩu đạt 41,54 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD…

Doanh nghiệp xuất khẩu xoài.
Doanh nghiệp xuất khẩu xoài.

Dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng trong năm 2020, dịch Covid-19 vẫn tác động mạnh đến ngành nông nghiệp. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ nông sản còn hiện hữu.

Khó khăn, vướng mắc được Bộ NN&PTNT điểm danh trước tiên là “nút thắt” về vốn tín dụng. Cụ thể, việc tiếp cận gói tín dụng có lãi suất thấp còn khá khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp. 

Hiện, thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh và thương mại gián đoạn; do đó áp lực chi phí, phí, thuế với doanh nghiệp rất lớn.

Cùng với đó, hệ thống logistics kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế. Số lượng kho lạnh hiện chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu. “Bên cạnh đó, thiếu hụt nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì hạn chế về vận chuyển; một số dự án đầu tư dây chuyền sản xuất bị đình trệ do phải chờ thiết bị ngoại nhập, tư vấn nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật cũng là những khó khăn lớn đặt ra”, đại diện Bộ NN&PTNT cho hay.

Đẩy mạnh miễn giảm tiền thuê đất, giá điện

Trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 ở trong nước và trên thế giới, Bộ NN&PTNT nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng nông sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho nông sản tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ NN&PTNT đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư một số chính sách và giải pháp hỗ trợ để tổng hợp và kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành.

Cụ thể với Bộ Công Thương là chỉ đạo các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn của các tỉnh bị phong tỏa được lưu thông, tiêu thụ bình thường trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Có ý kiến để các đơn vị kinh doanh cung cấp dịch vụ logistics, kho bãi, kho lạnh, các hãng tàu… hỗ trợ việc bảo quản hàng hóa, giảm chi phí bảo quản, đặc biệt là các nông sản thực phẩm cần có chế độ bảo quản đặc biệt.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản qua kênh online giữa bối cảnh dịch bệnh người tiêu dùng hạn chế tới các cửa hàng mua bán trực tiếp….

Đặc biệt, với Bộ Tài chính, đề xuất đặt ra là triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch như: Miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp; giá điện, nước đối với các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép hoãn thời gian thanh toán tiền điện.

Cùng với đó, nghiên cứu, tham mưu Chính phủ có các gói kích cầu kịp thời nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước.

Phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng về hải quan, kiểm dịch xem xét kéo dài thời gian làm việc trong ngày, tổ chức làm ngoài giờ. Điều này nhằm hỗ trợ thực hiện cấp phép, thông quan hàng hóa, tránh tắc nghẽn tồn đọng lâu ngày tại cảng gây ra tốn kém chi phí lưu container, lưu bãi và chi phí cắm điện bảo quản lạnh tại cảng, cửa khẩu.

Nghiên cứu chính sách để giảm chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa; nghiên cứu chính sách trợ giá, hỗ trợ thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng, thua lỗ do địa phương phải thực hiện giãn cách/phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ NN&PTNT đề xuất nghiên cứu và xây dựng chính sách gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, phạt nợ quá hạn đối với các khoản vay đến hạn thanh toán, giảm chi phí giao dịch để tạo điều kiện doanh nghiệp tập trung vốn sản xuất…

Nguồn: https://baodansinh.vn/doanh-nghiep-nong-nghiep-kho-tiep-can-goi-tin-dung-lai-suat-thap-20210506172756438.htm?fbclid=IwAR1aJx5hRL5D7dkHxh3OOw7OR5gkQBs2-X9UdcbqTCWcAnN6Nm1Aoz3p7r0