29/03/2024 | 05:50 GMT+7, Hà Nội

"Quy định chưa phù hợp thì phải trả lại tiền cho doanh nghiệp"

Cập nhật lúc: 15/03/2020, 07:25

"Nếu đã chấp nhận sửa đổi để tăng khống chế chi phí lãi vay lên 30% trong kỳ thuế của năm 2019 thì đáng lẽ ra phải chấp nhận hồi tố cả khoản tiền doanh nghiệp đã nộp năm 2017, 2018 thì mới công bằng..."

Ngay từ đầu, các doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế đã đánh giá quy định tại khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là bất hợp lý. Bởi các doanh nghiệp nội địa tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh nên dựa vào nguồn vốn vay là chính, quy định trên sẽ bóp nghẹt hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó là chưa kể việc thuế chồng lên thuế, do bên cho vay đã phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế đó. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mẹ - con, khi công ty con chưa đủ tín nhiệm để vay vốn thì công ty mẹ phải đứng ra vay và cho công ty con vay lại và phải chịu hai lần thuế (ở cả mẹ và con) nếu vượt mức khống chế 20% trên…

Mặc dù đã có nhiều động thái sửa đổi song Bộ Tài chính vẫn bảo vệ quan điểm về việc áp dụng sửa đổi điều khoản này từ kỳ tính thuế năm 2019. Như vậy, việc hồi tố quy định về khống chế trần lãi suất theo văn bản này lại mang đến sự thất vọng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Reatimes đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội xoay quanh câu chuyện này.

PV: Liên quan đến kiến nghị nên hồi tố với các doanh nghiệp đã gương mẫu kê khai và nộp thuế năm 2017 và 2018 theo quy định của Nghị định 20 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Bộ Tài chính đã khẳng định không áp dụng hồi tố. Lý do được Bộ đưa ra là "không phải lợi ích chung của xã hội", dẫn theo nội dung Khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản pháp luật năm 2015, là: “Chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức được quy định trong luật, nghị quyết Quốc hội và văn bản pháp luật của các cơ quan Trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước”. Trong khi đó, thực tế là nhiều doanh nghiệp nội đã chịu thiệt hại nặng nề lên đến hàng nghìn tỷ đồng từ khoản 3 điều 8 Nghị định 20. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Thực tế, suốt những năm qua, nhiều doanh nghiệp Nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước đã lên tiếng phản ánh những bất cập của quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 20. Nhưng đến nay, Bộ Tài chính mới có những động thái đầu tiên là lấy ý kiến sửa đổi, trong khi từ năm 2017 nhiều doanh nghiệp đã phải nộp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế cho một quy định được cho là bất hợp lý.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội.

Đặc biệt, câu chuyện hồi tố là vấn đề gây nhiều tranh cãi mà doanh nghiệp đang mong chờ được giải quyết nhất. Rõ ràng, doanh nghiệp thực thi đúng pháp luật nhưng pháp luật lại bộc lộ những yếu tố mâu thuẫn. Nếu Nghị định 20 không hồi tố trở về đúng thời điểm hiệu lực ban hành thì sẽ xảy ra tình huống doanh nghiệp chấp hành luật từ đầu mà lại bị “xử oan”. Hơn nữa, nếu đã chấp nhận sửa đổi để tăng khống chế chi phí lãi vay lên 30% trong kỳ thuế của năm 2019 thì đáng lẽ ra phải chấp nhận hồi tố cả khoản tiền doanh nghiệp đã nộp năm 2017, 2018 thì mới công bằng cho các doanh nghiệp đã nộp thuế đúng hạn. Quan điểm của tôi là nếu quy định chưa phù hợp thì phải trả lại tiền cho doanh nghiệp.

PV: Cũng lý giải việc không hồi tố, Bộ Tài chính cho rằng, các khoản thu năm 2017, 2018 đã đưa vào quyết toán NSNN, nếu tính lại thì phải sử dụng NSNN để hoàn thuế. Trong khi đó, dự toán NSNN năm 2020 mà Quốc hội phê duyệt không có khoản này. Tức là Bộ Tài chính đang lo ngại số kinh phí phải hoàn lại là 4.875 tỷ đồng và hiện chưa có nguồn để thanh toán. Như vậy có phải là sự vô lý theo kiểu "Vì tôi hết tiền nên tôi không thể trả lại". Ông đánh giá thế nào về thái độ này của cơ quan Nhà nước?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Đây là câu trả lời khó chấp nhận nhất từ Bộ Tài chính. Nếu theo logic này thì phải chăng nên hiểu rằng “sự đã rồi” và giờ không thể giải quyết được? Điều đó cũng cho thấy rằng, ngành thuế đã, đang chưa đủ năng lực quản lý các vấn đề tiêu cực khi thực hiện hồi tố các luật định về thuế.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng rất khó chấp nhận những giải trình đơn giản như dẫn từ luật để “đá bóng” về NSNN như giải trình của Bộ Tài chính. Dường như Bộ Tài chính đang đơn phương bác bỏ các kiến nghị của doanh nghiệp trong khi trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có ý kiến ủng hộ xem xét lại việc thực hiện quy định hồi tố trong điều chỉnh khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết.

Ngoài ra, OECD đã đưa ra các khuyến nghị và cho rằng Chính phủ Việt Nam nên tham khảo để ban hành nghị định sửa đổi chính thức với nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp gặp bất lợi do dịch bệnh Covid-19.

PV: Bộ Tài chính cũng lý giải công tác thuế liên quan đến nhiều đơn vị. Như vậy, Bộ Tài chính cho rằng trường hợp hồi tố lên đến hàng trăm doanh nghiệp, do đó có thể tạo cơ chế xin cho phức tạp trong quy trình quản lý. Nói như vậy, phải chăng Bộ Tài chính không đủ năng lực để “sửa sai”? Và từ đó lộ ra những quy trình thủ tục hành chính phức tạp mà doanh nghiệp phải chịu oan và trở thành “tốt thí”?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Quá trình thu thuế liên quan đến nhiều đơn vị đó là điều đương nhiên song chúng ta phải hiểu rằng, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm đầu tiên khi đưa ra các văn bản để các đơn vị liên quan căn cứ vào đó thực hiện. Đến giờ khi xảy ra những vướng mắc, doanh nghiệp kêu cần tháo gỡ nhưng Bộ Tài chính giải trình rằng "quy trình phức tạp" là không được. Điều này chỉ khiến cho doanh nghiệp mệt mỏi, không những thất thu mà còn mệt mỏi khi thực hiện các thủ tục liên quan. Chưa đòi được tiền thì đã “hết hơi” vì thủ tục.

Yếu tố cốt lõi ở đây là, nếu pháp luật không phù hợp thì phải điều chỉnh, thậm chí phải bị bãi bỏ. Nhà nước ban hành chính sách làm xấu hoặc gây thiệt hại cho doanh nghiệp và công dân thì phải chịu trách nhiệm, không thể viện lý do để trốn tránh được.

PV: Qua sự việc này, ông thấy cơ quan quản lý Nhà nước đã bộc lộ ra điểm yếu gì?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Từ việc sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 có thể thấy rõ rằng, trong nhiều năm qua hoạt động của các cấp, ngành khác nhau, đặc biệt trong quản lý Nhà nước còn rất chậm. Chậm điều chỉnh luật cũ và ra các văn bản hướng dẫn thi hành luật mới khiến luật không đi vào cuộc sống, kéo dài sự trì trệ và bức xúc cả trong kinh tế và xã hội. Chậm giải quyết thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng công chức làm tăng tình trạng trì trệ, dồn tắc. Chậm tiếp cận và xử lý linh hoạt thông tin mà doanh nghiệp kêu cứu khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh thua lỗ. Thị trường bất động sản cũng đứng trước nguy cơ "bất động" và cơ quan Nhà nước vẫn khiến doanh nghiệp mòn mỏi chờ đợi gỡ rối. Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế nói chung, nếu không nhanh sửa đổi thì doanh nghiệp chẳng còn động lực để tăng trưởng và phát triển.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!