25/04/2024 | 05:22 GMT+7, Hà Nội

Lần đầu tiên, cán bộ quản lý thị trường ra “chợ” trực tiếp bán nông sản

Cập nhật lúc: 03/06/2021, 16:30

Lần đầu tiên, Tổng Cục Quản lý thị trường tham gia trực tiếp vào việc thu mua và phân phối nông sản. Đặc biệt hơn, cán bộ quản lý thị trường sẽ trực tiếp bán hàng nông sản.

Mở điểm bán vải thiều lưu động do cán bộ quản lý thị trường bán trực tiếp

Ngày 1/6, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Quản lý thị trường đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc triển khai Chỉ thị 08/CT-BCT và danh sách các đầu mối hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo này, Tổng Cục Quản lý thị trường đã giao nhiệm vụ cho các Cục, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tạo điều kiện, khuyến khích, yêu cầu các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng... tăng điểm bán hàng, tăng sản lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh tại địa bàn; ưu tiên các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã và đang vào vụ thu hoạch như vải thiều, thanh long, khoai lang, xoài, hành tím…

Đáng chú ý, Tổng cục này đã phát động phong trào tiêu thụ, sử dụng nông sản an toàn tại các Cục để lan toả đến người dân sử dụng nông sản an toàn. Mỗi Cục mua 1 tấn vải thiều Bắc Giang và các nông sản khác, ví dụ khoai lang tím của Vĩnh Long.

Mở điểm bán vải thiều lưu động do cán bộ quản lý thị trường bán trực tiếp
Mở điểm bán vải thiều lưu động do cán bộ quản lý thị trường bán trực tiếp

Ngoài ra, lãnh đạo các Cục là đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin 24/7 hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực hiện thu thập thông tin về sản lượng tiêu thụ trên địa bàn để xác định nhu cầu, sản lượng cần thiết cũng như giải quyết các vấn đề vướng mắc của phương tiện vận chuyển tại các điểm/chốt phòng dịch.

Ngoài ra, một số Cục phối hợp với doanh nghiệp thực hiện thu mua vải thiều, rau quả của Bắc Giang và mở điểm bán lưu động do cán bộ quản lý thị trường bán trực tiếp.

Trước đó, Tổng cục đã làm việc với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đề trao đổi Chương trình hỗ trợ tiêu thụ 3.000 tấn vải thiều Bắc Giang. Theo đó, Tổng Cục sẽ phối hợp với đơn vị này tiêu thụ vải thiều Bắc Giang bằng hai cách, thứ nhất là bán hàng trực tiếp thông qua mạng lưới vận tải, thứ hai là bán trên sàn thương mại điện tử.

Đặc biệt, các Đội Quản lý thị trường sẽ tổ chức cả các điểm bán hàng lưu động đến khu vực xa trung tâm đô thị hoặc gần khu vực đông dân cư, khu công nghiệp để bán trực tiếp. Các địa bàn trọng điểm sẽ được giao tiêu thụ số lượng lớn là: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

"Cán bộ quản lý thị trường nhàn rỗi đi thu mua vải thiều là điều đáng hoan nghênh"

Có thể nói, đây là lần đầu tiên, Tổng Cục Quản lý thị trường tham gia vào công việc điều tiết thị trường, thu mua và phân phối nông sản. Trên thực tế, các lĩnh vực này vốn thuộc về Cục Xúc tiến thương mại, hoặc Vụ Thị trường trong nước, đều thuộc Bộ Công Thương.

Theo Quyết định 34 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Cục Quản lý thị trường có nhiệm vụ thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hình vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ;....

sản xuất vải

Trong khi đó, Cục Xúc tiến thương mại xúc tiến thương mại, xúc tiến hoạt động đầu tư phát triển ngành Công Thường. Còn Vụ Thị trường trong nước có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước về thương mại và thị trường trong nước theo quy định của pháp luật.

Nhận định về hoạt động trái ngành của Tổng Cục Quản lý thị trường, ông Vũ Vĩnh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết: Tổng Cục Quản lý thị trường không có chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực thu mua, điều tiết nông sản trong nước.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ngành nông nghiệp đang chịu thiệt hại nặng do đại dịch COVID-19, trong đó vải thiều Bắc Giang là sản phẩm chịu thiệt hại nặng nhất, ông Phú lại hoan nghênh Tổng Cục Quản lý thị trường tham gia vào việc thu mua vải thiều, hỗ trợ bà con nông dân Bắc Giang tiêu thụ vài tấn vải.

“Nếu cán bộ nhân viên của Tổng Cục Quản lý thị trường nhàn rỗi quá, thì việc tham gia vào lĩnh vực trái ngành, trái nghề đi thu mua vải thiều, hỗ trợ nông dân Bắc Giang là điều đáng hoan nghênh”, ông Phú nói.

Ông Vũ Vĩnh Phú cho rằng, việc Tổng Cục Quản lý thị trường giao chỉ tiêu mỗi Cục thu mua ít nhất 1 tấn vải thiều. Như vậy, cả nước có 63 Cục Quản lý thị trường, sức tiêu thụ vải thiều tương đương 63 tấn. Con số này không đáng kể so với tổng nguồn cung vải thiều của Bắc Giang.

“Dự kiến trong năm 2021, sản lượng vải thiều của Bắc Giang khoảng 180.000 tấn, trong đó dự kiến 10% là để xuất khẩu, 90% còn lại là tiêu thụ trong nước. Với số lượng “khổng lồ” như vậy, ai có tâm, ai có trách nhiệm thì nên hỗ trợ nông dân Bắc Giang. Miễn các đơn vị này không lợi dụng dịch bệnh để dìm giá, ép giá nông dân là được”, ông Phú nhấn mạnh.

Nguồn: https://congluan.vn/lan-dau-tien-can-bo-quan-ly-thi-truong-ra-cho-truc-tiep-ban-nong-san-post136817.html