28/03/2024 | 20:26 GMT+7, Hà Nội

PGS.TS Trần Đình Thiên: Các doanh nghiệp cần được bình đẳng, ai giỏi sẽ có thưởng!

Cập nhật lúc: 13/04/2021, 16:27

Hiện nay, kinh tế Việt Nam có một tình trạng chưa công bằng về chính sách hỗ trợ của nhà nước giữa các DN Nhà nước và DN tư nhân. Đây là quan điểm của PGS.TS Trần Đình Thiên...

 

Cần "tích điểm" cho những DN mang lại nhiều lợi ích

Trao đổi với báo chí, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, hiện nay, kinh tế Việt Nam có một thực trạng nhức nhối, đó vẫn là sự chưa bình đẳng giữa các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ, tháng 7/2020, Vietnam Airlines đã xin Chính phủ hỗ trợ 12.000 tỷ đồng. Ngay sau đó, hai hãng Hàng không tư nhân, Vietjet và Bamboo Airways cũng xin Chính phủ hỗ trợ vốn, nhưng lại chưa được đáp ứng.

Nhận định về câu chuyện này, có nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp Nhà nước được Chính phủ ưu ái và có nhiều ưu tiên hơn. Điều này theo ông Thiên, cũng chưa đúng.

Trong bối khó khăn chung như hiện nay, việc ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp nào, tư nhân hay Nhà nước, Chính phủ cũng phải dựa vào các yếu tố như phụ thuộc vào ngành nghề và năng lực của doanh nghiệp.

PGS.TS Trần Đình Thiên kiến nghị: Chính phủ nên đặt ra một chiến lược phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam, không phân biệt công ty Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Ngay trong việc ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp nào cũng phải xét các lợi ích kinh tế trước đó.

Đồng thời, Chính phủ nên ban hành một số chính sách thưởng cho những doanh nghiệp có năng lực tốt, nhằm tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

"Ví dụ, một doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện 100 km đường giao thông, nhưng làm 5 năm không xong. Trong khi đó, có doanh nghiệp khác, có thể là doanh nghiệp tư nhân, hoặc doanh nghiệp Nhà nước làm 100 km đường giao thông chỉ trong 2 năm, tiết kiệm 100 tỷ đồng", PGS.T Trần Đình Thiên- thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nói. 

Với “tấm gương” như vậy, theo ông Thiên, Chính phủ nên có bằng khen, hoặc thưởng tiền, tối thiểu là giảm một số thuế, phí trong 1 năm.

“Cứ bất kỳ doanh nghiệp nào giỏi hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn sẽ được “tích” thêm điểm, trong hồ sơ đấu thầu tiếp theo. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ tạo ra sự cạnh tranh năng lực, kéo theo tiến bộ chung giữa các công ty với nhau”, ông Thiên chia sẻ thêm.

Những mặt trái của kinh tế Việt Nam

Tình hình kinh tế Việt Nam 2020. Ảnh minh họa

Nhìn nhận lại tình hình kinh tế năm 2020, PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá, mức tăng trưởng GDP 2,91% trong năm 2020 là một thành tựu lớn của Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh liên tục bùng phát trong nước và trên thế giới.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 lại làm lộ ra một số điểm yếu trong nền kinh tế. Đơn cử như, nền tảng kinh tế còn yếu kém, cơ cấu nền kinh tế đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào hàng hóa FDI;... Đặc biệt, cấu trúc kinh tế Việt Nam không đồng đều.

Phân tích rõ hơn về các điểm yếu của kinh tế Việt Nam, ông Thiên nói: Thứ nhất, cấu trúc kinh tế không đều giữa các tỉnh, thành phố trong nước. Ví dụ, trong năm 2020, Quảng Ninh ghi nhận mức tăng trưởng GDP khoảng 10%, tuy nhiên Đà Nẵng, Khánh Hòa lại đi xuống.

“Năm ngoái, thay vì “an phận” trước đại dịch Covid-19, Quảng Ninh lại tích cực “săn” các nhà đầu tư lớn, nhờ các chính sách hợp lý, kịp thời. Nhờ đó, kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp của tỉnh này tăng trưởng rất nhanh”, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết.

Thứ hai, tại TP.HCM, dù là trung tâm kinh tế của cả nước, song vài năm qua kinh tế tăng trưởng trì trệ. Nguyên nhân là do hạ tầng cơ sở, thế chế yếu kém, thiếu những chính sách hợp lý làm cản trở kinh tế tăng trưởng.

“Năm vừa rồi, dường như Chính phủ tập trung thảo luận nhiều về các giải pháp phát triển hạ tầng cho vùng Tây Nam Bộ. Đáng nhẽ, vùng Đông Nam Bộ phải được ưu tiên. Bởi, khu vực này có TP.HCM, là “đầu tàu” kinh tế có khả năng kéo cả đoàn tàu đi lên”, ông Thiên chia sẻ.

Thứ ba, mặc dù Việt Nam tự hào khi GDP trong năm 2020 tăng 2,91%. Tuy nhiên, mức tăng này đều là công sức của ngành nông nghiệp trong nước, không liên quan tới nhiều tới thị trường nước ngoài. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu thì 72% là hàng FDI.

“Chình vì nhờ vào ngành nông nghiệp, và hàng xuất khẩu FDI, đã giúp kinh tế của nhiều địa phương vẫn “sống”. Thế nhưng, hậu Covid-19, kinh tế của các địa phương này có đứng được không, đây mới là câu chuyện”, ông Thiên nói.

Nguồn: https://congluan.vn/pgsts-tran-dinh-thien-cac-doanh-nghiep-can-duoc-binh-dang-ai-gioi-se-co-thuong-post127767.html