26/04/2024 | 02:07 GMT+7, Hà Nội

“Giải cứu nông sản” nhìn từ vải thiều Bắc Giang: Ai kêu mà cứu?

Cập nhật lúc: 03/06/2021, 06:15

Trên mạng xã hội, người ta thi nhau kêu gọi giải cứu vải thiều Bắc Giang mà không biết đã vô tình làm giảm giá vải, khiến bà con nông dân Bắc Giang chịu nhiều tổn thất.

"GIẢI CỨU NÔNG SẢN" NHÌN TỪ VẢI THIỀU BẮC GIANG: AI KÊU MÀ CỨU? 

Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, cả nước căng mình chống dịch, đặc biệt ở "chảo lửa" Bắc Giang, khi số ca nhiễm mỗi ngày một tăng kéo theo nỗi lo sợ của người dân trên cả nước. Song hành với công tác chống dịch, việc tiêu thụ nông sản ở các vùng chuyên canh như Bắc Giang cũng được quan tâm, nhất là khi mùa thu hoạch quả vải đang vào giai đoạn nước rút.

VẢI THIỀU BẮC GIANG CÓ CẦN PHẢI ĐƯỢC "GIẢI CỨU"? 

Những ngày này, rất dễ nhìn thấy những lời kêu gọi mua vải "giải cứu" trên khắp mạng xã hội facebook, từ những tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ, đến cả người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam cũng kêu gọi trên các cộng đồng, hội nhóm cùng chung tay... cứu vải.

Nhưng quả vải Bắc Giang có thực sự cần được giải cứu?

Nếu để tâm một chút sẽ thấy, bên cạnh thông tin về tình hình diễn biến của dịch Covid-19 những ngày qua, trên các kênh thông tin đại chúng, báo đài, thông tin về tiêu thụ vải thiều Bắc Giang cũng được cập nhật liên tục.

Ngày 26/5, 20 tấn vải thiều sớm của huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã lên đường sang Nhật Bản. Đây là sự kiện quan trọng, mở đầu cho chuyến vải thiều đầu tiên năm nay của Bắc Giang sang thị trường này. Chỉ vài tiếng sau khi được đưa lên kệ vào ngày 27/5, người tiêu dùng tại Nhật Bản đã tiêu thụ hết 20 tấn vải với giá 350.000 đồng/kg.

Không chỉ bày bán ở siêu thị, vải thiều Việt Nam năm nay còn được mở bán gian hàng trực tuyến trên website camp-fire.jp. Hiện giá bán trên gian hàng trực tuyến này 7.800yen cho 3 cân, tương đương gần 550.000 đồng/kg.

Dự kiến mùa vụ năm nay, các công ty đầu mối xuất khẩu sẽ xuất khoảng 2.000 tấn vải thiều tươi sang Nhật Bản, trong đó Bắc Giang và Hải Dương mỗi địa phương là 1.000 tấn.

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, đến ngày 27/5, tỉnh này đã tiêu thụ 10.935 tấn vải sớm, giá bán bình quân 20.000 - 28.000 đồng/kg. Với vải tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap giá dao động 30.000 - 35.000 đồng/kg. Trong số này, lượng vải tiêu thụ trong nước là hơn 7.740 tấn, xuất khẩu sang Trung Quốc 3.198 tấn, xuất khẩu sang Nhật Bản 20 tấn. Đến ngày 31/5, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được khoảng 17.000 tấn vải thiều tươi; trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc và thị trường nội địa; giá bán bình quân dao động từ 20.000 - 32.000 đồng/kg; cao nhất đạt 55.000 đồng/kg. 

Tại huyện Lục Ngạn, lũy kế đến ngày 2/6, tổng sản lượng vải thiều sớm đã tiêu thụ là 10.539 tấn, trong đó sản lượng vải thiều tiêu thụ nội địa là 6.789 tấn, chủ yếu tại Hà Nội, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, riêng tại thị trường miền Nam là 4.141 tấn; hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích 630 tấn; sàn thương mại điện tử 7 tấn, thị trường khác 2.011 tấn. Sản lượng vải thiều xuất khẩu đạt 3.750 tấn, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc 3.354 tấn, sang Campuchia 396 tấn...

Dự kiến sản lượng mùa vụ vải năm 2021 Bắc Giang có khoảng 180.000 tấn (tăng 15.000 tấn so với năm ngoái) trên diện tích 28.100ha trồng vải. 

Đứng trước những khó khăn do dịch bệnh đang ở giai đoạn căng thẳng, Bắc Giang đã lên sẵn 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều với mỗi kịch bản là một kế hoạch tiêu thụ rõ ràng giữa thị trường trong nước và xuất khẩu, nhằm đảm bảo việc thu hoạch và tiêu thụ thuận lợi trong bối cảnh dịch bệnh.

Kịnh bản 1: Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ tương đối thuận lợi. Khi đó, mục tiêu sản lượng vải thiều được tiêu thụ 50% trong nước, khoảng 90.000 tấn; 50% xuất khẩu, khoảng 90.000 tấn. Kênh tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối trong nước, các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: BigC, GO, Lan Chi, Vinmart&Vinmart; các doanh nghiệp chế biến; xuất khẩu; các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ.

Kịch bản 2: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát. Theo kịch bản này, mục tiêu tiêu thụ 70% sản lượng vải thiều trong nước, khoảng 130.000 tấn; 30% xuất khẩu khoảng 50.000 tấn. Kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối; các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; các chợ truyền thống…

Kịch bản 3: Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu nhỏ giọt, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Khi kịch bản này xảy ra, tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Sản lượng vải thiều chủ yếu được tiêu thụ trong nước, chiếm 90%, khoảng 160.000 tấn; xuất khẩu 10%, khoảng 20.000 tấn. Tăng cường khuyến cáo người dân thu hoạch rải vụ, nơi nào có quả vải chín trước cần tập trung thu hoạch, tiêu thụ sớm.

Bộ Công Thương cũng đã có những chỉ đạo cụ thể về việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông quả vải và các nông sản khác của tỉnh Bắc Giang.

Các kịch bản đã sẵn sàng, vải thiều vẫn được xuất khẩu và bán được giá, nhưng trên mạng xã hội, người ta đang liên tục kêu gọi giải cứu vải thiều vì nguyên nhân “dịch bệnh căng thẳng, người dân Bắc Giang không tiêu thụ được vải thiều” hay thậm chí còn có thông tin "vì dịch bệnh, giá vải thiều ở Bắc Giang xuống rất thấp, có nơi người bán bị ép giá từ 8.000 đồng/kg xuống còn 2.000 đồng/kg". 

Như mọi lần, sự thương cảm của cộng đồng lại được kêu gọi. Ai cũng bức xúc vì thương người nông dân vất vả sớm hôm mà vì dịch bệnh lại bị thương lái ép giá nên ra sức kêu gọi giải cứu và ra sức giải cứu.

Nhưng sự thật không phải vậy.

Tại Bắc Giang, vải thiều những năm gần đây được trồng tốt theo các quy trình kỹ thuật nên rất được giá, đặc biệt là từ năm 2020, sau khi chính thức bước vào thị trường Nhật Bản, giá vải thiều Bắc Giang thậm chí đã cao đến mức kỷ lục 120.000 đồng 7 quả vải.

Không chỉ xuất khẩu, tại thị trường trong nước, vải cũng đang được tiêu thụ tốt với mức giá hợp lý. Hệ thống các siêu thị của các Tập đoàn lớn như BRG, VinCommerce, Central Retail… cũng đã lên kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ hàng trăm tấn vải thiều Bắc Giang. Không chỉ bày bán ở các siêu thị, các chợ đầu mối, chợ dân sinh, vải thiều còn được đưa lên các gian hàng trên sàn thương mại điện tử và đã bước đầu có được sự đón nhận từ người tiêu dùng. 

Vải thiều Bắc Giang chỉ còn 2.000 đồng/kg” đã được chính quyền tỉnh Bắc Giang khẳng định là thông tin giả.

Ngày 31/5, UBND tỉnh Bắc Giang phải ra một văn bản về việc đề nghị không sử dụng từ "giải cứu" trong việc đưa thông tin về vải thiều Bắc Giang. Bởi chính cụm từ "giải cứu" lại khiến giá nông sản giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người nông dân.

GIẢI CỨU NÔNG SẢN: LÒNG TỐT ĐƯỢC BAN PHÁT VÔ TỘI VẠ? 

Đây không phải là lần đầu tiên lời kêu gọi giải cứu nông sản xuất hiện. Trước đó, nông sản Hải Dương cũng được người dân kêu gọi giải cứu bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Vậy nhưng, hầu hết những người tiêu dùng sẵn lòng tham gia “giải cứu” nông sản, sẵn sàng tương trợ đồng bào mình trong khó khăn lại không thực sự nắm bắt được tình hình thực tế đang diễn ra tại vùng sản xuất.

Nhà báo Đức Thọ, một người dân Lục Ngạn, cũng là người từng có nhiều năm kinh nghiệm trồng vải chia sẻ: Vào vụ Vải thiều, toàn bộ nhân lực của huyện Lục Ngạn phải huy động để giải quyết mọi vấn đề nảy sinh, từ giải toả ùn tắc đến quản lý thị trường, kiểm soát tình trạng gian lận thương mại, trộm cắp…

Riêng về giao thông, tuyến đường dài khoảng 20km từ phố Kim lên trung tâm xã Phì Điền đều chật kín xe đầu kéo chở vải trong những ngày cao điểm mùa thu hoạch vải. Huyện Lục Ngạn chỉ có 40 ngày để tiêu thụ hết 120.000 tấn vải, điều đó cho thấy thực tế căng thẳng và chật chội trong thu mua, cân, vận chuyển vải.

"Từ đó, có hai vấn đề liên quan chuyện giải cứu. Một là, các cá nhân, hội nhóm giải cứu được bao nhiêu và thấm gì với những con số nêu trên? Hai là, những chuyến xe vài tạ đến 1 - 2 tấn của nhóm giải cứu sẽ chỉ làm rối thêm tình trạng giao thông và hoạt động mua bán. Trong khi đó, giao thông rất cần thông thoáng để những chuyến xe chở 10 - 15 tấn vải lên đường", nhà báo Đức Thọ phân tích. 

Chưa kể, theo nhà báo Đức Thọ, "giải cứu nông sản" luôn có nhiều vấn đề. Bài học về giải cứu dưa hấu cũng đã cho thấy điều đó. Khi "giải cứu", không ít người nông dân sẽ thu hái toàn bộ rồi chuyển cho các đơn vị “ứng cứu”, trong khi dưa hấu cần đạt độ chín mới thu hoạch. Kết quả, nhiều người mua về nhưng không ăn nổi. Nông sản nào cũng vậy. Riêng với vải thiều thì còn nhiều vấn đề hơn.

Đầu tiên là hao hụt. Vải thiều là một trong những mặt hàng nông sản bị hao hụt lớn nhất khi tiêu thụ. Với 1 tạ vải thiều, từ thu hoạch tại vườn đến điểm tiêu thụ ví dụ như Hà Nội, sẽ hao hụt khoảng 5 - 7%. Tiếp theo là gãy rụng, dập nát. Nếu chở bằng xe tải nhỏ, trong quá trình di chuyển rất nhiều quả vải sẽ rời cuống, nhiều quả vải sẽ bị dập nát. Nếu những chùm vải gãy, rụng, dập nát ấy được đưa đến tay người tiêu dùng thì họ sẽ nghĩ sao?

Đấy là trong trường hợp thực sự vải thiều Bắc Giang được “giải cứu” và đến tay người tiêu dùng. Nhưng trên thực tế, Bắc Giang đã khẳng định không cần kêu gọi “giải cứu” vải. Hiện tại, vải thiều chín sớm tại Bắc Giang được thương lái thu mua tại vườn có nơi lên tới 35.000 - 40.000 đồng/kg. Vậy, loại vải thiều được “giải cứu” bán cho người tiêu dùng mức 20.000 - 25.000 đồng/kg là vải gì, xuất xứ từ đâu, chất lượng thế nào lại là một câu hỏi mà người tiêu dùng có thể đang lãng quên khi hăng hái chung tay “giải cứu vải”.

Nhưng, việc vải không đạt chất lượng (giống như dưa hấu non, su hào già đã từng xảy ra ở các đợt giải cứu trước đây) là có thể nhìn thấy được. Vậy thì sớm muộn, người tiêu dùng cũng mất lòng tin vào “vải thiều Bắc Giang” và cứ nhiều lần người tiêu dùng phải thất vọng vì nông sản được giải cứu như vậy, cuối cùng, người chịu ảnh hưởng vẫn là người nông dân trồng vải.

Chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, trong quá trình tiêu thụ nông sản và cung cấp thông tin trên các kênh thông tin, mạng xã hội, phải rất hạn chế những cụm từ như “giải cứu nông sản” bởi việc này trên thực tế là không tồn tại.

Với kinh nghiệm từ rất nhiều vụ vải những năm gần đây, năm nay tỉnh Bắc Giang đã tổ chức các kịch bản tiêu thụ rất tốt, giữ được giá trị mục tiêu lớn nhất theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo tăng trưởng. Trong việc tiêu thụ vải và các sản phẩm mùa vụ thì mục tiêu lớn nhất đó là giữ được giá trị cho nông sản.

Cần phải hiểu và nắm chắc một sự thật đó là nông sản của chúng ta là nông sản có giá trị, nông sản chất lượng, là những mặt hàng được sản xuất bởi bàn tay của người nông dân, đáp ứng đầy đủ các quy trình kỹ thuật, thậm chí các tiêu chuẩn nghiêm ngặt như VietGAp, GlobalGap cũng được đáp ứng tốt... Rất nhiều giá trị tích hợp vào đó, nên chúng ta phải nhìn nhận đúng giá trị này. Giá trị đó vận hành theo cả thương hiệu của sản phẩm. Sản phẩm vải thiều Lục Ngạn là một thương hiệu đặc sản chủ lực, có chỉ dẫn địa lý và đã được xuất khẩu tới 30 thị trường trên thế giới. Nên chúng ta phải nhận thức rằng, đây là một quy trình sản xuất - tiêu thụ bài bản, khoa học.

"Như tôi đã nhấn mạnh, việc gìn giữ các giá trị của các mặt hàng nông sản là trách nhiệm của tất cả các chủ thể có liên quan, từ các bộ, ban, ngành, đến chính quyền địa phương, người sản xuất, người tiêu dùng và cả các kênh thông tin. Trong đó, đặc biệt người tiêu dùng, mỗi người dân của chúng ta phải hiểu được giá trị nông sản của chúng ta. Đây là một việc làm rất cần thiết.

Thứ hai, việc thông tin về tiêu thụ nông sản phải bám sát, phối kết hợp với địa phương để ghi nhận tình hình thực tế, tránh đưa thông tin thất thiệt, để làm thiệt hại cho người nông dân. Vì đây là đối tượng chịu tổn thương lớn nhất khi thông tin thất thiệt được đưa ra.

Thứ ba, chúng ta phải làm quen rằng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc chúng ta tôn vinh những giá trị nông sản trong nước cũng có nghĩa là nâng cao giá trị nông sản của chúng ta trên thị trường quốc tế. Các thị trường nhập khẩu họ sẽ nhìn vào những giá trị đó, những thông tin đó để vận hành theo.

Tôi tin tưởng thời gian vừa qua chúng ta đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp rất đồng bộ, bài bản vì chúng ta đã tập trung vào khâu giá trị. Chúng ta vừa sản xuất có chất lượng, quản lý có chất lượng, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, đồng thời cũng tăng cường khâu chế biến và tổ chức thị trường, gây dựng được thương hiệu đặc sản chủ lực các vùng miền và chỉ dẫn địa lý. Điều đó cho thấy chúng ta đang từng bước nâng cao chất lượng nông sản và chúng ta phải đồng hành với việc tái cơ cấu đó một cách quyết liệt và trách nhiệm nhất", ông Nguyễn Quốc Toản phân tích. 

Rõ ràng, việc sẵn sàng đưa tay hỗ trợ đồng bào lúc khó khăn là một hành động trân quý. Nhưng để cái nắm tay ấy thực sự hiệu quả, người tiêu dùng cần phải sáng suốt hơn. Đã qua rồi thời kỳ nông sản Việt Nam chỉ có chất lượng thấp như nhiều người vẫn nghĩ. Hiện nay, với các quy trình canh tác hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe, nông sản Việt Nam ngày càng có giá trị và đã được xuất khẩu đi tiêu thụ tại nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Đã đến lúc người tiêu dùng trong nước cần hiểu đúng về giá trị nông sản Việt Nam và phải biết cách tiêu dùng thông thái để gìn giữ, nâng cao giá trị ấy.

Khi lòng tốt được ban phát vô tội vạ đi kèm đó là sự thiếu hiểu biết, hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều một cân vải chất lượng kém mà bạn mua về từ các điểm “giải cứu”.

Yên Trung/Ảnh: Lê Minh Sơn
Thanh Thảo - Lê Quyên
03/06/2021 06:15

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ai-keu-ma-thi-nhau-cuu-vai-thieu-bac-giang-20201231000002520.html